Thứ ba, 17/5/2011, 16:18 GMT+7 Ngay cả khi các biện pháp kiềm chế và ổn định vĩ mô được thực hiện quyết liệt trong 7 tháng còn lại, lạm phát cả năm nay vấn có thể lên đến 15,5%, theo dự báo của các tác giả báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011. |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Nhật Minh |
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài như vậy, bản thân kinh tế Việt Nam cũng tồn tại rất nhiều bất ổn mang tính hệ thống như tình trạng lạm phát gia tăng, kéo theo lãi suất cao, gây bất lợi cho tăng trương kinh tế cũng như mức độ ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng, các thị trường tài sản.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc lạm dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát giá và các yếu tố khác trong thời kỳ kinh tế suy thoái và khó khăn sẽ để lại hậu quả lâu dài trong những năm tới. Biểu hiện dễ thấy nhất là sự điều hành giật cục giá những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống xã hội cũng như kỳ vọng về tương lai kinh tế.
Theo báo cáo của VEPR, thâm hụt ngân sách của Việt Nam hiện còn lớn, chi thường xuyên tăng và đang ở mức cao. Trong khi đó, đầu tư phát triển lại có xu hướng giảm sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Rủi ro ngân sách cũng là một vấn đề lớn khi hàng loạt tập đoàn kinh tế (bao gồm cả EVN, Petrolimex, PetroVietnam…) đang bộc lộ không ít khó khăn về tài chính.
Những khúc mắc nói trên gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát - ổn định vĩ mô được Chính phủ đặt ra cho 2011. So sánh với một giai đoạn khó khăn khác là năm 2008, các nhà nghiên cứu cho rằng kinh tế Việt Nam hiện ở trong tình thế bất lợi hơn nhiều.
Nguyên nhân là do tại thời điểm 2008, ngân sách của Việt Nam chưa bị thâm hụt quá sâu, do đó chính sách tài khóa còn có khả năng linh hoạt trong việc thay đổi mức thu chi. Mặt khác, lãi suất tại thời điểm này vẫn chưa cao, dư địa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vẫn còn. Đồng thời, dự trữ ngoại hối khi đó đang ở đỉnh điểm nên khả năng can thiệp thị trường là khả thi. Tâm lý doanh nghiệp và người dân khi đó vẫn còn tương đối lạc quan.
Những điều kiện này, theo VEPR, gần như không còn trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, báo cáo cho rằng mức độ thành công của các chính sách kiềm chế lạm phát sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt trong thực thi các biện pháp đã được đề ra, đặc biệt là các công cụ được đề cập tại Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Lạm phát cao sẽ đánh mạnh vào đời sống của tầng lớp lao động nghèo. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành và các cộng sự đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trong năm nay. Ở kịch bản "tích cực", các biện pháp thắt chặt tổng cầu được duy trì đến hết năm, lạm phát sẽ ở mức 15,5% trong khi tốc độ tăng GDP là 6,18%. Trong khi đó, nếu sớm nới lỏng tiền tệ vào khoảng quý III, tăng trưởng có thể nhích lên một chút, khoảng 6,55%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI khi đó sẽ ở mức 18,2%, tức là gấp rưỡi năm 2010.
Như vậy, trong cả 2 kịch bản, lạm phát năm 2011 đều được dự kiến ở mức cao hơn 2 lần so với mục tiêu được Quốc hội phê duyệt cuối năm ngoái. Các con số này cũng cao hơn nhiều so với mức "phấn đấu" được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc thông báo tại Hội nghị thường niên ADB đầu tháng 5 vừa qua.
Theo VEPR, công chúng thường có khuynh hướng lưu giữ ấn tượng về lạm phát trong quá khứ, đồng thời có kỳ vọng nhạy cảm về lạm phát trong tương lai. Do đó, để chống lạm phát hiệu quả, các nhà nghiên cứu đề xuất Chính phủ cần tăng uy tín trong việc cam kết chống lạm phát, mà trước hết phải giữ được mức trượt giá thấp trong vòng ít nhất là 6 tháng nhằm lấy lại niềm tin của thị trường.
Ngoài ra, Báo cáo cũng đề xuất cơ quan quản lý cần xây dựng các giải pháp bình ổn vĩ mô với mục tiêu lạm phát rõ ràng để tăng hiệu quả cho các chính sách kèm theo. Về dài hạn, cần khuyến khích tăng trưởng kinh tế thông qua gia tăng năng suất lao động và tăng sản lượng. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng, vốn là một bài toán lớn và không dễ giải của kinh tế Việt Nam.
Nhật Minh