Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, điều kiện ăn ở của 42 nữ lao động Việt Nam ở Malaysia vẫn được đảm bảo, không bị đối xử tệ. Cơ quan chức năng đang làm thủ tục hồi hương hoặc tìm việc làm mới cho lao động. |
Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Các lao động Việt Nam bị tạm giữ do giấy phép lao động hết hạn. Nguyên nhân hết hạn là do từ tháng 8/2011 (thời điểm hết hạn visa năm thứ nhất), Công ty Asmana vẫn chưa đóng tiền và làm thủ tục gia hạn visa năm thứ hai cho người lao động vì lý do tài chính. Thay vì đó, Asmana chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt (special pass) cho người lao động.
"Malaysia đang triển khai nghiêm chương trình hợp pháp hóa, ân xá cho lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Malaysia, trong khi đó Asmana lại có những rắc rối về giấy phép cho lao động nước ngoài nên nhà thầu chính của Asmana là công ty Faber đã chấm dứt hợp đồng sử dụng lao động dịch vụ tại các bệnh viện với Asmana để chuyển qua một công ty thầu phụ khác", ông Hải cho hay.
Cũng theo vị Phó cục trưởng, trước khi vụ việc xảy ra, công việc của 69 lao động rất ổn định với thu nhập cao, 1.200-1.500 ringgit mỗi tháng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2, lao động không có việc, Asmana tạm thanh toán tiền lương cơ bản (khoảng 500 ringgit, tương đương 3,4 triệu đồng).
"Điều kiện ăn ở của các lao động này vẫn được đảm bảo tốt, không bị đối xử tệ", ông Hải khẳng định.
Ngày 27/2, Ban Quản lý lao động Việt Nam đã trực tiếp làm việc với Asmana và công ty này cam kết sẽ đưa người lao động đi làm trở lại và tiếp tục hoàn tất các thủ tục để gia hạn visa năm thứ hai, đồng thời sẽ làm thủ tục hồi hương cho người lao động có nguyện vọng về nước. Những lao động có nguyện vọng tiếp tục ở lại sẽ được bố trí nơi làm việc mới và Asmana cam kết sẽ vẫn trả lương cơ bản cũng như cung cấp các điều kiện về ký túc xá, nơi ở cho người lao động trong thời gian chờ đợi giải quyết vụ việc.
"Trong tổng số 69 lao động, 26 người có nguyện vọng được sớm về nước. Số còn lại mong muốn tiếp tục ở lại và đã được công ty NS Medic nhận vào làm dịch vụ dọn dẹp tại các bệnh viện", ông Hải nói.
42 phụ nữ Việt Nam sống chen chúc trong ngôi nhà có 4 phòng ngủ tại thành phố George Town, bang Penang, Malaysia. Ảnh: The Star. |
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Hà - Hà Tĩnh Lưu Quang Bình cho biết, 42 lao động đã sang Malaysia được 18 tháng. Thời gian đầu, chủ lao động trả lương cao, điều kiện làm việc tốt nhưng thời gian gần đây có hiện tượng nợ lương, giảm lương của người lao động. Hiện, người lao động vẫn chưa nhận được lương làm thêm của tháng 2 và lương của tháng 3.
"Ban đầu, chủ sử dụng chỉ cấp giấy phép lao động trong một năm. Hết thời hạn trên, công ty chỉ gia hạn theo từng tháng nên lao động người Việt hết sức lo lắng. Công ty đã 6 lần cử đoàn công tác sang Malaysia phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan chức năng sở tại cũng như chủ lao động để tìm hướng giải quyết", ông Bình cho hay.
Theo ông Tổng giám đốc, 2 phương án được đưa ra là sẽ tìm chủ lao động khác và tiếp tục xin giấy phép lao động cho những người có nhu cầu tiếp tục làm việc. Hướng thứ hai là sẽ cho những người muốn về nước được trở về. Hiện có 3 công ty ở Malaysia đồng ý tiếp nhận những lao động này và hơn 20 người muốn mua vé máy bay trở về nước. Trong quá trình chờ đợi, Công ty Việt Hà đã cung cấp gạo, lương thực thực phẩm cho những lao động này.
"Khi họ đang chờ đợi để làm các thủ tục cần thiết thì những lao động này bị kiểm tra hành chính và tạm giữ. Đây là sự cố đáng tiếc, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi", ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, công ty này đang phối hợp với các cơ quan sở tại để ưu tiên tìm việc làm mới cho những người muốn ở lại và hối thúc chủ sử dụng lao động mua vé máy bay cho những người muốn trở về nước.
"Nếu chủ sử dụng lao động chưa chịu mua vé, công ty sẽ bỏ tiền ra để mua vé cho các lao động muốn về nước. Tuần này hoặc tuần sau, những người có nhu cầu về nước sẽ được đáp ứng", ông Bình khẳng định.
Việt Hà là công ty chuyên về xuất khẩu lao động, có trụ sở ở Hà Tĩnh. Theo ông Bình, đây là công ty cung ứng lao động cho thị trường Malaysia lớn nhất nhì Việt Nam.
Trước đó, theo tờ The Star của Malaysia, nhà chức trách bang Penang vừa giải cứu cho 42 công nhân nữ người Việt Nam trong độ tuổi từ 30 tới 50 hết hạn thị thực đang sống trong ngôi nhà có 4 phòng ngủ tại thành phố George Town, thủ phủ bang Penang. Cơ quan xuất nhập cảnh của bang Penang có thể sẽ đưa nhóm phụ nữ tới một trung tâm bảo vệ phụ nữ ở thủ đô Kuala Lumpur.
Nguyễn Hưng – Nguyên Khoa