Theo công bố chiều nay của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) bị hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm dài hạn và ngắn hạn của hai ngân hàng ở BB- và B. Tuy nhiên, trong tiêu chí nhà phát hành dài hạn khu vực ASEAN, cả hai lại bị đánh tụt từ axBB+ xuống axBB.
Nhận xét về Sacombank, chuyên gia phân tích Amit Pandey của S&P cho biết: "Chúng tôi điều chỉnh triển vọng của Sacombank xuống tiêu cực trên quan điểm chiến lược tăng trưởng mạnh hiện tại sẽ khiến họ khó quản lý rủi ro. Việc này có thể làm giảm chất lượng tài sản và giá trị vốn hóa". Tỷ lệ lợi nhuận thấp và dự định tăng cổ tức lên 9% - 10% của Sacombank là một trong những nguyên nhân S&P cho rằng sẽ ảnh hưởng đến vốn hóa.
Standard & Poor's cho rằng chất lượng tín dụng của các ngân hàng như Sacombank hay Techcombank đang bị đe dọa bởi tình hình kinh tế khó khăn tại Việt Nam. Ảnh: AFP |
Techcombank cũng nhận được bình luận tương tự về khả năng khó duy trì chất lượng tài sản. S&P cho biết khả năng sinh lời và vốn hóa của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi điều kiện kinh doanh tại Việt Nam còn khó khăn. "Chất lượng tài sản của Techcombank đang yếu đi khi Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại", Amit Pandey cho biết. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện cao nhất so với các ngân hàng khác trong nước.
S&P cảnh báo có thể hạ xếp hạng của Sacombank và Techcombank nếu tỷ lệ vốn trên tài sản điều chỉnh theo rủi ro (risk-adjusted capital ratio) rơi xuống dưới 3%, do cho vay ồ ạt hoặc chất lượng tài sản giảm sút. Tuy nhiên, triển vọng của hai nhà băng cũng có thể được nâng trở lại nếu cải thiện được chất lượng tài sản và giá trị vốn hóa.
Trao đổi với VnExpress ngay sau khi S&P công bố thông tin nói trên, đại diện Techcombank cho rằng đơn vị này cũng như nhiều ngân hàng khác chịu tác động bởi khó khăn chung của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam năm 2013. Bản thân Techcombank đang triệt để thực hiện mô hình quản trị rủi ro, đảm bảo tính minh bạch rõ ràng cũng như tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, trích lập dự phòng thận trọng nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.
"Techcombank đã và đang tiến hành những biện pháp cần thiết để củng cố danh mục tài sản cũng như quản lý nợ xấu, theo đúng định hướng của Chính phủ. Chúng tôi tin rằng khi những hoạt động này phát huy tác dụng, thì đánh giá của S&P về chỉ số tín nhiệm của Techcombank sẽ được cải thiện trong kỳ đánh giá tới", đại diện ngân hàng nói.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng được công bố giữa tháng 8, Techcombank ghi nhận lợi nhuận thuần gần 1.323 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nợ xấu tăng hơn 2 lần so với cuối quý I (lên gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 5% dư nợ) nên nhà băng này phải dành 670 tỷ để trích lập dự phòng rủi ro. Lãi trước thuế do đó chỉ còn lại 653 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải với về việc nợ xấu tăng mạnh trong những tháng qua, lãnh đạo Techcombank cho rằng phần lớn nguyên nhân đến từ việc suy thoái kinh tế khiến các khách hàng của họ gặp khó khăn trong việc trả nợ. "Cũng như hầu hết doanh nghiệp khác, khách hàng của Techcombank cũng chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế với nhưng khó khăn như tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, cầu tiêu dùng yếu", đại diện nhà băng lý giải.
Thời gian gần đây, Techcombank cũng được dư luận chú ý bởi quyết định từ nhiệm của CEO ngoại Simon Morris sau 2 năm tại nhiệm. Thay thế ông Morris năm giữ vị trí Quyền tổng giám đốc là ông Đỗ Tuấn Anh, thành viên Hội đồng quản trị.
Trong khi đó, với Sacomabank, mức lãi ghi nhận sau 6 tháng đầu năm đạt gần 1.450 tỷ đồng. Nợ xấu chiếm khoảng 2,46% dư nợ. Trước khi được S&P công bố xếp hạng lần này, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng được Fitch Ratings giữ nguyên mức định hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDRs) ở mức B, với triển vọng ổn định.
Cùng với Sacombank và Techcombank, S&P hiện cũng đưa ra xếp hạng tín nhiệm đối với một số nhà băng lớn khác của Việt Nam. Mức đánh giá đối với chỉ tiêu phát hành dài hạn và ngắn hạn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện ở mức B+ và B với triển vọng ổn định. Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng có triển vọng ổn định với xếp hạng lần lượt BB- và B. |
Thùy Linh