Có một thói quen “nhờ ơn” với “biết ơn” rất phi lý và chối tai cần phải loại bỏ. Những câu “ơn đảng ơn chính phủ” nhiều quá, nhiều đến mức nghe cứ khiến đảng- nhà nước như cha mẹ của dân. Điều này xảy ra nhiều nhất ở nông thôn, các vùng sâu vùng xa, nơi dân trí còn thấp. Cựa việc gì cũng “nhờ ơn” “biết ơn”, mở miệng là “ơn đảng ơn chính phủ”.
Nhiều lần đi cứu trợ cho đồng bào vùng bão lũ, thấy bà con chìa tay nhận quà xong cứ mở miệng “nhờ ơn đảng nhà nước” khiến phát… bực! Không ít bận tôi đã hết nhịn nổi phải giải thích như hét lên rằng: đây là quà của cháu, không có đảng nhà nước nào hết!
Những câu “nhờ ơn” “biết ơn” rất ngượng mồm nhưng không hiểu sao nghe nhiều đến vậy và nó sống dai dẳng đến thế?
Tôi muốn mọi người tập bỏ điều này. Người dân, từ nay không cần phải nhờ ơn biết ơn đảng, ơn chính phủ nữa. Không thể nhận mấy ký gạo, vài gói mỳ tôm cứu trợ cũng cho rằng đó là “ơn Bác ơn đảng”. Họ đã đóng thuế đầy đủ rồi, thậm chí cả cái khoản phí bão lụt gì đó cũng thu, thu chồng thu chéo, ở cơ quan cũng thu, về phường thu tiếp.
Vậy thì ai phải “nhờ ơn” và “biết ơn” ai?
Người dân, khi đã đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, thậm chí người ngoài đảng, không phải đảng viên cũng đóng thuế để nuôi đảng, thì trách nhiệm của đảng, của nhà nước phải chăm lo, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân. Ý thức rõ điều này sẽ không còn ai phải nói “nhờ ơn Bác ơn đảng ơn chính phủ (hay nhờ có chính sách của đảng và nhà nước) mà tôi (hay gia đình tôi) mới được thế này thế kia…”. Ngược lại, chẳng những không cần “nhờ ơn”, mà dân còn có quyền yêu cầu, đòi hỏi: tại sao tôi (hay gia đình tôi) đã đóng thuế đầy đủ nhưng lại không được thế này thế kia?
Phải nhận thức rõ đó là quyền, quyền của dân, chứ không phải “nhờ ơn mưa móc” đảng, càng không phải của Bác. Công lao đảng và Bác là lớn lao, rất lớn lao. Không ai phủ nhận điều này. Nhưng tôi tin nếu cụ Hồ sống dậy, nghe vậy ông cũng lắc đầu. Và giả nếu được hỏi ý kiến, tôi tin cụ cũng đồng ý rằng: Từ nay làm gì, nhận gì, hưởng gì cũng đừng bắt dân phải “ơn Bác” nữa! Thôi, vứt bỏ cái thói quen “ơn đảng ơn Bác” ấy đi!
Nói vậy không phải là phủ nhận công lao của đảng của Bác, của nhà nước của chính phủ. Công là công, trách nhiệm là trách nhiệm. Không phải cựa việc gì cũng bắt dân phải “biết ơn”, ơn đời đời kiếp kiếp như thế. Thậm chí trong nhiều việc nhiều nghĩa, đảng- chính phủ- nhà nước phải biết cất lời “biết ơn” dân, phải ý thức rằng đảng “nhờ dân”!
Mặt khác, tư duy kiểu “nhờ ơn” “biết ơn” đó cũng đã vô tình tạo cho người dân thói quen lười biếng, trông chờ ỷ lại vào nhà nước.
Bài tập nói không với “nhờ ơn” “biết ơn” quá dễ- Tại sao không?
Theo Trương Duy Nhất