Thứ Sáu, 04/10/2013 22:21
Cơn bão số 10 vừa qua đã quật ngã hàng chục trụ ăng-ten ở miền Trung, làm 2 người chết và khiến người dân luôn trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm
Bà Trần Thị Mai, buôn bán tại bến xe khách tỉnh Quảng Bình, vẫn chưa hết hoàn hồn khi nhớ lại việc trụ tháp ăng-ten cao 142 m của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) bị bão số 10 quật ngã trong chiều 30-9.
Thoát chết trong gang tấc
“Khi mọi người đang núp bão thì nghe một tiếng động lớn, sau đó toàn bộ trụ ăng-ten đổ sập xuống đè đứt ngang đầu 2 xe khách đậu trong bến xe, khiến mọi người khiếp sợ. May mà lúc đó trong 2 xe khách không có người” - bà Mai kể. Tuy nhiên, vụ ngã ăng-ten trên đã khiến 2 nhân viên của trạm phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tử vong và 1 nhân viên bị thương nặng.
Trụ ăng-ten của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Quảng Bình đổ sập trong cơn bão số 10
Cùng thời điểm trên, một trụ ăng-ten cao 62 m của Vietnammobile xây dựng tại thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng ngã làm sập một góc nhà của gia đình ông Phan Văn Tân. Ông Tân cho biết khi bão đến, gia đình ông gồm 4 người đang ngồi trên giường. Đến khoảng 16 giờ 45 phút, mọi người nghe một tiếng động lớn, sau đó toàn bộ góc nhà được xây dựng bằng gạch bị nát như tương. “Rất may, trụ ăng-ten không ngã vào nơi chúng tôi đang ngồi nên mới thoát chết trong gang tấc” - ông Tân nói.
Nguy cơ gây tai họa rất lớn
Ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, cho biết cơn bão số 10 đã làm đổ gần 50 trụ ăng-ten ở địa phương này, hầu hết nằm gần nhà dân.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhiều trụ ăng-ten ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình còn lại qua cơn bão cũng đã bị hư hỏng nặng. Các trụ ăng-ten cao trên 60 m đều nằm trong khu dân cư đông đúc nên có nguy cơ gây tai họa rất lớn. Bà P.T.Ph cho biết những ngày qua, khi hay tin trụ ăng-ten của Đài Tiếng nói Việt Nam bị sập, gia đình bà và những hộ dân sống xung quanh trụ ăng-ten của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Bình luôn nơm nớp lo sợ, ngủ không an giấc. “Nhìn nó giống như quả bom treo lơ lửng trên đầu, khiếp quá!” - bà Ph. nói.
Ông Lê Khánh Hòa, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Bình, cho biết trụ ăng-ten cao 110 m trong khuôn viên đài là của Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng để phát sóng. Bão số 10 đã làm phần trên từ 80 m trở lên bị nghiên 10 độ nhưng phần trụ tháp từ 80 m trở xuống thì không hề gì. Trụ ăng-ten này được xây dựng từ năm 1998, theo thiết kế của Liên Xô. Đặc biệt, kết cấu ống thép rất to, vững chắc và độ gia cố phần móng chắc chắn nên bảo đảm an toàn.
Trong khi đó, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cũng tồn tại 2 trụ ăng-ten cao ngất ngưỡng, nằm trong khu dân cư đông đúc, gồm: trụ ăng-ten của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Trị và trụ ăng-ten của VNPT nên khiến người dân vô cùng lo sợ. “Trụ ăng-ten quá cao, lại gần khu dân cư nên người dân lo lắng là điều dễ hiểu” - bà D.T.N (ngụ TP Đông Hà) nói. Tại TP Huế (Thừa Thiên-Huế) cũng tồn tại 3 trụ ăng-ten cao trên 100 m, nằm sát khu vực nhà dân, gồm: trụ ăng-ten của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế, trụ ăng-ten của Trung tâm Truyền hình Việt Nam và trụ ăng-ten của VNPT.
Ông Dương Tiến Anh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trụ ăng-ten của cơ quan này có từ năm 1998, cao 130 m, do một đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng. “Nó đã chịu đựng được những cơn bão lớn nên rất bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để trụ không bị sự cố khi bão đến thì phải thường xuyên bão dưỡng” - ông Anh nhận định.
Cần lắp trụ ăng-ten thân thiện môi trường
Ông Lê Huy Lộc, chuyên gia về kết cấu công trình dây tải điện, cho rằng sau vụ đổ trụ ăng-ten ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định vào tháng 10-2012, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng phải yêu cầu rà soát lại toàn bộ các cột thu phát sóng ở những địa phương khác để có biện pháp chấn chỉnh, sửa chữa kịp thời. Theo ông Lộc, các cột thu phát sóng truyền hình, phát thanh phải tuân thủ quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995 về tải trọng và tác động dùng để thiết kế các kết cấu xây dựng, nền móng và công trình. “Tuy nhiên, trụ ăng-ten ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Đồng Hới không được thiết kế, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quy định của nhà nước” - ông Lộc nhận định.
TS Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TTTT TP Đà Nẵng, người có trên 30 kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng trụ ăng-ten, cho rằng để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần qui định doanh nghiệp phải lắp đặt các trụ ăng-ten dạng thân thiện môi trường với độ cao không quá 6 m. T.Kha-H.Dũng
|
Bài và ảnh: Hoàng Dũng