THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 January 2011

Sẽ công khai tài sản một số chức danh chủ chốt?


14/01/2011 17:29:29

"Nghiên cứu quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập." Đề xuất của ông Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng, ông Vũ Tiến Chiến đã phát biểu tham luận "Một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng". Bee.net.vn xin trích giới thiệu bài tham luận này:

Trong nhiệm kỳ tới cần thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Mỗi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương tới cơ sở và từng đảng viên phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng và bổ sung, hoàn thiện các quy định về phòng chống tham nhũng; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật phòng chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; đẩy mạnh toàn diện công tác phòng chống tham nhũng.

Kiên quyết phấn đấu đạt mục tiêu: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng


Các cấp ủy đảng và người đứng đầu phải thực sự coi công tác phòng chống tham nhũng là một trọng tâm công tác lớn của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo; lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác phòng chống tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đưa công tác phòng chống tham nhũng vào chương trình công tác tháng, quý, năm; đưa kết quả công tác phòng chống tham nhũng trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiến hành tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) ngay từ đầu nhiệm kỳ để kịp thời điều chỉnh các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng và tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác phòng chống tham nhũng.

Nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng cho cán bộ, công chức và người dân. Triển khai có hiệu quả Đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng với việc thực hiện "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng kịp thời những tấm gương liêm chính, dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng.

3. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội


Đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...; xây dựng chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp; hoàn thiện pháp luật về thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn lực công, bảo đảm công khai, minh bạch; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản.

Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức; thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu, quy định việc cán bộ, công chức cơ bản thanh toán tiền qua tài khoản thay thế hình thức thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay. Nghiên cứu, phân định rõ các hình thức dịch vụ công, dịch vụ tư trong các dịch vụ y tế, giáo dục và một số loại dịch vụ khác nhằm ngăn ngừa tham nhũng trong các dịch vụ này.

 

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham  nhũng tham luận tại đại hội. (Ảnh: TTXVN)
Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phát biểu tham luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN


4. Hoàn thiện cơ chế, giải pháp phòng chống tham nhũng

Sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa tham nhũng để khắc phục tính hình thức, kém hiệu quả của một số biện pháp phòng ngừa. Nghiên cứu để có quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh hoặc giấu tên về tham nhũng; việc công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Nghiên cứu, sửa đổi pháp luật theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự, hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.

Có chính sách khoan hồng mạnh mẽ hơn nữa đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo trước khi bị phát hiện. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có.

5. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, kể cả quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định và văn bản hành chính của cơ quan nhà nước các cấp. Sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, đề ra các quy định nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.

Nghiên cứu quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Sớm xây dựng, ban hành Luật về quyền được thông tin của người dân.

6. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và phát huy vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng

Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát hoạt động phòng chống tham nhũng, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng. Cần nghiên cứu để có chế tài bảo đảm cho việc giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp có hiệu lực trên thực tế. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cần chú ý giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cán bộ, đảng viên, công chức để phát hiện, đấu tranh kịp thời với những hành vi tham nhũng.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các tổ chức quần chúng và của toàn dân; nâng cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo trong phòng chống tham nhũng. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ.

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng.

Sớm thực hiện đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để phục vụ công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Khẩn trương nghiên cứu việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để phát hiện hành vi tham nhũng. Có hướng dẫn cụ thể để xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kiểm tra chặt chẽ việc cho bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo và việc đặc xá cho phạm nhân phạm tội tham nhũng. Tham nhũng là tội phạm nguy hiểm, hình phạt phải đủ sức răn đe để đẩy lùi tham nhũng.

8. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng và các cơ quan có thẩm quyền trong phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).

Cùng với việc tiếp tục thực hiện quy định Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh là Chủ tịch ủy ban nhân dân, cần thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh là Bí thư cấp ủy hoặc là Chủ tịch hội đồng nhân dân; từ đó rút kinh nghiệm để lựa chọn mô hình phù hợp. Nghiên cứu bổ sung một số chức danh tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương để đảm bảo sự chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực.

Sớm tổ chức đánh giá hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng nhiệm kỳ vừa qua, kết hợp với nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để tiếp tục có sự điều chỉnh về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng chống tham nhũng.

9. Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng


Tổ chức nghiên cứu, học tập, trao đổi để tiếp thu kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế trong phòng chống tham nhũng; hợp tác chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài; tăng cường đối thoại để bạn bè quốc tế thấy rõ kết quả và quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Quyết tâm chống tham nhũng là hành động nhất quán của hầu hết các quốc gia, tùy theo đặc thù của mỗi nước mà có các giải pháp phù hợp. Có nước coi trọng việc xử lý hành vi tham nhũng để tạo sự răn đe cho rằng, chống tham nhũng phải dùng bàn tay "sắt", nhưng muốn "sắt" thì phải "sạch", có "sạch" mới "sắt" được; có nước nhấn mạnh về giải pháp kỹ thuật cho rằng, chống tham nhũng không thể chỉ trông chờ vào tính tự giác của con người; có nước đề cao giải pháp giáo dục về phẩm chất đạo đức, tạo dư luận xã hội vinh danh những tấm giương liêm chính, xỉ nhục hành vi tham nhũng, coi con người là yếu tố quyết định.

Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước, Đảng và Nhà nước ta xác định trong phòng chống tham nhũng phòng ngừa là chính, chống là quan trọng; phải kiên trì, kiên quyết, thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của các cấp ủy đảng. Đây là những chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng đúng đắn đang từng bước phát huy hiệu quả thiết thực...

(Theo TTXVN)