THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 January 2012

Nỗi khổ mua sắm ngày Tết

Quỹ thời gian eo hẹp nhưng phải chuẩn bị đủ thứ cho Tết khiến bà nội trợ "chạy sô" vã mồ hôi. Xếp hàng, chờ đợi hàng giờ đồng hồ, thậm chí chen lấn mới giành được loại tươi ngon là nỗi khổ của người cầm tiền mua sắm Tết. 
Chi tiền triệu, săn quả Phật thủ rừng cúng Tết 
Nỗi khổ 'chạy' Tết

Làm việc đến hết ngày 27 Tết mới được nghỉ, chị Quyên, quận Phú Nhuận, tranh thủ đi siêu thị vào buổi tối. Bà nội trợ này cho biết: "Đến được siêu thị thì mệt lả người, chọn xong quà lại vướng cảnh xếp hàng chờ tính tiền làm tôi căng thẳng vô cùng. Đã thế mọi người lại tranh nhau được tính tiền trước khiến không khí thêm nặng nề".

Chị Quyên kể lại, các két tính tiền siêu thị hoạt động hết công suất, khách đứng chờ xếp thành hàng dài, âm thanh rẹt rẹt của máy in hóa đơn không dứt. Một vị khách đột ngột chen ngang ở phía trên giành tính tiền trước với lý do đã xếp hàng từ rất sớm, chỉ vào trong lấy thêm đồ nên mới ra sau. Tuy nhiên, một số người trong đám đông nhao nhao phản đối, tiếng cãi nhau không ngớt. "Tôi đau đầu kinh khủng khi phải chứng kiến cảnh này, chỉ mong nhanh chóng được thoát ra. Đã sớm biết mua sắm Tết rất vất vả nhưng không có cách nào tránh được", chị chia sẻ.

Một số siêu thị tăng thời gian hoạt động, thậm chí mở cửa suốt đêm để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm. Ảnh minh họa: Hà Mai

Khệ nệ 2 túi hàng mua từ siêu thị, bà Thanh ở quận 10 than, vào được bãi giữ xe mất hơn 15 phút, tới quầy giữ đồ không cách nào len lên trên để gửi túi xách, lại phải xếp hàng chờ đợi. Bên trong siêu thị, gian hàng nào cũng chật kín. Người, xe đẩy thường xuyên va phải nhau. Lối đi giữa các gian hàng vốn đã hẹp, những ngày này càng bị ách tắc hơn khi lưu lượng người mua sắm quá đông. Khu vực thử đồ xếp cả hàng dài nên nhiều người cứ ước chừng rồi chọn chứ không vào phòng thử như ngày thường. Tới lúc thanh toán, hàng chục quầy tính tiền cũng không thể giải tỏa nhanh dòng người xếp hàng chờ đợi. Kết quả, chỉ mới mua những hàng hóa cơ bản nhất để đón Tết như: bánh mứt, thực phẩm chế biến... mà bà Thanh đã mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

Nếu vào siêu thị ngán nhất cảnh xếp hàng tính tiền thì đi chợ Tết cũng không hề nhẹ nhàng.

"Sáng 28 Tết, chợ đông nghịt người, chỗ nào cũng đông đúc, thậm chí phải chen lấn nhau mới mua được hàng", chị Hằng, quận 10, than thở. Những người bán quen cũng không niềm nở, hỏi han tận tình như bình thường và không có chuyện mặc cả trong những ngày này. Chị kể, ngày thường, không cần nói họ cũng bỏ vào một ít hành, rau thơm, quả ớt nhưng hôm nay xin thêm, họ kể lể nào là giá cả đắt đỏ, không cho được. Đi cả 3 người, mỗi người phụ trách mua vài thứ nhưng phải mất tới 4 tiếng đồng hồ, gia đình chị mới thoát khỏi dòng người mua sắm dày đặc ở chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10.

Ngoài ra, do chợ đông nên xe không thể vào bên trong như thường lệ. Nhiều điểm giữ xe tự phát mọc lên, hét 5.000-7.000 đồng một chiếc trong khi ngày thường có 3.000 đồng kèm theo lời giải thích "Tết mà".

Không chỉ siêu thị, dòng người mua sắm đổ về các chợ khiến việc sắm sửa ngày Tết không hề nhẹ nhàng. Ảnh: B.H.

Chị Thơm, ngụ quận Bình Thạnh, đi chợ Bà Chiểu sáng 28 Tết cho hay: "Chợ đông gấp nhiều lần ngày thường, di chuyển từ sạp này qua sạp kia rất khó khăn vì phải chen chúc khiến tôi hoa cả mắt. Chỉ mua trái cây, hoa, rau tươi, giò lụa, trứng thế mà mất cả buổi sáng trong khi ngày thường chỉ cần 15-20 phút là xong".

Nhà ở gần chợ Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, đồng thời cũng là tiểu thương trong chợ này, chị Nguyễn Thy Ngàn chia sẻ, đi chợ Tết từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp rất khổ sở vì phải chen lấn, giành nhau chọn hàng ngon. Đây là những thời khắc mua sắm cuối cùng của năm, ai cũng đổ xô tranh thủ mua hàng để chuẩn bị mâm cao cỗ đầy cúng ông bà. Bởi lẽ, đến trưa 30 Tết (năm nay là 29 Tết) chợ đóng cửa để vệ sinh, kết thúc một năm hoạt động. Sau thời điểm này chợ sẽ vắng lặng nghỉ Tết, không còn nhiều hàng hóa để chọn nữa.

Chị Ngàn phân tích, ngày thường nhà giàu có tiền thường đi chợ vào sáng sớm để mua đồ tươi ngon. Nhà nghèo hầu bao hạn hẹp lại ghé chợ xế trưa và chiều muộn vì lúc đó hàng hóa không còn loại nhất, chỉ còn lại hàng thứ phẩm, giá cả cũng mềm hơn. Tuy nhiên tâm lý mua sắm Tết của bất cứ bà nội trợ nào cũng giống nhau là tranh thủ đi sớm để chọn được hàng tốt. Bà đi chợ ông lại tháp tùng, xếp thành hàng dài dẫn đến việc chợ bị quá tải, không có lối đi, không đủ chỗ gửi xe, dễ bị kẻ gian móc túi, mất cắp.

Vị tiểu thương này kể, có một khách hàng đi chợ không gửi được xe gắn máy vì bãi xe quá tải, cứ dựng một bên chọn hàng. Đến khi mua xong, ngoảnh lại thì xe không cánh mà bay. "Đi chợ Tết mất nhiều thời gian, công sức đã đành nếu không cẩn thận có khi còn mất cả tài sản vì lúc này chợ quá đông, có nhiều kẻ gian trà trộn lợi dụng khách hàng sơ hở là lấy cắp", chị Ngàn khuyến cáo.

"Vã mồ hôi mới mua được mấy bó hoa chưng Tết", chị Nhung, quận 5 chia sẻ. E ngại chợ hoa Hồ Thị Kỷ sẽ đông đúc sáng 28 Tết, nên tối 27 âm lịch chị tranh thủ chọn trước. Tuy nhiên, gần 22h, khu vực trước chợ hoa kẹt cứng, xe máy nhích từng chút một và không còn chỗ trống nào trên lề đường để đậu xe. Bên trong, người người chen nhau lựa hoa. Nhân viên bán hàng chỉ kịp nói giá, gói hàng và tính tiền cho khách, chứ không có thời gian để giải thích thêm bất kỳ thắc mắc nào. "Đông quá, tôi cũng chẳng muốn nán để lấy mấy đồng lẻ thối lại, miễn sao chọn được những bông hoa đẹp, rạng rỡ, hợp ý mình nhất để lấy lộc đầu năm", chị nói.

Hà Thanh - Bạch Hường