( DT ) Thứ Hai, 07/10/2013 -- Những “bánh vẽ” mà một số doanh nghiệp đầu tư bất động sản đưa ra đã khiến hàng nghìn khách hàng khốn đốn. Mặc dù lãnh đạo các doanh nghiệp này đã phải trả giá cho hành vi của mình, nhưng khách hàng cũng đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng vì đã trót “giao trứng cho ác”.
“Mờ mắt vì tham”
Thời điểm năm 2009 - 2010, thị trường bất động sản lên cơn “sốt nóng”. Khi đó, chủ đầu tư chỉ cần tìm mọi cách để “chạy” được một dự án bất động sản là ngay lập tức kiếm lời tiền tỷ mà chẳng cần đến quá nhiều vốn, hay năng lực. Nhà đầu cơ thì “đi cửa sau” để có được suất mua “giá gốc” từ chủ đầu tư, bởi chỉ cần có “suất” bán lại có thể kiếm tiền trăm triệu.
Giá bất động sản vì thế tăng lên từng ngày, từng giờ, các nhà đầu cơ đua nhau đẩy giá lên cao ngất ngưởng khiến những người có nhu cầu ở thực, nhưng túi tiền eo hẹp chỉ biết đứng nhìn.
Thiếu niềm tin vào chủ đầu tư, khách hàng Dự án Usilk City tự tổ chức quản lý tài chính
Để hạn chế những tiêu cực từ thị trường, cuối năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó quy định, dự án đất nền phải hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật; dự án chung cư phải xong móng thì mới được ký hợp đồng mua bán. Cấm huy động vốn dưới mọi hình thức khi dự án chưa được triển khai (còn trên giấy).
Ngay lập tức, các chủ đầu tư đã tìm mọi cách để lách luật, huy động vốn từ khách hàng như hợp đồng đặt cọc giữ chỗ; hợp đồng vay vốn có trả lãi suất và quyền mua căn hộ; hợp đồng vay vốn đầu tư căn hộ…
Mặc dù các loại hợp đồng kể trên được xây dựng với nhiều điều khoản có lợi cho chủ đầu tư và thiệt hại luôn thuộc về người mua, nhưng do người mua chủ yếu là nhà đầu cơ, lướt sóng, nên họ không quan tâm nhiều, mà chỉ nhanh chóng ký để có suất bán lại.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như nhiều chuyên gia khác đã từng lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ “vỡ trận” của thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, những lời cảnh báo đó đã không được ghi nhận, bởi như ông Võ nói: “Nhiều người đang mờ mắt vì tham”.
Cái giá phải trả
Lời cảnh báo của ông Võ và các chuyên gia khác đã thành hiện thực. Quả bóng bất động sản bị vỡ và thị trường rơi vào giấc ngủ đông dài khi tín dụng cho thị trường này bị siết lại. Thiếu vốn, nhà đầu cơ rút lui, nhiều chủ đầu tư bị mắc cạn với các dự án bất động sản, tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư cũng ngày càng tăng lên. Nhiều vụ tranh chấp căng thẳng kéo dài và phải lôi nhau ra tòa, thậm chí có chủ đầu tư vướng vào vòng lao lý.
Phân tích thực trạng này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở nước ta có 2 dạng chủ đầu tư khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng hỗn độn. Một dạng là các công ty lừa đảo, không có vốn, chỉ có ít tiền bôi trơn rồi tự vẽ dự án, gom tiền của thiên hạ rồi ôm tiền trốn. Thứ hai là những doanh nghiệp không có ý định lừa đảo, nhưng kinh doanh yếu kém, thất bại không có khả năng thực hiện dự án và cũng không có tiền trả lại người dân.
Về phía người dân, do lòng tham và sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang”. Người nào dùng tiền tiết kiệm của gia định tham gia đầu cơ thì chỉ có nguy cơ mất tiền của mình, nhưng với những người đi vay ngân hàng hoặc huy động vốn của nhiều người để đầu cơ thì gánh nặng nợ nần là rất nặng nề. Người mua có thể khởi kiện nếu doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm dụng vốn, lừa đảo khách hàng.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Luật sư Trương Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội) cho rằng, việc doanh nghiệp cố tình “vẽ” ra hồ sơ dự án bất động sản không có thật để lừa đảo người mua nhà, gây thiệt hại lớn là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Còn với dự án huy động vốn trái luật, thì khách hàng phải yêu cầu phía chủ đầu tư, những người nhận tiền trực tiếp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình. Nếu không được, họ có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án.
Giải pháp căn cơ về lâu dài, cả ông Liêm, ông Võ và Luật sư Tuấn đều cho rằng, khách hàng cần tỉnh táo xem xét mọi khía cạnh pháp lý trước khi tham gia vào dự án và mọi giao dịch nên thông qua một bên thứ 3 là ngân hàng để giám sát tiến độ dự án.
“Khách hàng nộp tiền vào ngân hàng và giám sát tiến độ để giải ngân như cách làm tại Dự án Usilk City là 1 ví dụ tốt”, luật sư Tuấn nói.
Theo Minh Nhật
Đầu tư Chứng khoán