THỦ ÐỨC (NV) Friday, October 11, 2013- Khó tưởng tượng được, chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, một thùng nước pha hóa chất có thể biến những rau, quả, củ bị bầm giập, héo úa thành tươi mới, căng mọng...
Từ nhiều năm nay, sát bên chợ nông sản Thủ Ðức mọc lên một khu “sơ chế,” hoạt động náo nhiệt từ 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng. Tất cả các loại rau, củ, quả... được đưa về từ biên giới phía Bắc vừa tuôn xuống vựa thì lập tức được tống vào khu “sơ chế,” bỏ vào các thùng nước ngâm thuốc tẩy.
Các loại “thuốc thần kỳ” dùng để tẩy trắng và làm tươi các loại rau củ. (Hình: báo Tiền Phong) |
Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, đó là loại “công nghệ hồi sinh thần kỳ” được các tiểu thương, chủ vựa ở chợ nông sản Thủ Ðức áp dụng mỗi ngày. Hai loại hàng hóa bắt buộc phải đưa vào “vòng công nghệ hồi sinh” này là củ cải trắng và cà rốt.
Hai loại củ này vừa được tuôn xuống từ xe hàng, còn bám đầy bùn đất, héo dập... lập tức được ném vào thùng nước chứa hóa chất màu trắng; kể cả củ bán chậm, còn tồn đọng từ trước ở chợ. Ngay sau đó, củ cải trắng thì trở thành căng mọng, trắng nuốt; còn cà rốt thì tươi màu, đẹp như mới vừa hái trong vườn ra.
Báo Sài Gòn Tiếp Thị dẫn lời một chủ sạp chợ tiết lộ, chất bột màu trắng được dùng trong “công nghệ hồi sinh thần kỳ” các loại rau củ được gọi là “chất tẩy đường.” Ông này nói rằng, “chất tẩy đường” này bán đầy chợ Kim Biên, quận 5.
Cũng theo ông, rau củ cũng nhờ ngâm “chất tẩy đường” mà để lâu không bị hư, úng. Thời gian ngâm thuốc, ông cho biết, ít nhất là nửa tiếng đồng hồ.
Những điều diễn ra vào những “đêm chờ sáng” hiển hiện như ban ngày, nhưng không phải ai cũng biết. Một đại diện ban quản lý chợ nông sản Thủ Ðức cho biết, đã có lệnh cấm tiểu thương dùng hóa chất tẩy trắng nông sản bán ở chợ. Tuy nhiên, ông này lại thú nhận rằng “họ làm lén thì không sao kiểm soát được.”
Tiến Sĩ Trần Bích Lam, giảng viên công nghệ thực phẩm thuộc trường Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn nói rằng, việc dùng hóa chất công nghiệp tẩy rửa rau, củ gây hại nặng nề cho sức khỏe của người tiêu thụ.
Theo Tiến Sĩ Lam, dùng bất cứ loại hóa chất nào cũng đều độc, chỉ khác là độc tính cao hay thấp, hoặc phản ứng ngay hay tác hại dần dần. (PL)