THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 September 2013

Lợi ích nhóm phù phép rừng giàu thành rừng nghèo để phá

"Ở đây có chuyện phục vụ lợi ích nhóm, còn người nghèo, người phụ thuộc vào rừng thì bị ảnh hưởng trực tiếp mà không ai để ý".
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt xung quanh câu chuyện phù phép rừng giàu thành rừng nghèo đế lấy gỗ.
Dứt khoát phải có người cho mới dám làm
PV:Mấy ngày gần đây, báo chí liên tục phơi bày sự thật về việc lợi dụng danh nghĩa trồng rừng hoặc chuyển đổi rừng nghèo để khai thác gỗ. Các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn ha rừng để trồng cao su theo chủ trương này. Giáo sư có bất ngờ với thông tin này không và vì sao?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: - Câu chuyện này không có gì là mới hay bất ngờ với tôi cả. Lâu nay người ta cứ lấy lý do là rừng nghèo rồi xâm lấn dần.
GS Đặng Huy Huỳnh: Dứt khoát phải có người cho thì họ mới dám phá rừng
GS Đặng Huy Huỳnh: Dứt khoát phải có người cho thì họ mới dám phá rừng
Trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chí cứ dưới 100m3/ha gỗ được cho là rừng nghèo, thành thử các công ty, doanh nghiệp cứ thế xin phá để trồng cây công nghiệp, cao su, tiêu, điều…
Bản thân tôi và nhiều nhà khoa học đã nhiều lần nêu và không tán thành việc này. Dù biết rằng quan điểm phát triển kinh tế là quan trọng nhưng phải cân nhắc và kiểm soát kỹ chứ không phải cứ nói nghèo là phá, thậm chí phá cả cái không nghèo.
Hiện nay diện tích rừng của chúng ta còn hơn 10 triệu ha, chủ yếu là rừng nghèo, thứ sinh. Còn rừng giàu thì chỉ khoảng 0,7-0,8% chứ không nhiều. Nhưng không vì vậy mà có thể phá hết bởi cũng những cánh rừng này giữ lại khoảng 10 – 15 năm nữa lại trở thành rừng giàu.
Thế nhưng về quan điểm phát triển kinh tế tôi thấy rằng rất nhạy cảm, khó nói. Đáng lẽ những người lãnh đạo phải có quan điểm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Nhưng rồi không biết vì lý do gì mà rừng vẫn bị phá. Dứt khoát phải có người cho thì họ mới dám làm.
Hơn 10 năm nay nhà nước giao đất giao rừng cho các địa phương tự quản lý, như vậy đồng nghĩa với việc phải bảo vệ. Chứ không nên vì cái này, cái kia, bùi tai thì cứ thế cho làm.
Có lợi ích nhóm
PV: - Dường như đã có sự "phù phép" từ rừng giàu thành rừng nghèo trước mắt người dân, đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội, các vị lãnh đạo tỉnh... Ông có thể lý giải nguyên do từ đâu có sự phù phép kỳ lạ này? Liệu có lợi ích nhóm ở đây không khi thực tế biết rõ phá rừng là lũ lụt, hạn hán tàn phá mà các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều năm nay. Ông có biết rừng ở khu vực nào bị tàn phá nhiều nhất, thưa ông?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: - Về điều này chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với nhà nước, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường thế nhưng hình như những cảnh báo không đến được tai các vị lãnh đạo.
Đôi khi cảnh báo của các nhà khoa học không có giá trị. Giống như hiện tượng nóng lên, biến đổi khí hậu được cảnh báo từ 20 năm trước bây giờ đã trở thành hiện thực. Lũ lụt, thiên tai khắc nghiệt, bất thường thì đã thấy rõ. Thế nhưng hình như với các vị thì điều này vẫn xa vời.
Việc khai thác rừng quá mức đã chứng minh sự khủng hoảng năng lượng, khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học quá rõ ràng.
Dù rằng quốc tế, trong nước đã đầu tư rất nhiều tiền mà đây chính là tiền của dân bỏ ra để đầu tư khắc phục nhưng hiệu quả không cao.
Chỉ có một số nơi rất ít bảo vệ được như Đồng Tháp với Vườn quốc gia Tràm Chim ngày càng thu hút được nhiều sếu đầu đỏ trở về.
Những tỉnh phá rừng nhiều là Tây Nguyên, đây là điểm nóng về phá rừng. Trong khi môi trường rừng, hệ sinh thái ở Tây Nguyên cực kỳ quan trọng đối với con người Việt Nam nói chung, đồng bào Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… bởi vì đây là vùng hạ lưu sông Mê Kông nên rất quan trọng.
Tây Nguyên được xem là điểm nóng phá rừng
Tây Nguyên được xem là điểm nóng phá rừng
Thế nhưng cứ dựa vào mục đích chuyển đổi, địa phương cho phép các doanh nghiệp phá rừng. Chuyện lợi ích nhóm nếu thẳng thắn cũng có thể chỉ ra được nhưng trên thực tế mới chỉ nói mà chưa làm được.
Ở đây có chuyện phục vụ lợi ích nhóm, còn người nghèo, người phụ thuộc vào rừng thì bị ảnh hưởng trực tiếp mà không ai để ý.
PV: - Như vậy là mọi việc đã quá rõ nhưng theo giáo sư vì sao lại có chuyện bất chấp cảnh báo hậu quả, người ta vẫn phá rừng. Báo chí đã chỉ rõ những địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng, theo ông, bước tiếp theo, các cơ quan chức năng nên làm gì?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: - Đó là do khâu kiểm tra, kiểm soát không chặt và vì lợi ích của một nhóm người nên bất chấp để làm.
Còn các nhà khoa học vì cái tâm, vì môi trường thì đôi khi tiếng nói cũng chỉ có giới hạn nhất định. Chủ trương của nhà nước thì đúng nhưng ở đây có chuyện lợi dụng chính sách để làm bậy.
Ở đây cần quy rõ trách nhiệm cho người phê duyệt dự án và làm cương quyết thì sẽ không ai dám cố tình. Thêm nữa, các nhà lãnh đạo các cấp phải cân nhắc lợi hại để hạn chế việc phá rừng.
Phải quy hoạch theo bản đồ. Với những khu vực thấy rằng cần chuyển đổi rừng trồng cây công nghiệp thì phải đưa ra hội thảo bàn để cho cả nhà khoa học, dân thấy rõ được khu vực đó cần phá, chuyển đổi, rồi mới làm nhưng thực ra chưa bao giờ làm như vậy.
PV: - Câu hỏi cuối, ông có lo lắng tới một ngày nào đó không xa (10 hay 20 năm nữa), Việt Nam sẽ không còn những cánh rừng nguyên sinh, rừng giàu...? Tổ chức Global Witness đã nói rõ chiêu bài của các doanh nghiệp phá rừng nhân danh phát triển, liệu Việt Nam có học được gì để tránh được tương lai không còn rừng ấy không, thưa ông?
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: - Nếu phá như thế này thì vài chục năm nữa rừng rất nguy hiểm. Khi đó sẽ là thảm họa quốc gia chứ không của riêng ai. Người hứng chịu nhiều nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em.
Các nước bị thảm họa môi trường đã chứng minh rõ rồi. Vì vậy bài học lớn là không thể tùy tiện phá rừng chúng ta cần học hỏi.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Tiêu chí xác định rừng giàu, nghèo:

Đối với rừng gỗ
a) Rừng rất giàu: trữ lượng cây đứng trên 300 m3/ha;
b) Rừng giàu: trữ lượng cây đứng từ 201- 300 m3/ha;
c) Rừng trung bình: trữ lượng cây đứng từ 101 - 200 m3/ha;
d) Rừng nghèo: trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha;
đ) Rừng chưa có trữ lượng: rừng gỗ đường kính bình quân < 8cm, trữ lượng cây đứng dưới 10 m3/ha.
Thông tư số: 34/2009/TT-BNNPTNT Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng
Bích Ngọc (Thực hiện)