THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 October 2011

Nhiều hồ nước ở Bình Định có nguy cơ bị vỡ

SGTT.VN - Hàng triệu mét khối nước chứa trong những hồ đã rệu rã, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. Đó là thực trạng nguy hiểm hiện nay tại hàng chục hồ chứa nước ở Bình Định.

Tỉnh Bình Định hiện có 382 công trình thuỷ lợi, trong đó có 159 hồ chứa nước với tổng dung tích gần 600 triệu m3 nước, là một trong những tỉnh có số hồ chứa nước nhiều nhất miền Trung. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra mới nhất của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho thấy: tỉnh hiện có 30 hồ chứa nước không bảo đảm an toàn, trong đó có 20 hồ bị hư hỏng nặng, có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn.


Hồ chứa nước Núi Một đã xuống cấp trầm trọng cần sửa chữa nhưng thiếu kinh phí.
Thấp thỏm lo vỡ hồ
Ông Nguyễn Hữu Vui, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định cho biết: “Phần lớn các hồ bị hư hỏng ở Bình Định có thời gian xây dựng đã hơn 40 năm, bị tác động bởi thiên tai, bão lũ, nên đã xuống cấp trầm trọng”. Trong đó, hàng chục hồ chứa tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Phước… đang trong tình trạng báo động. Tại các hồ này, hầu hết cống lấy nước, đập đất mái hạ lưu bị xói lở nghiêm trọng, có nguy cơ vỡ hồ. Qua kiểm tra mới đây, đã phát hiện hệ thống đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước của nhiều hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng; có nhiều mái đập thiết kế 4m, nhưng nay chỉ còn 1m; phần lớn các hồ chứa bị xuống cấp, qua thời gian sử dụng đã bị nứt, bong mạch hồ; các khớp nối của nhiều hồ chứa đang ngày càng bị rò rỉ, khiến các cống, đập không bảo đảm an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, giám đốc công ty TNHH khai thác công trình thuỷ lợi Bình Định, hồ Núi Một và hồ Hội Sơn đang có nguy cơ bị mất an toàn. Ở hồ Núi Một có nhiều cống, đập bị rò nước, nhiều đoạn bêtông bị xâm hại, sẽ có nguy cơ vỡ đập. Tại huyện Phù Mỹ, với 45 hồ có tổng dung tích trên 40 triệu m3 nước, phần lớn được xây dựng từ năm 1975 – 1985, hiện nay đã rệu rã; trong đó có tám hồ chứa nước đã xuống cấp nghiêm trọng. “Nhiều công trình trước đây chỉ thiết kế tần suất lũ khá thấp, trong khi lượng mưa, mực nước về hồ, tần suất lũ ngày càng cao. Ngoài ra, khẩu độ thoát lũ của nhiều con đập tại các hồ trên, trước đây thiết kế rất hẹp, nên nguy cơ mất an toàn rất lớn”, ông Phú nói. Khảo sát mới đây cho thấy: đập Lão Tâm (huyện Phù Cát) xây dựng từ năm 1961 hiện đã bị xói sâu, có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào; đập Tháp Mão (huyện An Nhơn) xây dựng từ năm 1963, giờ đang bị rò rỉ nước nhiều nơi.

Tại cuộc họp triển khai phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn do UBND tỉnh Bình Định tổ chức mới đây, một cán bộ sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định nói: “Sự xuống cấp, hư hỏng của hàng chục hồ chứa nước đang uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn gia đình người dân, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời”.

Khắc phục kiểu chắp vá
Theo ông Vui, mặc dù mỗi năm tỉnh Bình Định đầu tư hàng chục tỉ đồng tu sửa, gia cố các công trình thuỷ lợi lớn, đồng thời chính quyền các huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều hồ, song do có quá nhiều hồ chứa nước bị xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên tỉnh chỉ ưu tiên vốn để tu sửa các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng trước, sau đó sẽ tu sửa các hồ còn lại trong các năm tiếp theo. Do đó, thời gian qua, việc sửa chữa các hồ chứa nước ở Bình Định chủ yếu theo phương thức chắp vá, tạm thời đối phó với mùa mưa lũ hàng năm. Theo UBND huyện Phù Mỹ, địa phương này có quá nhiều hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng nặng, nên để sửa chữa, nâng cấp cùng lúc sẽ không có kinh phí. Do đó, với nguồn kinh phí hạn hẹp, chính quyền huyện này chủ yếu ưu tiên cho các hồ trọng điểm trên địa bàn.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa tỉnh này vào dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam; đồng thời cho chủ trương để tỉnh lập dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo các hồ chứa nước bị hư hỏng nặng với tổng kinh phí dự kiến 270 tỉ đồng từ nguồn vốn vay. Trong khi chờ đợi các dự án trên, hàng vạn gia đình người dân ở Bình Định vẫn phải sống trong thấp thỏm lo sợ mỗi khi mưa lũ đổ về.

Thủy lợi hay thủy hại? Không khó để có câu trả lời, nhưng lại trớt quớt không ăn nhập gì tới vấn đề đặt ra: Có làm mới có ăn!