Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng cho rằng các ngân hàng cần tìm mọi cách giảm lãi suất cho doanh nghiệp để cứu chính mình.
>Lãi suất giảm ít ý nghĩa
>Lãi suất vẫn quá cao với doanh nghiệp
-
Doanh nghiệp vẫn trông chờ ngân hàng giảm lãi suất thêm nữa họ mới có
thể tiếp cận vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông nhìn nhận thế nào
về mong muốn này?
- Chỉ khi nào có cơ sở là mức
huy động thực tế thấp một cách hợp lý (có tính đến yếu tố lạm phát) thì
ngân hàng mới cho vay ra với một mức lãi suất thấp được.
Chủ tịch Eximbank cho biết lợi nhuận ngân hàng sụt giảm đáng kể sau khi cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lan. |
Bản thân ngân hàng cũng phải tìm
đủ mọi biện pháp để có được mức lãi suất tốt cho doanh nghiệp vay. Nói
một cách hơi thực dụng là, nếu không giúp doanh nghiệp tồn tại và phát
triển thì Eximbank cũng chết. Nếu cho vay cao quá thì doanh nghiệp không
chịu được. Ngân hàng huy động cao mà không cho vay, ôm một đống tiền đó
thì cũng chết. Do đó, việc xem xét mức cho vay ngày càng hợp lý không
phải việc gì cao xa mà đó là vì lợi ích của cả người vay lẫn người cho
vay.
- Ông nói lãi suất cho vay
chỉ có thể giảm nếu lãi suất huy động giảm về mức hợp lý. Nhưng lãi suất
huy động đã giảm nhiều rồi, liệu còn dư địa nào để giảm nữa?
- Rất khó trả lời dù cũng nhiều
người đã hỏi tôi câu này. Tôi không muốn bình luận về chính sách nhưng
xin kể một câu chuyện để thấy được sự 2 trong một đối với khách hàng mà
chúng tôi đón tiếp.
Trong một
gia đình, bà vợ có tiền đem gửi ngân hàng thì lúc nào cũng muốn lãi suất
cao. Anh chồng là doanh nghiệp tới Eximbank vay tiền thì lại muốn lãi
suất thấp. Nói thế để thấy thị trường có hai mặt. Nếu ngân hàng không
huy động được thì sẽ không có tiền cho doanh nghiệp vay. Còn nếu huy
động cao mà cho vay thấp thì hệ thống ngân hàng cơ bản sẽ diệt vong bởi
ngân hàng bản chất là đi vay để cho vay.
Dù trần lãi suất là 7,5% nhưng thực tế nhiều
ngân hàng không huy động được thế mà phải trả lãi suất cao hơn. Tùy vào
điều kiện, vốn, hợp đồng thời hạn cho vay thì ngân hàng sẽ quyết định
lãi suất theo tinh thần doanh nghiệp sống được thì mình mới sống được.
Không có ngân hàng nào tồn tại một mình mà không cần ai.
- Tái cơ cấu các khoản vay
cũ của doanh nghiệp là một cách khơi thông tín dụng. Ngân hàng Nhà nước
cũng đã có quyết định 780 cho phép triển khai việc này. Về phía ngân
hàng, ông thấy có điểm gì băn khoăn?
- Tôi cho rằng quyết định này
rất tốt nhưng chúng ta phải có lộ trình giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ một
cách hết sức hợp lý. Tôi nghĩ cơ cấu đi cơ cấu lại thì vẫn phải đảm bảo
chất lượng tín dụng để nợ xấu không bùng lên. Nếu cơ cấu mà ảnh hưởng
chất lượng tín dụng thì hệ quả sẽ nhãn tiền. 6 tháng, một năm là nợ xấu
lại tới liền.
Về phần mình, Eximbank cũng đã giãn, giảm nợ với số lượng không nhỏ cho doanh nghiệp. Đây là một lý do khiến lợi
nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống. Năm nay chúng tôi cũng đặt mục tiêu
lợi nhuận thấp (2.857 tỷ đồng). Mọi người cứ nhìn sự sụt giảm lợi nhuận
ghê gớm này là biết chủ yếu do cái gì.
Theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/6 các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều khoản mục hơn. Theo
tôi nếu lùi thời hạn áp dụng, thay vì đúng ngày 1/6, sẽ giảm áp lực lớn
cho các ngân hàng. Năm nay điều kiện kinh doanh hết sức khó khăn mà áp
dụng Thông tư 02 ngay thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ rơi xuống mức
cực kỳ thấp, dẫn đến cổ tức ngân hàng không còn hấp dẫn và nhà đầu tư sẽ
bỏ đi. Như vậy rất nguy hiểm cho hệ thống.
Thanh Thanh Lan (ghi)