THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 June 2013

Việt Nam và các cuộc nổi dậy hiện nay



Võ Văn Ty (Danlambao) - Trong thế kỷ 21 này, thế giới đã mục kích nhiều chính quyền độc tài đã sụp đổ trước sức mạnh của người dân. Có 3 cuộc nổi dậy được xem là biểu tượng của đấu tranh bất bạo động đánh đổ được cường quyền mà không cần một thế lực quốc tế giật dây hướng dẫn.

Trong khuôn khổ của bài này, người viết chỉ chiếu rọi một góc độ nhỏ vào đạo đức, tác phong và sách lược đấu tranh của những người lãnh đạo các phong trào tự do dân chủ này. Đây là những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của các tổ chức này.

I. Tiệp Khắc và cuộc cách mạng Nhung 1990:


Cựu Tổng Thống Václav Havel
Chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh của Tổng Thống Václav Havel đã đứng lúng túng ngượng nghịu giữa sảnh đường của Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1990 và không biết phải mở đầu bài diễn văn như thế nào khi hàng trăm Dân Biểu Thượng Nghị Sỹ Mỹ đã ngưỡng mộ đứng dậy vổ tay không ngừng.

Václav Havel xuất thân từ một gia đình khá giả và trí thức. Ông là một nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng. Nhiều tác phẩm của ông đã được luân lưu trình diễn khắp thế giới. Trong đấu tranh ông là một người lãnh đạo có cá tính mạnh mẽ và có khả năng lôi cuốn nhiều người vì lý tưởng nhân quyền mãnh liệt của mình.

Hình ảnh đối chiếu thật tương phản của các cuộc cách mạng nhân danh người dân. Václav Havel đấu tranh vì tự do và nhân quyền và một người bạn lý tưởng thân tình của ông là Đức Phật sống Dalai Lama, người mà cả thế giới văn minh và trí thức yêu mến. Lãnh tụ Cộng Sản Hồ Chí Minh thì với các cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu và sứ mệnh nhuộm đỏ Đông Dương để xây dựng thế giới đại đồng cho Liên Sô và Trung Cộng đã làm 4 triệu người Việt thiệt mạng. Hồ Chí Minh còn có các đồng chí thân tình là Mao Trạch Đông và Joseph Stalin, những người đã thực hiện những cuộc tắm máu giải phóng ở Trung Hoa và Liên Sô.

Sau cuộc cách mạng Nhung 1990, giai đoạn xây dựng lại quốc gia của Václav Havel cũng có nhiều chông gai, và khác với Lech Wałęsa của Ba Lan đã bị mang tiếng sau những đấu đá chính trị. Václav Havel vẫn được đại đa số dân Tiệp ái mộ. Trong thời gian cầm quyền, một số quyết định của Václav Havel đã làm một số quần chúng chống đối, nhưng ông vẫn can đảm tiến hành vì lý tưởng nhân quyền, như ân xá và thả tù thường phạm và đóng cửa các nhà máy sản xuất chiến xa nổi tiếng của Tiệp làm hàng ngàn công nhân của kỹ nghệ chiến tranh Tiệp bị thất nghiệp.

Trong cuộc cách mạng Nhung, Václav Havel cũng đã không thoát khỏi qui luật thô bạo của Cộng Sản là ông bị bắt vào tù nhiều lần. Nhưng khi lên làm Tổng Thống ông đã không có một chính sách trả thù nào dành cho những người đã hành hạ ông. Khác với Việt Nam, dân Tiệp đã đoàn kết và mau chóng cùng nhau đưa đất nước của họ vào cộng đồng văn minh thế giới.

II. Nam Phi và sự sụp đổ của chính quyền Apartheid 1993:


Cựu Tổng Thống Nelson Mandela
Vào tháng 3 năm nay, báo chí thế giới đã dồn dập đăng tải tin cựu Tổng Thống Nelson Mandela bị sưng phổi và phải vào bệnh viện. Các bản tin ồ ạt gởi đi về bệnh tình của Mandela nhiều hơn tin tức về các vị nguyên thủ của các cường quốc đang lâm trọng bệnh đã nói lên lòng quí mến của thế giới đối với ông. Nelson Mandela được coi là vị cha già của Nam Phi.

Nelson Mandela sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918 trong một gia đình quí tộc của bộ lạc Madiba, dòng dõi Thembu. Cả cha mẹ đều không được đi học nhưng rất sùng đạo Ki Tô Thiên Chúa. Trong thời thơ ấu đã có lúc ông làm trẻ chăn trâu và sống ngoài trời.

Mandela học luật ở các đại học Fort Hare và Witwatersrand rồi hành nghề luật sư ở Johannesburg. Ông tham gia các hoạt động chống thuộc địa và gia nhập tổ chức African National Congress (ANC). Trong thời gian đó Mandela bị ảnh hưởng nặng bởi 2 tư tưởng đấu tranh chống thuộc địa để dành độc lập của Cộng Sản là Karl Marx và của Jawaharlal Nehru, Thủ Tướng Ấn Độ đầu tiên và là đồng chí của Thánh Mahatma Gandhi với chân lý đấu tranh bất bạo động của phật giáo. Cần nhấn mạnh thêm ở đây là Nelson Mandela khác xa ông Hồ Chí Minh, vì ông Hồ là đảng viên trung kiên của Cộng Sản quốc tế, làm công cụ xâm lược nhuộm đỏ thế giới cho Liên Sô và Trung Cộng. Đối với Mandela tư tưởng Karl Marx chỉ là phương tiện, đối với ông Hồ chiêu bài dân tộc là phương tiện.

Năm 1962 Nelson Mandela bị Apartheid kết án tù chung thân vì tội tham gia bạo động “khủng bố” để lật đổ chính quyền. Ông thụ án 27 năm.

Cuối cùng cuộc đấu tranh tự do dân chủ của Mandela đã thành công. Năm 1992 ông bắt tay với Tổng Thống Apartheid là F. W. de Klerk để bàn giao chính quyền. Năm 1994 trở thành Tổng Thống của Nam Phi qua cuộc thắng cử vẻ vang. Cựu Tổng Thống Apartheid F. W. de Klerk trở thành Phó Tổng Thống của Mandela.

Điểm son của Nelson Mandela trong giai đoạn xây dựng lại Nam Phi là ông đã tiến hành công cuộc hàn gắn, hòa hợp hòa giải và đoàn kết cho Nam Phi. Luật lệ khá bình đẳng vì vậy một số đảng viên cầm quyền ANC tham ô phạm pháp đã bị truy tố trước pháp luật. Sau một nhiệm kỳ, Nelson Mandela từ chối ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2 và lui về phía sau hậu trường chính trị và làm những công tác từ thiện. Mandela không để lại một sự căm thù nào. Ông là biểu tượng của dũng cảm và nhân ái, xứng đáng là vị cha già quốc gia Nam Phi.

III. Miến Điện và cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay:


Bà Aung San Suu Kyi
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ở Miến Điện hiện vẫn đang tiếp diễn và phe dân chủ đang có chiều hướng thắng thế. Vừa rồi Tổng Thống Miến Điện là Thein Sein đã viếng thăm Tổng Thống Obama ở tòa Bạch Ốc, đánh dấu một giai đoạn cởi mở trong tiến trình dân chủ hóa Miến Điện.

Các nhà đấu tranh dân chủ cho Miến Điện ở quốc ngoại vẫn chưa hài lòng về mức độ đổi mới của chính quyền Miến Điện, tuy nhiên chính phủ Obama lạc quan hơn vì chiêu thức cây gậy và củ cà rốt, trừng phạt cấm vận và bang giao để thưởng công, thật hiệu quả. Đây cũng là một công thức lợi hại nên được áp dụng ở Việt Nam trong tình hình hiện nay khi nhà cầm quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp và loay hoay lúng túng giữa 2 thế lực mạnh mẽ từ bên ngoài, Mỹ và Trung Cộng.

Có ba yếu tố đưa đến sự cởi mở dân chủ hiện nay ở Miến Điện:

1. Nhóm quân phiệt lãnh đạo đã thức tỉnh vì thấy đất nước của họ càng ngày càng nghèo đói và bị cô lập, vì thế họ chấp nhận dân chủ đổi mới để cứu vãn tình thế. Quân phiệt Miến Điện khác xa với CSVN vì họ độc tài và tàn bạo, nhưng không mù quáng cuồng tín như CSVN với chủ thuyết Marx-Lenin và đặc tính tráo trở và tàn bạo qua bao nhiêu thập niên đấu tranh giai cấp, và ảo tưởng bách chiến bách thắng, tự lừa dối chính mình qua các thủ thuật tuyên truyền bóp méo sự thật. Bằng chứng là Việt Nam bị bao phủ bởi cờ xí, băng rôn, bàn thờ Hồ Chí Minh ở khắp mọi nơi. Miến Điện không có những đám mây mù đó đó nên con người nhìn thấy vấn đề của quốc gia rõ ràng và chính xác hơn.

2. Cuộc đấu tranh tự do dân chủ ở Miến Điện được cả thế giới đồng thuận phối hợp nhịp nhàng trong chính sách trừng phạt cấm vận và thưởng tặng nếu có dân chủ đổi mới. Cuộc đấu tranh của nhân dân Miến Điện lại được Liên Hiệp Quốc, chính quyền Anh Quốc (mà Miến Điện là cựu thuộc địa), BBC và báo chí Âu châu đi tiên phong yểm trợ trước khi chính quyền của Hoa Kỳ nhập cuộc. Lý do là vì biểu tượng của cuộc đấu tranh này là hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi, có chồng người Anh, bị tập đoàn quân phiệt đàn áp đã gây xúc động nơi chính giới Âu Châu. Khác với Việt Nam là vì những phần tử thân cộng phản chiến còn rơi rớt ở Mỹ và nhóm tài phiệt tham tiền muốn làm ăn buôn bán, đã vận động để giải toả các cấm vận của Hoa Kỳ.

3. Bà Aung San Suu Kyi không những là một người lãnh đạo quả cảm quyết tâm, bà còn là một người rất khôn khéo mềm mỏng khi tiến khi lùi rất uyển chuyển trong các kế sách đấu tranh. Khi chồng bà là Dr. Michael Aris bị ung thư bàng quang, bà đã từ chối đi thăm chồng ở bên Anh vì sợ không được hồi hương để tiếp tục công cuộc đấu tranh, và bà đã không thấy mặt chồng lần cuối khi ông qua đời. Sự hy sinh và ý chí quyết tâm này đã làm thế giới ngưỡng mộ. Chiến thuật đấu tranh của bà được dựa theo chân lý đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi và Phật Giáo.

Giống như các nhà đấu tranh trên thế giới, bà Aung San Suu Kyi đã bị cầm tù và quản thúc tại gia tổng cộng là 21 năm, nhưng năm tháng tù tội không hề làm bà sờn lòng.

Một trong những bài diễn văn nổi tiếng của bà làm chấn động lương tâm con người là “Freedom From Fear” hay “Thoát Khỏi Nỗi Khiếp Sợ”:

"It is not power that corrupts, but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it". "Không phải quyền lực làm cho con người ta bị hủ hóa mà là sự sợ hãi. Sợ mất quyền làm cho những ai có quyền trở nên tồi tệ và cũng vì sợ cái ách của quyền lực làm cho những người phải chịu cái ách đó trở nên hèn kém."

Ngày 1 tháng 4 năm 2012 Aung San Suu Kyi thắng cử vẻ vang vào ghế Quốc Hội cho đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy) của bà, và người ta tiên đoán bà sẽ tranh cử vào chức vụ Tổng Thống vào những năm tới.

 Tư gia của Aung San Suu Kyi nơi bà đã bị quản thúc trên 20 năm. Phái đoàn của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama và Ngoại Trưởng Clinton cũng như các Thủ Tướng của Anh Quốc, Nhật Bản đã đến gặp gỡ người lãnh tụ dân chủ kiên cường tại địa điểm này (ảnh Võ Văn Ty).

Một ứng cử viên của đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy) đang trình bày chính sách của đảng trong mùa bầu cử tự do vào tháng 3 năm năm 2012 tại một vùng quê (ảnh Võ Văn Ty).

Đoàn xe vận động tranh cử của đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ đang di chuyển rầm rộ và hào hứng trên một quốc lộ từ thủ đô Yangon đến các làng quê hẻo lánh (ảnh Võ văn Ty).

Việt Nam và các cuộc nổi dậy hiện nay


Đảng CSVN tồn tại ở Việt Nam trên 80 năm qua vì dựa vào những yếu tố như sau:

1. Chính sách cai trị sắt máu 
2. Và hệ thống thông tin bưng bít và một chiều.

Ngày hôm nay sự lừa dối của CSVN đang bị kỷ nguyên thông tin internet phá vỡ, cùng một lúc nhà cầm quyền Việt Nam vì cần sự hổ trợ và hợp tác của quốc tế về phương diện kinh tế, quân sự, ngoại giao v.v. nên không dám tiêu diệt hết các nhà đấu tranh tự do dân chủ như họ đã từng làm trong mấy thập niên về trước.

Rút tỉa từ các bài học đấu tranh ở Tiệp, Nam Phi và Miến Điện trình bày phía trên, chúng ta hãy đối chiếu với tình hình chống đối càng ngày càng gia tăng ở trong nước để thấy được đảng CSVN đang trên đường thoái hóa, biến chất và sẽ cáo chung. Hàng ngày không cần đi đâu xa, chỉ cần vào các quán cóc lắng nghe các câu chuyện, người ta có thể cảm thấy được sự bất mãn của quần chúng đang lớn dần, đồng thời nổi sợ hãi của người dân đang từ từ biến mất.

Thay thế sự thống lĩnh của đảng CSVN bằng một cơ chế hữu hiệu và nhân bản hơn không thể sẽ không xảy ra. Sự thay đổi này sẽ diễn ra theo những phương thức phác họa như sau:


1. Thay đổi từ trong nội bộ đảng CSVN:


Đây là sự thay đổi ôn hòa nhất, ít đổ máu nhất, theo phương cách cải tổ, dân chủ hóa như ở Miến Điện hiện nay. Trong mô thức ôn hòa này đảng CSVN sẽ nhượng bộ và chấp nhận đa nguyên đa đảng, các đảng phái chính trị được phép ứng cử và tham chính. Phương cách thay đổi này cũng sẽ cho phép sự hiện hữu của đảng CSVN và đảng này sẽ phải cạnh tranh với các đảng phái khác để xem ai được quần chúng tín nhiệm vào các nhiệm kỳ để lãnh đạo quốc gia. Sự thay đổi ôn hòa này còn tránh được những xáo trộn trong xã hội, nhưng sẽ tiếp nhận được nhiều lợi điểm về mặt ngoại giao, kinh tế và ảnh hưởng quân sự ở khu vực biển Đông Nam Á.

Các đảng viên CSVN có công trong công cuộc dân chủ hóa đất nước sẽ được tiếp tục làm việc hay ra tham chính. Ngành công an cảnh sát sẽ được cải tổ từ một tổ chức tham nhũng kẽ thù của nhân dân trở thành một cơ quan bạn của người dân, các nhân viên công lực phải có học thức và tác phong nghiêm trang hơn và thường xuyên được gởi đi du học và thực tập ở các quốc gia đồng minh như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật v.v. Quân đội trở thành một đạo quân chuyên nghiệp và chỉ trung thành với tổ quốc và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước.

Việt Nam sẽ không công nhận các thỏa thuận nhượng đất và biển đảo do đảng CSVN ký kết với Trung Cộng và sẽ kiện vấn đề xâm chiếm chủ quyền này lên LHQ, bang giao với Trung Cộng sẽ nên thu lại cấp thấp hơn Đại Sứ để bày tỏ thái độ quyết tâm của chính quyền Việt Nam trong nỗ lực thu hồi những vùng đất và đảo bị xâm chiếm. Chánh sách đoàn kết dân tộc sẽ phải được đưa lên hàng đầu để người miền Bắc, miền Nam và 3 triệu người tị nạn cùng bắt tay để xây dựng lại đất nước. Các hình tượng, cờ, biểu ngữ v.v. gây chia rẽ tình đoàn kết sẽ không được trưng bày nơi công cộng.

2. Thay đổi qua cuộc đảo chính hay tranh chấp bạo động từ trong đảng CSVN:


Tương tự như các cuộc bạo động ở Nga đã dẩn đến sự sụp đổ dây chuyền của Liên Bang Sô Viết. Trong sự thay đổi này xã hội VN sẽ có xáo trộn nhất thời, vì như rắn mất đầu, bộ máy cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ bị tê liệt một thời gian trước khi hồi sinh để trở thành một quốc gia tự do dân chủ.

Cần nhắc lại vào tháng 8 năm 1991 phe bảo thủ Cộng Sản Sô viết đảo chánh chính quyền cải tổ Mikhail Gorbachev, nhưng phe dân chủ Boris Yeltsin với sự nổi dậy của quần chúng yêu tự do và quân đội phản tỉnh quay về với quần chúng, đã phản đảo chính và chiến thắng. Liên Bang Sô Viết tan hàng sau đó. Một năm sau quân Cộng Sản tổ chức cướp chính quyền lần nữa nhưng hoàn toàn thất bại, hàng trăm tên đã bị quân đội Nga và phe dân chủ bắn chết và bắt sống.

Trong cuộc đảo chánh nếu xảy ra ở Việt Nam, chắc chắn 100% quần chúng sẽ nổi dậy để yểm trợ phe dân chủ và số phận của đảng CSVN sẽ giống như phần 3 - quần chúng tổng nổi dậy, trình bày phía dưới.

3. Quần chúng tổng nổi dậy:


Trường hợp này sẽ được châm ngòi và nổ bùng, khởi đầu bằng các cuộc đàn áp thô bạo của CSVN. Cuộc nổi dậy sẽ giống như Libya mà kết quả là Muammar Gaddafi bỏ trốn vào ống cống, bị lôi cổ ra và xử tử tại chỗ. Trong cuộc tổng nổi dậy này, quân đội và một số công an sẽ phản tỉnh và từ chối không can thiệp và sẽ không đàn áp quần chúng. Một số tay sai trung thành của chế độ sẽ bị truy lùng và sẽ nhận chung số phận như Gaddafi.

Một số chóp bu khác sau bao nhiêu năm vơ vét tài sản của nhân dân sẽ tẩu thoát qua các nước Âu Mỹ lần lượt sẽ bị bắt và dẫn độ về nước. Các trương mục ngân hàng và tài sản của lãnh đạo CSVN ở Âu Mỹ sẽ bị đông lạnh và chuyển giao lại cho chính quyền dân chủ của Việt Nam. Một số lãnh đạo CSVN có thể sẽ chạy thoát và sẽ định cư ở Trung Cộng, Bắc Hàn, Cu Ba và các quốc gia độc tài ở Phi Châu.

Các phiên tòa sẽ xét xử công minh, với sự giám sát của LHQ, các tội phạm của đảng CSVN từ những tội ác đàn áp người yêu nước hiện nay đi ngược lại quá khứ như các cuộc thảm sát và bắt bớ thuyền nhân ra đi tìm tự do trong thập niên 80, tù đày cải tạo quân dân VNCH, vi phạm Hiệp Định Ba Lê 1973, cuộc chiến xâm lược năm 1972, trận Mậu Thân, các cuộc đàn áp và tàn sát vụ Nhân Văn Giai Phẩm và Cải Cách Ruộng Đất v.v... Đảng CSVN sẽ bị càn quét và loại ra ngoài vòng pháp luật qua phương thức tổng nổi dậy.

Lãnh đạo của Việt Nam trong tương lai


Hầu hết các quốc gia trên thế giới tìm được độc lập và tự do, thành phần lãnh đạo phần lớn sẽ xuất thân từ nhà tù nơi đã giam cầm họ. Không ai hiểu hơn họ về giá trị của sự tự do, giá trị đó đã được nuôi dưỡng bằng những bữa cơm tù, bằng những trận đòn tra tấn dã man.

Dù muốn hay không những nhà đấu tranh đang bị cầm tù như Việt Khang, Đỗ thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha v.v. và các bạn trẻ khác như Hoàng Vi, Nguyễn Như Quỳnh, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên... sẽ được mời ra ứng cử hay tham chính trong những vị trí lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn hậu Cộng Sản. Cái trí dũng và những bước đi tiên phong của họ khi tổ quốc lâm nguy ngày hôm nay đã chứng tỏ được bản lĩnh và khả năng lèo lái con tàu quốc gia mà lịch sử cứu nước và dựng nước của Việt nam đã kinh qua.

Không những chỉ thay thế một chủ nghĩa đã bị thế giới tẩy chay xa lánh mà những nhà lãnh đạo của một nước Việt Nam dân chủ tự do ngày mai, còn phải biết xây dựng lại tình đoàn kết của dân tộc. Các nhà đấu tranh trong danh sách trên đã có đủ những ưu điểm đó vì họ sinh ra sau cuộc chiến Quốc-Cộng nên không bị ảnh của các thế lực quốc tế như Mỹ-Nga-Tầu. Họ cũng đã thấy rõ các điều sai lầm của chủ nghĩa Cộng Sản vì đã sống trong sự vùi dập đe dọa của bạo quyền.

Những khuôn mặt trẻ hồn nhiên của tuổi cắp sách đến trường, lớn lên trong chủ thuyết Cộng Sản và chưa bao giờ được sống qua một ngày tự do, đang đấu tranh làm những chính trị gia lão thành bàng hoàng kính phục. Họ là hiện thân của sức mạnh tiềm tàng dân tộc không bao giờ bị hủy diệt bởi các giáo điều ngoại lai.

Hình ảnh của những người dấn thân đấu tranh như Nguyễn Phương Uyên 21 tuổi sinh viên và là cán bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Tạ Phong Tần đảng viên đảng CSVN, đã làm việc trong ngành công an, làm chúng ta hiểu rõ hơn tại sao sau 1000 năm đô hộ của giặc Tàu, kẻ thù đã không thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam. Kỹ thuật 100 năm trồng người tưởng là siêu đẳng độc hiểm của Hồ Chí Minh vẫn chỉ là một ảo tưởng ngông cuồng và man rợ, với tham vọng biến con người thành cái máy vô tri vô giác. Hồ và những con chiên mù quáng của ông vì cuồng tín, ngu dốt, gian tham và ác độc, nên đã can tâm làm tay sai cho ngoại bang khi thì Liên Sô nay là Trung Cộng, để đàn áp khống chế trí tuệ và khả năng của những người Việt Nam yêu nước.

Trong một vị trí độc lập không bị ảnh hưởng của cuộc chiến ý thức hệ trước đây, những nhà đấu tranh này lại có thể làm một gạch nối dễ dàng giữa những người miền Nam chống Cộng và những người Bắc bị Cộng Sản tuyên truyền lừa gạt 80 năm nay. Cũng với niềm tin mới này, 3 triệu người tị nạn sẽ thật sự vui mừng quay trở về thăm quê hương, và hàng chục ngàn chuyên viên gốc tị nạn khác với tài năng và kinh nghiệm chuyên môn học hỏi được ở phương Tây sẽ đổ xô trở về giúp nước.

Đây không phải là những điều thêu dệt và mơ mộng lãng mạn. Tình đoàn kết đó đã thành hình sau những loạt xuống đường của các bạn trẻ ở trong nước trong mấy năm qua. Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Sài Gòn vùng lên đồng loạt, bền bỉ, và người Việt ở hải ngoại đã tự động phối hợp nhịp nhàng để yểm trợ quốc nội một cách mau lẹ và hiệu quả qua kỹ thuật chuyển tin chớp nhoáng của các mạng thông tin internet. Tinh thần đoàn kết đó cũng đã được thể hiện qua nhạc phẩm Bạn Tôi của nhạc sỹ Trúc Hồ đã làm thôi thúc lòng người, hoặc những lời tuyên bố công khai không sợ hãi dấu mặt của các bạn trẻ ở miền Bắc về ngày 30 tháng 4 là ngày chia rẽ đau buồn của dân tộc.

Như Aung San Suu Kyi của Miến Điện, Václav Havel của Tiệp và Nelson Mandela của Nam Phi. Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Việt Khang, Tạ Phong Tần v.v... sẽ là những nhà lãnh đạo đầy hứa hẹn của Việt Nam trong tương lai. Chỉ khác một điều là họ trẻ trung và có nhiều năng lực tiềm tàng cho một cuộc đấu tranh dài lâu hơn.