THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 June 2013

Hải Phòng, Quảng Ninh: huy động cả xe thiết giáp chống bão

TTO - Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến chiều 22-6 đã thông tin cho gần 4.000 phương tiện tàu thuyền, lồng bè và hơn 11.500 lao động biết vị trí và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

 


Hiện tại đã có 2.904 tàu thuyền, 534 lồng bè nuôi trồng thủy sản và hơn 10.000 lao động tìm được chỗ neo đậu, trú ẩn an toàn trong các bến cảng. Trên vùng biển Hải Phòng vẫn còn hơn 300 phương tiện đang hoạt động. Ban phòng chống lụt bão đang tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền nhanh chóng tìm nơi trú bão.

Ngày 22-6, Ông Đỗ Trung Thoại, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công điện gửi các quận huyện triển khai phương án chủ động phòng chống bão, tổ chức sơ tán người dân ở những vùng ven sông, ven biển, các khu vực dễ sạt lở…  Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng đã huy động khoảng 1.000 xe ô tô các loại, 254 tàu xuồng, 4 xe thiết giáp… chuẩn bị tham gia chống bão và tìm kiếm cứu nạn.
Tại Quảng Ninh ,1.590 phương tiện tàu thuyền trong tổng số 1.670 phương tiện đã về nơi tránh trú bão, 450 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và 16 nhà bè kinh doanh dịch vụ đã được chằng chống an toàn.
Chiều 22-6, ông Đặng Huy Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số điểm xung yếu ở huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả và TP Hạ Long. Ông Hậu cũng đã có công điện khẩn gửi các quận huyện, thành phố trực thuộc chủ động phương án phòng chống cơn bão số 2.
Một tàu chở thủy sản bị chìm tại Cát Bà
Tối  22-6, Bộ chỉ huy Biên phòng Hải Phòng, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 2, một con tàu chở thủy sản đã bị chìm tại tại khu vực cửa vịnh Cát Bà.
Theo đó, con tàu có biển hiệu HP 1586 TS, trọng tải 3,8 tấn, do ông Trịnh Văn Linh (55 tuổi, Q.Hải An, Hải Phòng) và một thuyền viên điều khiển, chở 1,8 tấn mực tươi từ Cát Bà vào vịnh Trân Châu để trú bão. Khi tàu đi đến cửa vịnh Cát Bà thì bị bục sàn và bị chìm.
Ngay sau khi nhận được tin báo, đồn Biên phòng Cát Bà đã huy động xuồng ra cứu được hai người trên tàu. Đồn biên phòng Cát Bà cũng huy động tàu của người dân ra trục vớt tàu chìm. Đến khoảng 17g cùng ngày lực lượng chức năng đã trục vớt được con tàu chìm này.
Bão số 2: cách bờ biển các tỉnh Đông Bắc Bộ khoảng 290km
Hồi 19g ngày 22-6, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ nước ta khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6; một số nơi có gió mạnh hơn như Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh 16m/s (cấp 7); đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 17m/s (cấp 7); giật 23m/s (cấp 9); ở Văn Lý (Nam Định) có gió giật 17m/s (cấp 7); Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8).
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây, sau đó có khả năng đổi hướng về phía Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Đến 19g ngày 23-6, vị trí tâm bão ở trên vùng bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 19g ngày 24-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra do ảnh hưởng của đới gió tây nam có cường độ mạnh nên khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.
Thanh Hóa: 8.000 tàu thuyền đang vào bờ tránh bão số 2
Chiều 22-6, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết trong hai ngày qua, nhận được thông tin về diễn biến của cơn bão số 2, chủ tàu, thuyền trưởng của gần 8.000 tàu thuyền của tỉnh đã và đang di chuyển vào bờ nơi gần nhất để tránh cơn bão số 2.
Phần lớn số tàu thuyền nêu trên của ngư dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn, chủ yếu hoạt động trên ngư trường truyền thống là vịnh Bắc bộ, vùng biển Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đã và đang vào khu vực đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cô Tô (Quảng Ninh); hoặc vào các âu tránh trú bão của tỉnh Thanh Hóa như Lạch Trường, Kênh De, Lạch Hới, Lạch Bạng… để tránh bão số 2.
Chậm nhất trong chiều tối 22-6, số tàu còn lại (hơn 20 tàu thuyền, với 80 lao động) ngoài khơi sẽ vào đến bờ tránh trú bão an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-6, ông Hoàng Văn Truyền - phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn - cho biết: "Ở bãi biển Sầm Sơn hiện nay có hàng nghìn người đã đến nghỉ dưỡng cuối tuần. Để đảm bảo an toàn cho du khách, hệ thống truyền thanh cơ sở tại Sầm Sơn thường xuyên phát thông tin về cơn bão số 2; phát những bản tin cảnh báo, khuyến cáo du khách không nên tắm biển lúc trời mưa, sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của thị xã đang tăng cường các biện pháp bảo vệ du khách một cách tốt nhất, an toàn nhất trong những ngày mưa bão này”.
Song song với việc phòng chống bão số 2 tại các địa phương ven biển nêu trên, công tác phòng chống lũ quét, lũ ống có thể xảy ra trong khi cơn bão này hoành hành cũng được các huyện miền núi ở Thanh Hóa đã và đang triển khai quyết liệt. Nhiều hộ dân sinh sống ven sông, suối - nơi có nguy cơ sạt lở đất đá cao tại các huyện vùng cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn… đã được di dời đến nơi an toàn.
Đến cuối giờ chiều 22-6, tại các huyện ven biển và TP Thanh Hóa có mưa rào rải rác. Công tác phòng chống cơn bão số 2 tại Thanh Hóa đã và đang diễn ra khẩn trương, nhanh chóng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra.
THÂN HOÀNG - Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương - HÀ ĐỒNG