Bài viết này độc chiêu, vạch trần tội ác của một số quan chức cao cấp của Nhà cầm quyền cộng sản đã đánh sập công ty Đông Nam Associate. Tuy không nói tên tuổi của ra một nhân vật cầm quyền nào, nhưng người ta biết ngay, đây là một việc chiếm đoạt tài sản và địa bàn hoạt động về máy điện thoại di động, và máy vi tính. Hai loại hàng hóa này đã và đang mang hàng lợi nhuận bạc tỉ bạc cho thị trường của cả nước. Đây là một vụ ăn cướp trắng trợn bằng những "luật đóng thuế di động", y trang như những "bản cấm di động" mà bọn công an đã dí vào mặt của LS Lê Quốc Quân và BS Phạm Hồng Sơn, rồi bắt 2 người về trụ sở công an trong ngày xử án 4/4/2004 của TS Cù Huy Hà Vũ.
Những tên cầm quyền phá hoại đất nước này có lẽ là một trong những con sâu mà Trương Tấn Sang đã nói đến trong những ngày vừa qua. "Giờ không chỉ 1 con sâu, nó đã là một bày sâu", đang đục khoét tài sản của Vinashin, của công ty tài chánh ALC2 thuộc hệ thống ngân hàng Agribank, công ty điện lực VNE, Công ty xuất nhập cảng xăng dầu PetrotImex...hàng tỉ bạc USD mà chẳng thấy một con sâu cao cấp nào chịu trách nhiệm.
Vỗ béo làm thịt
Ngày 2/1/2003, ngày làm việc đầu tiên trong năm, công an đã ập vào trụ sở của Ðông Nam Associates (ÐNA) để tịch thu hàng ngàn máy điện thoại di động (đtdđ) và câu lưu giám đốc công ty Nguyễn Gia Thiều, một việt kiều Pháp. Rả rích trong hơn một tháng ÐNA bị báo chí quy vào tội trốn thuế. Nhưng đằng sau lưng, vụ này không đơn giản như vậy.
Vài nét về ÐNA
Qua những thông tin trên báo đài - mà các chi tiết đều không thống nhất - thì người ta được biết đại khái rằng ÐNA do một việt kiều Pháp tên Nguyễn Trọng Thăng thành lập vào năm 1991 tại Hồng Kông. Ông Thăng sinh năm 1955, vượt biên sang Pháp trước khi sang Hồng Kông làm việc. Năm 93 ông Thăng về Việt Nam và mở Công Ty trách nhiệm hữu hạn Trọng Thăng kinh doanh máy vi tính, năm 95 là năm khởi đầu bước thăng hoa với sự ra đời của công ty ÐNA kinh doanh điện thoại di động song song với các sinh hoạt khác như các khóa tin học ngắn hạn. Cùng với sự bùng nổ của điện thoại di động, năm 96 ÐNA khai trương một cơ sở tầm vóc nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) và lấy được sự tín nhiệm của các thương hiệu danh tiếng như Motorola, Ericsson, Panasonic. Sau này ÐNA còn chiếm lĩnh được độc quyền phân phối Nokia và Samsung, hai thương hiệu chiếm lĩnh đa số tại Việt Nam . Mặt khác công ty còn kinh doanh các hiệu đồng hồ danh tiếng Thụy Sĩ như Swatch, Tissot, Certinat... kinh doanh các mỹ phẩm đắt tiền như Nina Ricci, Longchamp, Cartier, Yves-Saint Laurent, Mont Blanc... cũng như có cả một hệ thống bán, bảo hành máy vi tính và các dịch vụ tin học cao cấp. Hiện nay ÐNA cũng mở nhiều chi nhánh tại Hà Nội và nghe nói có cả ở Nam Vang.
Trong suốt 7 năm hoạt động, nhiều lần ông Thăng được báo chí đề cập như là một thành công vượt bực. Năm 1997, trên Thời Báo Kinh Tế, ông đã chia sẻ quan niệm và kinh nghiệm làm ăn của mình trong mục đích kêu gọi kiều bào về làm ăn, đầu tư. Ngoài ra ông Thăng còn tham gia vào các công tác xã hội, giáo dục như các buổi nói chuyện về quản lý xí nghiệp với các sinh viên, thương gia trẻ, cũng như vận động toàn thể nhân viên tham gia hiến máu nhân đạo.
Ngày 2/1/03, công an ập vào trụ sở chính trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, niêm phong và tịch thu hàng chục ngàn máy đtdđ, công an còn mang đi các sổ sách kế toán và các máy tính về Phòng chuyên án tin học để khai thác, tạm giam ông Nguyễn Gia Thiều, giám đốc ÐNA. Ông Thiều là em ruột ông Thăng, đã nhiều năm làm việc trong ngành tin học tại Pháp. Ngày 6/1, tòa án khởi tố ông Thiều, riêng ông Thăng và vợ chỉ bị thẩm vấn nhưng được cho về.
Liên tục trong một tháng kể từ ngày 2/1/03, các hoạt động bị kết án là phi pháp lần lượt được báo chí rầm rộ đưa tin. Nói đúng ra, tất cả có thể chỉ quy vào tội trốn thuế.
Vào bước đầu tiên, các máy điện thoại di động được nhập vào Việt Nam qua đường hàng không nhưng tại hải quan ÐNA đều khai dưới giá mua. Mức thuế ở VN là 15% cộng thêm 10% giá trị gia tăng (VTA). Giá một đtdđ giao động khoảng 300-700 USD. Bao nhiêu máy đã được nhập theo đường này còn phải chờ thanh lý, nhưng đây không phải là con số nhỏ. Một hình thức nhập lậu khác còn quá cảnh Kampuchia và theo ngả đường bộ tuồn vào Việt Nam .
Bước trốn thuế thứ hai, các máy này được phân phối qua các đại lý và với tư cách là nhà phân phối độc nhất, ÐNA đã áp lực các đại lý khai man các hóa đơn chỉ bằng 20% giá trị thực được bán ra. Song song, ÐNA còn kinh doanh các mặt hàng "không rõ xuất xứ", "hàng trôi nổi", nhưng vẫn được dán tem bảo hành như hàng mới.
Con số thiệt hại cho nhà nước thì chưa thẩm định được, có báo chí nói rằng chỉ từ đầu năm 2000 đến cuối 2002, ÐNA đã nhập khoảng 170.000 đtdđ, doanh thu của các loại đồng hồ là 50 tỉ đồng. Có báo hôm trước cho rằng số tiền thất thoát khoảng 10 tỉ, hai hôm sau lại nâng lên 150 tỉ. Nói tóm lại, cho đến ngày hôm nay (trung tuần tháng 2/03), chưa ai biết đích xác các chi tiết của chuyện này.
Sự thật ở đâu?
Tuy nhiên, phản ứng của người dân có chiều khác với một vụ án đang gây xôn xao dư luận là vụ Năm Cam. Vì cho dù gì đi nữa, ÐNA chỉ trốn thuế chứ không có một hành vi bảo kê, đánh bài, cho vay nặng lãi và giết người như Năm Cam, và nếu chỉ trốn thuế thì không có gì đáng phải ầm ĩ vì đây không phải là chuyện mới lạ gì và ngay trong lúc này cũng đang có khoảng chục vụ thụt két, thất thoát tài sản... có tầm vóc như ÐNA. Những chuyện "khác thường" trong vụ ÐNA hầu như chưa được mang ra ánh sáng và không biết bao giờ mới được mang ra:
ÐNA bị tố cáo là khai man các tờ khai hải quan để hạ thấp giá mua các đtdđ. Tuy nhiên, theo Quyết định QÐ-177 do Tổng cục Hải Quan ban hành ngày 14/3/01 quy định các mẫu hàng chịu thuế thì chỉ có 9 loại máy bị đánh trên giá mua còn các "chủng loại khác" thì được "áp giá", nghĩa là được khai 80 USD/máy thay vì giá mua có thể lên đến 600USD/máy. Theo báo Công An TPHCM thì đây quả là một quy định "cực kỳ hớ hênh". Chưa hết, đến ngày 9/12/02, Bộ Tài Chánh ra quyết định số 149 (có hiệu lực ngày 1/1/03) về việc áp dụng thuế đối với đtdđ còn thông thoáng hơn nữa: chỉ có 7 loại máy được quy định giá cụ thể nhưng cũng rất bất hợp lý, còn các loại khác thì được áp giá 70 USD/máy. Thế thì khi nhập các "chủng loại khác", rõ ràng là ÐNA đâu có vi phạm luật khi khai thấp giá !
Tờ báo trên còn "bật mí" rằng "công an còn thu được nhiều tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh giá tính thuế nhập khẩu từ 15 xuống 10% của một cơ quan thẩm quyền dưới dạng bản thảo. Qua đó cho thấy con bạch tuộc Ðông Nam đã len lỏi vào tận cơ quan công quyền của nhà nước". Vậy thì cái tội của ÐNA đâu phải trốn thuế, mà là "hủ hóa cơ quan công quyền", và nếu muốn truy tố ÐNA thì trước tiên phải truy tố các quan chức có liên quan thì mới thực sự công minh và mới diệt tận gốc như nhà nước vẫn ra rả trên báo, đài.
Chưa hết, giả sử ÐNA trốn thuế làm thiệt hại 700 tỉ (tương đương với 48 triệu USD) là con số cao nhất mà một vài tờ báo phỏng đoán, so sánh với vụ Epco-Minh Phụng cũng chưa tới 1/10, trong khi ngày hôm nay đang có trên dưới 10 vụ tham nhũng đang chờ xử với tổng số thiệt hại xấp xỉ 100 triệu USD, trong khi mỗi năm thâm thủng trong xây dựng lên đến 50.000 tỉ (3,5 tỉ USD),... thì thiệt hại do ÐNA cũng không đáng là bao. Mặt khác thiệt hại do ÐNA gây ra lại khác các vụ nêu trên, vì thất thu thuế là món tiền không vào ngân quỹ được, khác với các vụ tham nhũng, hối lộ là bòn rút tiền từ trong quỹ ra, cái mất này xem ra trầm trọng hơn của ÐNA.
Vậy thì tại sao nhà nước lại làm rùm beng như thế?
Cái khác trước tiên nó hao hao giống lý luận trên đây: Số tiền mất cho hối lộ, tham nhũng là số tiền mất luôn, khó có thể thu hồi được. Thủ phạm hoặc đã cao bay xa chạy hoặc vào khám và không lấy gì bù đắp được. Nhưng ở ÐNA thì khác, thị trường đtdđ vẫn còn đó, và ngày càng có chiều hướng phát triển. Hiện nay có gần 1 triệu máy trên thị trường, trung bình 300-600 USD/máy với bao dịch vụ "ăn theo". Chiếm lĩnh cho dù chỉ một nửa thị trường thì cũng còn được một gia tài kếch xù. Và muốn được như thế, phải "bứng" ÐNA bằng mọi giá, và bước đầu tiên là chụp lên đầu họ những tội danh không đúng và biến những "cánh tay nối dài", những "đóng góp xây dựng đất nước" ngày nào thành những kẻ tội đồ đáng phỉ nhổ. Ông Thăng đã cẩn thận khi tích cực tham gia vào các công tác từ thiện như hiến máu, tổ chức các giải thể thao gây quỹ, và chắc chắn không quên biếu xén các lãnh đạo thành phố các món quà đắt tiền, nhưng "cái bánh" của ông đang ăn nó lớn quá, nó át cả cái tâm, cái nhân mà ông vun bồi từ gần chục năm nay.
Một lý do khác: ÐNA được hưởng quy chế nhà phân phối độc quyền của Nokia và Samsung vì - theo một nhân viên cao cấp của Nokia - ÐNA là một công ty chuyên nghiệp trong ngành cung cấp đtdđ, có hệ thống đại lý rộng khắp và chế độ bảo hành, hậu mãi tốt. Nhưng làm thế nào có thể kết luận như thế khi ÐNA mới có mặt trên thị trường được 3, 4 năm. Theo nhiều "tin hành lang" thì bà Bùi Thiên Kim, vợ ông Thăng vốn là con gái của một quan chức, và vị này đã giúp cho con rể mình chiếm lĩnh được một hợp đồng độc quyền cho mạng Mobilphone, và đây mới là "bàn đạp" đưa ÐNA lên đài vinh quang những năm qua... và cũng là động lực đưa họ xuống hố ngày hôm nay. Ðiều này có nghĩa là người bảo lãnh cho ông Thăng đã bị thất thế trong những tranh giành quyền lực và quyền lợi trong nội bộ đảng. Ðã gọi là nội bộ thì không thể công bố hoặc kỷ luật, cách hay nhất là giành lại cái món bở kia bằng cách loại ÐNA ra khỏi vòng chiến, loại ÐNA ra ngoài vòng pháp luật. Lúc ấy các ông Thăng, Thiều sẽ bị trục xuất sau khi đóng một số tiền (không nhỏ) và cái tài sản khổng lồ từ hiện kim đến hiện vật kia sẽ được chia chác như họ đã quen làm từ lâu.
Vỗ béo để làm thịt. Nói chung quy, đây chỉ là một vụ ăn cướp trắng trợn.
***
Người Việt Nam , đặc biệt là người miền Nam đã quá quen với lối cướp ngày như vậy nên hầu như không ai ngạc nhiên trước vụ này. Rất nhiều thương gia ăn nên làm ra, có đủ điều kiện khuếch trương thương vụ của mình đều cam phận co rút, giới hạn công việc cũng chỉ vì nỗi lo tai họa ập xuống bất cứ lúc nào. Ðiều này chắc chắn là một cản trở lớn cho việc phát triển kinh tế.
Trở lại chuyện ÐNA, đây có lẽ là một bài học đáng nhớ cho các đồng bào Việt kiều đang nuôi mộng làm ăn ở quê hương. Ðã có những người thành công, điều này chúng ta không phủ nhận, nhưng sự thành công này rất giới hạn về số lượng lẫn tầm vóc. Cái mà nhà nước quan tâm không phải chất xám, lại càng không phải tấm lòng của những người con xa Tổ quốc, mà là 2,5 tỉ đô Việt kiều gởi về hàng năm và những món tiền "bồi dưỡng" khác cho cán bộ lớn bé và sau cùng là tài sản mà việt kiều cố công gầy dựng. Trước ÐNA đã có vụ Ðặng Vũ Chính ở Bỉ, vụ Nguyễn Hùng Trương (nhà sách Khai Trí) và rất nhiều người khác cũng trở về trắng tay cộng thêm nỗi đau tinh thần tột cùng.
Ngày xưa, sống và đóng góp cho xã hội vừa là quyền lợi vừa là bổn phận. Ngày nay, đó là một ân huệ. Mà đã là một ân huệ, kẻ ban bố có thể tước đoạt bất cứ lúc nào.
Sài Gòn, 7/2/2003
Phan Kiến Quốc