THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 March 2012

Ai đã xóa sổ rừng phòng hộ Ea Súp Thượng?

(Petrotimes) - Với chức năng phòng hộ cho hồ Ea Súp Thượng – công trình thủy lợi lớn thứ 2 Tây Nguyên – đáng lẽ rừng phòng hộ hồ Ea Súp Thượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, với những gì phóng viên Petrotimes chứng kiến, khu rừng phòng phòng hộ quan trọng này dường như vô chủ và sắp bị xóa sổ.
Công khai phá rừng
Hồ thủy lợi Ea Súp Thượng rộng hơn 1.400 ha, dung tích gần 150 triệu m3, cung cấp nước tưới cho hơn 10.000 ha cây trồng và cấp nước sinh hoạt cho hơn 20.000 hộ dân sống trên địa bàn huyện Ea Súp. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ 2 Tây Nguyên (sau hồ thủy lợi Auyn Hạ – Gia Lai). Hồ được phòng hộ bởi diện tích rừng đầu nguồn hơn 3.000 ha. Khoảng dăm năm về trước rừng phòng hộ đầu nguồn Ea Súp Thượng được ví như một “thiên đường thiên nhiên” của vùng lòng chảo Ea Súp. Nhưng hiện nay khu rừng này đã bị phá tan nát, sắp bị xóa sổ.
Rừng phòng hộ Ea Súp bị tàn phá rũ rượi, chỉ còn loe hoe cây rừng nhỏ dại, khô khốc
Từ thị trấn Súp, rẽ phải khoảng 7km là đến khu vực rừng phòng hộ của hồ thủy lợi Ea Súp Thượng. Trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn của khu rừng. Những cây rừng có đường kính từ 30cm trở lên đã bị lâm tặc “tận thu” gần hết. Tận dụng thời gian mùa khô, người dân ào ào kéo vào rừng, vừa tranh thủ khai thác gỗ, vừa đốn cây phát rẫy. Ngay sát đường nhựa chạy vòng quanh hồ Ea Súp Thượng những diện tích rừng tương đối bằng phẳng, ít đá, đã bị đốn hết cây, đốt dở bốc khói mù mịt.
Trải rộng tầm mắt toàn trên diện tích được đánh dấu là rừng phòng hộ trên bản đồ, hầu như chỉ thấy một màu đen nham nhở của tro tàn. Anh bạn đi cùng chua chát: “Người ta hay nói phá rừng theo kiểu da báo, còn ở đây họ phá theo kiểu da trâu. Rừng bị phá, rồi đốt sạch đen như da trâu”. Đang ngẩn ngơ trước cảnh hoang tàn, chúng tôi phải dạt ra để tránh mấy chiếc xe cày chở đầy nhóc gỗ chạy phăm phăm ra khỏi rừng, rồi nghênh ngang chạy trên còn đường trải nhựa láng o mà không gặp bất kỳ một sự cản trở nào từ cơ quan chức năng.
Lưa thưa, trơ trọi vài cây rừng còn sót lại
Những người dân sinh sống quanh khu vực hồ Ea Súp Thượng cho phóng viên Petrotimes biết: gỗ, củi khai thác trái phép từ vùng rừng phòng hộ Ea Súp Thượng được lâm tặc công khai vận chuyển ra khỏi rừng mà hầu như không gặp sự cản trở, ngăn chặn từ phía cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn huyện Ea Súp đang hiển diện hơn 100 cơ sở chế biến, sản xuất đồ gỗ. Hầu hết nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến lâm sản này là gỗ rừng tự nhiên.
Chủ rừng thờ ơ, dân đua nhau phá
Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư Mlan (Cty Cư Mlan) – đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Ea Súp Thượng – mở đầu cuộc tiếp xúc với chúng tôi bằng cái khoát tay và giọng ngao ngán: “Chúng tôi bất lực, không bảo vệ nổi rừng nữa”. Cũng theo ông Thu, Cty Cư M’lan được giao quản lý, bảo vệ gần 14.000 ha rừng, trong đó có 3.146 ha rừng phòng hộ Ea Súp Thượng. Toàn công ty chỉ có 30 người, trong đó 23 người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Hiện trên lâm phần của công ty quản lý còn tồn tại hơn 400 hộ dân di cư ngoài kế hoạch phân bố khắp cả 18 tiểu khu chuyên phá rừng lấy gỗ, làm rẫy.
“Chúng tôi là chủ rừng, nhưng quyền hạn không có. Đầu năm 2012 đến nay đã phát hiện hàng trăm vụ phá rừng, nhưng chỉ bắt quả tang được vài vụ. Phát hiện người dân phá rừng làm rẫy thì cũng chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động, bắt quả tang được lâm tặc thì chỉ biết giao cho kiểm lâm xử lý. Họ xử lý như thế nào chúng tôi cũng không rõ. Thậm chí phát hiện phá rừng, nhưng lâm tặc đông, lại hung hăng thì chỉ biết làm ngơ mà thôi”, ông Thu cho biết.
Dấu hiệu của ngày xóa sổ rừng phòng hộ Ea Súp Thượng
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thu, từ năm 2010 đến nay do không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên công ty gần như không có nguồn thu. Để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên, công ty đã phải mượn sổ đỏ nhà đất của nhiều cán bộ cầm cố ngân hàng. Hiện công ty còn nợ hơn 1 tỉ đồng tiền thuế, 600 triệu đồng tiền lương và 75 triệu đồng bảo hiểm xã hội.
Lán trại mọc trái phép trong rừng phòng hộ
Năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho Công ty Vinamit thuê gần 1.000 ha rừng thuộc các tiểu khu 249 và 295 trong khu vực rừng phòng hộ hồ Ea Súp Thượng để doanh nghiệp này thực hiện trồng mít nguyên liệu. Tuy nhiên cho đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”. Doanh nghiệp này không triển khai dự án cũng như thực hiện các phương án bảo vệ rừng. Vì vậy, rừng ở đây sau khi bị lâm tặc “tận thu” gỗ thì người dân ùn ùn kéo vào phá rừng, chia khoảnh. Đến nay, trong số gần 1.000 ha rừng được giao cho Vinamit thì đã có hơn 700 ha rừng bị phá trắng. Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định tạm đình chỉ dự án để làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
Nhà dựng trái phép trong rừng phòng hộ Ea Súp
Trao đổi với phóng viên Petrotimes, ông Lê Văn Trọng – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp khẳng định: Việc để mất rừng là do việc thực hiện quản lý, bảo vệ của Công ty Cư Mlan và các đơn vị chủ rừng khác quá yếu kém. Gần như chủ rừng không tổ chức lực lượng để triển khai quản lý, bảo vệ. Ngay tại những khu vực, địa bàn trọng điểm cũng không đặt trạm bảo vệ và bố trí lực lượng giữ rừng. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện tổ chức lực lượng thống kê diện tích rừng bị phá, kiến nghị quy trách nhiệm, xử lý các chủ rừng để mất rừng và xử lý những đối tượng phá rừng.
Ông Nguyễn Đình Toản (bên phải), Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, trao đổi với phóng viên
Còn theo ông Nguyễn Đình Toản – Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: hiện tình trạng phá rừng ở huyện Ea Súp đang diễn ra rất trầm trọng. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị phá để có phương án xử lý, chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời khẩn trương thành lập khu dân cư để di dời dân sống trong rừng về. Tuy nhiên, trong khi huyện đang lập dự án thì người dân vẫn tiếp tục phá. Đối với diện tích rừng phòng hộ Ea Súp Thượng bị phá thì xin chu trương cho trồng lại rừng bằng cách chủ rừng liên kết với những người đã lỡ phá rừng. Mới đây, tỉnh Đắk Lắk cũng đã cho phép Cty Cư Mlan lập dự án trồng lại 250 ha rừng phòng hộ bị phá. Tuy nhiên trồng lại rừng rất khó khăn, bởi phải sử dụng các loại cây rừng bản địa dài ngày như dầu, sao… chứ không phải là trồng rừng sản xuất nên các hộ đã “lỡ” phá rừng không mặn mà hợp tác.
Lâm sản khai thác trái phép bị thu giữ tại Hạt kiểm lâm Ea Súp
Trong lúc cơ quan chức năng đang loay hoay đo, đếm diện tích rừng bị phá và tìm phương án bảo vệ, những khoảng cuối cùng của rừng phòng hộ hồ thủy lợi Ea Súp Thượng tiếp tục bị phá nốt.
Hoàng Vy