Bia rượu: Vấn nạn quốc gia!
Tình trạng lạm dụng bia rượu tại Việt Nam lâu nay gây ra cho xã hội nhiều vấn nạn nhức nhối.
Ngày hội uống bia do hãng bia Hà Nội tổ chức. AFP photo
Quán nhậu mọc lên như nấm
Việt Nam - một trong những quốc gia nằm trong danh sách nghèo nhất thế giới - nhưng cũng là một trong những nước có mức tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam với dân số 90 triệu người, lượng tiêu thụ bia hằng năm từ 2011 đến 2016 sẽ tăng 10% mỗi năm. Hiện mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng gần 30 lít/năm, đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ tư Châu Á sau Nhật, Nam Triều Tiên và Trung Quốc.
Khi đến Việt Nam, người ta có thể nhận thấy ở địa phương nào cũng có nhà máy bia, có cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia. Quán nhậu mọc lên như nấm khắp mọi nơi và người ta có thể nhậu từ sáng đến tối khuya, bất cứ lúc nào.
Ở các quốc gia trong khu vực như Thailand, Singarore, Miến Điện… bia rượu bị đánh thuế rất cao và hạn chế giờ buôn bán. Ở Việt Nam chưa có những biện pháp tương tự như thế. Chị Hương đang cư ngụ tại Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh có người thân trong gia đình bị nghiện rượu, cho biết thực tế và ước muốn nhà nước có biện pháp để hạn chế tình trạng nhậu nhẹt, say xỉn suốt ngày như thế:
“Con sâu rượu nhà Chị một ngày đi nhậu 3 tăng, 10 giờ nhậu đến 4,5 giờ, 4,5 giờ nhậu đến 8,9 giờ, giờ này hàng xóm kêu thì sẽ nhậu nữa đến 11,12 giờ đêm, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Việt Nam mình bây giờ nhất nhì Châu Á uống rượu rồi, tiêu thụ rượu bia. Mà bây giờ các hãng bia của Đức…cứ đầu tư vào Việt Nam, vì dân số Việt Nam giờ gần 90 triệu người rồi. Bây giờ theo Chị, thì nhà nước hạn chế cho các hãng bia vào Việt Nam, sản xuất bia rượu tại Việt Nam, thứ hai là đừng có cấp giấy phép mở hàng quán bia tràn lan. Bây giờ nếu các Ông không có chỗ nhậu thì từ từ cũng bớt thôi, chứ bây giờ nhiều quán nhậu quá trời.”
Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, Hiệu phó trường Đại học Hùng Vương cho chúng tôi biết sự trăn trở của Ông về vấn đề sử dụng quá nhiều bia rượu tại Việt Nam:
“Ngày xưa, người ta nói rượu ngon thì có bạn hiền, tuy nhiên, ngày nay người ta lạm dụng vấn đề này quá. Rất nhiều chính sách luật lệ của Việt Nam được đưa ra đã không thực hiện được một cách nghiêm túc. Trong xã hội của chúng ta, luật lệ không được tôn trọng, rất nhiều những điều đúng đắn nhưng đã không thực hiên. Và không có một cái chế tài, không có một cái kiên quyết đối với việc đó.
Tôi nghĩ là đáng nhẽ ra, ở Việt Nam "thằng" nào nó chả mong có chức tước, thế nghĩa ra "thằng" nào mà lại uống rượu bia, đi nhậu nhẹt thì không cho lên chức tước gì nữa. Đang làm chức tước phải đi xuống, chỉ cần đưa ra một cái đó thôi làm gương cho một vài thằng thì mọi người sợ rúm lại, chuyện đâu vào đấy cả thôi.”
Cái hại trước mắt và lâu dài
Một quán nhậu ở Hà Nội. AFP photo
Với tình hình đất nước Việt Nam kinh tế - chính trị - xã hội đang vô cùng khó khăn, nhưng ngừơi dân vẫn ung dung lạc quan trên những bàn nhậu bất kể giờ giấc, địa điểm với đủ lý do để nhậu. Có các doanh nghiệp còn tự hào cho việc nhậu là một nét văn hóa của Việt Nam, và thường đưa vào bàn nhậu để bàn các chuyện kinh doanh hoặc ký kết hợp đồng. Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, cho chúng tôi biết:
“Ở xã hội Việt Nam bây giờ là đúng như thế, thực tiễn, người ta thảo luận với nhau công việc trên bàn bia rượu, thảo luận với nhau những vấn đề rất nghiêm túc thế thì đây là một vấn nạn, là một sự xuống cấp ở xã hội Việt Nam. Thậm chí là những công việc bàn một cách nghiêm túc thì nhiều lúc người ta cũng đưa ra cái bàn nhậu để bàn. Rồi trong lúc họ say sưa, họ đưa ra những ký kết, đưa ra những quyết định, mà chúng ta có thể nào tin tưởng những con người trong lúc say sưa, kích thích ký vào những văn bản hợp đồng kinh tế, kể cả những văn bản mang tính chất pháp quy không? ”
Nếu không ngăn chặn kịp thời mà cứ để như bây giờ thì nó sẽ không phải là hại trước mắt mà hại lâu dài, không phải chỉ ảnh hưởng đến thế hệ ngày hôm nay mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.
- Giáo sư Nguyễn Mộng Giao
Lạm dụng bia rượu sẽ làm cho con người khó kiểm soát được bản thân dẫn đến nhiều điều đáng tiếc cho chính họ, người thân và người chung quanh. Giáo sư Nguyễn Mộng Giao phân tích:
“Nếu uống bia rượu quá nhiều sẽ làm u mê, làm hại nòi giống, sinh con đẻ cái thì các DNA sẽ biến dạng đi, con cái sẽ không thể nào khỏe mạnh được, nòi giống sẽ kém đi về mặt trí tuệ. Cho nên đây là một vấn nạn lớn của xã hội Việt Nam, nếu không ngăn chặn kịp thời mà cứ để như bây giờ thì nó sẽ không phải là hại trước mắt mà hại lâu dài, không phải chỉ ảnh hưởng đến thế hệ ngày hôm nay mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.”
Và Ông tiếp tục chia sẻ trong tâm trạng bức xúc:
“Những người nông dân uống bia uống rượu quá đáng rồi gây tan nát gia đình thì có những chế tài, nhưng trước mắt có lẽ là những từng lớp công chức nhà nước, những người có trách nhiệm trong bộ máy chính quyền, thì đầu tiên là phải trừng phạt về tội uống bia rượu, bởi vì nếu họ uống bia rượu, họ sẽ làm sai lãng mọi cái gì hay nhất của luật pháp, và cái gì hay nhất của thuần phong mỹ tục của đất nước và tấm gương đạo đó rất xấu cho các thế hệ trẻ, nhất là các em đó còn đang học ở trường.”
Vấn đề ăn nhậu quá mức được nêu ra lâu nay; tuy nhiên dường như tình trạng đó vẫn chưa hề được giải quyết mà trái lại thực tế cho thấy dường như cơ quan chức năng và nhà nước bỏ lơ cho chuyện đó phát triển.
An Nhiên, thông tín viên RFA