Phong bì 2-3 triệu cho kíp đỡ đẻ, sẵn sàng tiền
lẻ để "giúi" cho y tá chăm sóc mẹ và bé..., đó là "công thức" chung mà
các gia đình rỉ tai nhau khi đưa người thân đi sinh tại các bệnh viện
sản lớn.
5 bệnh viện cam kết 'nói không với phong bì'
Văn hóa phong bì bệnh viện: 'Hối lộ thì không, cảm ơn thì nhận'
Cựu bộ trưởng y tế: 'Còn quá tải bệnh viện thì còn phong bì'
Văn hóa phong bì bệnh viện: 'Hối lộ thì không, cảm ơn thì nhận'
Cựu bộ trưởng y tế: 'Còn quá tải bệnh viện thì còn phong bì'
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), khảo sát khoảng 10 người nhà
sản phụ, hầu hết đều cho biết họ có gửi tiền bác sĩ sau khi người thân
sinh xong, và đưa tiền cho nhân viên y tế khi làm vệ sinh cho mẹ hay tắm
bé.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, con dâu sinh sáng
26/7. Khi sản phụ còn đang nằm khâu trong phòng, bà đã được một nhân
viên y tế gọi vào hỏi quê quán, nghề nghiệp rồi nhắc khéo "vào bồi dưỡng
cho bác sĩ vừa đỡ cho con đi".
"Tôi ở quê, làm ruộng nên cũng không biết nhiều, liền rút 200 nghìn
đồng ra gọi là cảm ơn bác sĩ, nhưng chị ấy bảo ít, nên tôi đưa thêm 100
nghìn", bà Tuyết kể.
Khi được hỏi bà có nhìn thấy những khẩu hiệu như Nghiêm cấm nhân viên bệnh viện nhận tiền của bệnh nhân trong viện không, bà Tuyết cho biết "thấy thì có thấy, nhưng ai cũng đưa tiền, mình không đưa không được".
Đi chăm con dâu sinh mổ, bà Hữu (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, sau khi
đón cháu, gia đình bà cũng cảm ơn kíp mổ 2 triệu đồng. "Chúng tôi đã hỏi
han người nằm ở đây rồi, thấy ai cũng đều đưa 2-3 triệu, nên làm theo
thôi", bà nói. Ngoài ra, bà cũng được truyền thêm kinh nghiệm đổi tiền
lẻ 10-20 nghìn để nhét vào túi các cô y tá, mong các cô vệ sinh, thay
băng, tắm bé...nhẹ nhàng, cẩn thận hơn.
Tự nhận mình "phá giá" khi bồi dưỡng kíp mổ đẻ cho vợ tới 4 triệu đồng,
nhét thêm 50.000 đồng mỗi lần vợ hay con được vệ sinh, anh Tùng (Gia
Lâm, Hà Nội) phân bua: "Được mỗi đứa con, tôi cứ phải thoáng tí cho yên
tâm".
Ngồi cạnh đó, bà Định (Pháp Vân, Hà Nội) cho hay, khi đưa con dâu vào
viện, bà đã gọi điện nhờ một bác sĩ quen biết lo hết mọi thủ tục. "Trước
khi mổ thì đưa cho bà ấy 3 triệu, sau khi sinh xong, muốn không bị nằm
ghép thì đưa thêm vài trăm để bà lo cho, ra viện muốn nhanh cũng lại
thêm chút ít nữa", bà Định mách.
Nói về việc nhiều bệnh nhân phản
ánh đưa tiền cho nhân viên y tế khi đi đẻ, tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó
giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, cùng là chiếc phong bì, nhưng cần nhìn nhận nó là hình thức nào: bác sĩ mặc cả để khám, chữa hay bệnh nhân tự nguyện cảm ơn.
"Nếu là hình thức đầu tiên, có bằng chứng rõ ràng, chúng tôi sẽ lập tức
đuổi việc nhân viên ngay. Nhưng thực tế, đa số việc đưa tiền là theo
lời mách bảo nhau của người bệnh, người nọ lan sang người kia và không
có phản ánh chính thức hay bằng chứng gì", ông nói.
Ông cho rằng, dưới góc độ nghề y, mọi hành vi lấy tiền tiền của người
bệnh đều là xấu. Tuy nhiên, khi nhu cầu của con người không được đáp ứng
đầy đủ, sức lao động của họ không được trả tương xứng thì một số tiêu
cực cũng xuất hiện. "Nâng cao thu nhập cho nhân viên là một trong những
cách để hạn chế tiêu cực này, nhưng thực tế không dễ thực hiện khi viện
phí được thu theo khung, bảo hiểm y tế lại chưa được thực hiện toàn
dân...", ông nói.
Theo phó giám đốc Cường, để hạn chế nhân viên y tế nhận tiền của người
bệnh, có nhiều phương án: "Có thể lắp camera theo dõi, nhưng máy quay
không thể chĩa tới mọi ngóc ngách, mà nhỡ họ rủ nhau vào quán cà phê,
hay tới tận nhà nhân viên đưa tiền thì sao? Kỷ luật ngay nhân viên khi
có bằng chứng về việc họ nhận phong bì cũng được, nhưng ai đưa ra bằng
chứng? Cách nghe có vẻ rất lý thuyết nhưng lại hiệu quả nhất là nâng cao
trách nhiệm, lòng tự trọng của người thầy thuốc".
Theo ông, xã hội cũng cần nhìn nhận mọi vấn đề ở hai mặt. "Tại sao
không ai vào viện để hỏi có nhiều ca nặng lắm mà bác sĩ vẫn cứu được
không, có người nào nghèo mà vẫn được bác sĩ tận tình cứu chữa không...
Tất nhiên là có, và có rất nhiều, nhưng người ta lại không để ý đến.
Trong khi chuyện nhận phong bì tồn tại ở tất cả các ngành, nhưng mọi
người lại chỉ xoáy mũi nhọn vào y tế", ông bày tỏ.
Sản phụ sinh ở Bệnh viện E không mất tiền bồi dưỡng bác sĩ như tại các bệnh viện sản lớn tại Hà Nội. Ảnh: Phan Dương. |
Đưa con gái đi đẻ lần 2, bà Thủy (43 tuổi, Nam Định) cho biết: "Lần này chưa biếu nhưng lần trước con cháu tôi cũng đẻ ở đây. Lần đó tôi cũng chuẩn bị 2 phong bì, mỗi phong bì 500.000 đồng gọi là cảm ơn các bác sĩ đã vất vả".
Cũng theo bà, việc đưa tiền cho bác sĩ chỉ là "lễ nghĩa". "Không như các bệnh khác, đi đẻ phải có người nhà chăm sóc. Ở đây, bác sĩ lo hết, mình chẳng phải làm việc gì, mẹ tròn, con vuông. Chuyện cảm ơn cũng là lẽ đương nhiên", bà nói.
Một sản phụ 29 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị mới sinh con trai sáng 22/7. Bác sĩ đỡ đẻ không đề nghị nhưng gia đình chị cũng biếu 2 triệu đồng xem như là "cảm ơn".
Dù thế, bà Thuận - mẹ một sản phụ khác ở Quốc Oai, Hà Nội - cho biết bà vừa bị "mặc cả" tiền biếu. Chứng kiến cảnh bác sĩ vất vả với con mình cả đêm, bà chuẩn bị một phong bì 200 nghìn đồng cảm ơn hai hộ lý. Tuy nhiên, lúc đưa tiền, bà thấy "sốc" bởi "Họ không đề nghị trực tiếp nhưng nói đại ý là ngoài họ còn có người mổ, người tắm rửa, người vào sổ sách. Tôi đành phải đưa lên 500 nghìn đồng. Người nhà quê lấy tiền đâu mà đưa nhiều", bà Thuận nói.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết:
"Bệnh viện có quy định xử phạt nghiêm những cán bộ y tế lấy tiền của
bệnh nhân nếu bị bệnh nhân phản ánh. Chúng tôi cố gắng để lương nhân
viên đủ sống, còn thời gian có thể đi làm thêm ngoài giờ. Gia đình nào
có lòng tốt muốn cảm ơn khi ra viện thì khoa nhận, nhất quyết không để
cá nhân nhận. Đấy là đối với khoa không dịch vụ, với khoa dịch vụ thì
luôn phải từ chối".
Đối với loại tiền "kẹp trong tã trẻ", ông Ánh khẳng định: "Chúng tôi
biết là các gia đình truyền miệng nhau giúi tiền vào trong tã để đưa cho
nhân viên tắm trẻ. Trước đây một số người nhà quan niệm điều dưỡng tắm
cho con tốt thì cho 20.000 - 30.000 đồng, giờ tiền này tôi cũng cấm. Tất cả số tiền đó phải mang trả lại cho gia đình bệnh nhân cho bằng được. Sản phụ nào giúi tiền trong tã thì đầu tiên phê bình sản phụ trước. Làm như thế là làm hư nhân viên", tiến sĩ Ánh nói.
Tại các đơn vị sản khoa nhỏ hơn ở Hà Nội, nơi ít bệnh nhân hơn, tình trạng đưa tiền cho nhân viên y tế "trầm lắng" hẳn.
Tại khoa Sản, Bệnh viện E ngày 23/7, khảo sát 3 phòng bệnh với khoảng 8
sản phụ, họ đều cho biết không đưa tiền cho nhân viên y tế và cũng
không thấy ai "đòi". Sản phụ Hồng Minh (30 tuổi, Mê Linh) cười nói, chị
sinh con trai đã được 5 ngày. Cách đây 6 năm chị cũng đẻ ở bệnh viện
này. "Lần quay lại này, nhân viên toàn người trẻ, nhiệt tình, không có
đòi hỏi tiền nong đâu", chị nói.Chị cũng cho biết ở đây có ít người đến sinh, nên hộ lý vào bế từng cháu đi tắm. Người nhà được đi theo, có thể đứng ngoài hay vào hẳn phòng xem bác sĩ tắm bé.
Sản phụ tên Thắm (26 tuổi), vừa sinh con xong, cho biết lúc chọn bệnh viện này chị không yên tâm lắm về tay nghề, nhưng mấy ngày ở đây chị thấy phòng bệnh sạch sẽ, ít người nên yên tĩnh, nhân viên y tế còn trẻ, nhiệt tình nên rất an lòng. "Đi đẻ ở đây không lo tiền nong gì đâu. Tôi có bảo hiểm nên chắc xuất viện cũng chỉ mất vài trăm. Đang định cảm ơn bác sĩ nhưng không biết làm thế nào", chị nói.
Tương tự, khoa Sản, Viện 198 (Bộ Công an) cũng khá vắng vẻ. Phòng bệnh rộng, ít bệnh nhân. Hầu hết sản phụ đều cho biết ở đây không có chuyện người nhà bệnh nhân đưa tiền cho bác sĩ và cũng không có chuyện bác sĩ đòi hỏi tặng quà. "Hôm trước vợ sinh mổ xong, tôi ngỏ ý cảm ơn bác sĩ nhưng bác sĩ gạt phắt đi. Có lẽ nên mua ít hoa quả biếu thôi", anh Dũng (40 tuổi, Mễ Trì, từ Liêm) cho biết.
Tại TP HCM, hầu hết những người
từng sinh ở hai bệnh viện sản Từ Dũ và Hùng Vương đều cho rằng, gần như
không có chuyện "lót tay" để được chăm sóc tốt hơn.
Có vợ đến sinh lần thứ 2 tại Bệnh viện
Từ Dũ, anh Nguyễn Công Khanh nhà ở quận 3 kể, thấy các cô nữ hộ lý vất
vả tận tâm, khi bà xã xuất viện anh ngỏ ý gửi tiền bồi dưỡng, nhưng các
cô một mực từ chối. Con đầu của anh 2 năm trước cũng ra đời ở đây, và
anh từng cũng bị nhân viên y tế từ chối phong bì. Chị Hoa ở Long An, chị
Hà ở quận 8 và nhiều sản phụ từng nhiều lần sinh tại Bệnh viện Từ Dũ
cũng cho biết rất hiếm khi họ "cảm ơn" thành công.
Tương tự tại Bệnh viện Hùng Vương - nơi
mỗi ngày có hơn 100 trẻ chào đời - các sản phụ cũng công nhận tình
trạng vòi vĩnh là hoàn toàn không có. Chị Tuyết ở Tiền Giang cho biết, thậm chí gửi biếu ít quà quê mà vẫn bị từ chối.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, phó giám
đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, cách đây khoảng 7 năm, ban giám đốc bệnh
viện đã có cuộc họp toàn thể nhân viên theo từng đối tượng bác sĩ, điều
dưỡng, hộ lý để làm cam kết. Nếu nhận quà tiền của bệnh nhân thì sẽ buộc
thôi việc hoặc những hình thức nặng.
"Nói 100% thì không dám, bởi thi thoảng
vẫn có trường hợp nhét tiền vào tay bồi dưỡng nhưng phần lớn nhân viên
đều từ chối. Để được điều này, chúng tôi đã tăng cường việc kiểm tra
giám sát và thăm dò ý kiến của người bệnh thường xuyên. Trường hợp nào
vi phạm là xử lý ngay", bà Thủy nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh
viện Hùng Vương thì cho rằng đây chính là văn hóa của bệnh viện từ xưa
đến nay. Bác sĩ cũng cho rằng
thực ra nếu thu nhập của nhân viên ít quá, thí dụ mỗi tháng chỉ 3-4
triệu đồng, mà bảo bỏ nạn phong bì thì cũng là rất khó.
"Bệnh viện Hùng Vương và Từ Dũ may mắn
hơn là có hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu, chính vì thế mà có kinh
phí để lo cho nhân viên cao hơn các bệnh viện bạn. Từ nguồn thu nhập
tạm ổn, nhân viên cũng tự có ý thức trong việc giữ gìn hình ảnh cho tập
thể", bác sĩ Trương nói.
Cuối năm 2011, sau khi Bộ Y tế phát động phong trào nâng cao y đức của nhân viên y tế, 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, bệnh viện K và E cam kết "nói không với phong bì". Thời gian đó, theo khảo sát của VnExpress.net, hiện tượng người bệnh đưa tiền cho nhân viên y tế đều có ở các bệnh viện này. Các chuyên gia cho rằng, đa số các bác sĩ nhận phong bì cảm ơn, bồi dưỡng của người nhà bệnh nhân, chứ không phải vòi vĩnh, nhận hối lộ. Theo các chuyên gia trong ngành y tế, chính tình trạng quá tải gây nên hiện tượng "phong bì". |
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Nhóm phóng viên