Ngân
hàng nhà nước sẽ chuẩn bị thêm 12 tấn vàng cho đợt đấu thầu thứ hai sau
khi 10 tấn vàng đã chính thức được cơ quan này tung ra cho các tổ chức
tín dụng và doanh nghiệp. Giá vàng trong nước vẫn chưa thôi biến động và
người dân vẫn chịu thiệt thòi khi tham gia.
Giữa "cơn lốc” giá vàng,
người dân vẫn hoang mang và chịu nhiều thiệt thòi
Ảnh: Hoàng long
Nghi ngờ hiệu quả đấu thầu
Khi bắt đầu công cuộc bình ổn giá vàng vào tháng 10
năm 2011, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố: Mục tiêu thời
gian tới là đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức
400 nghìn đồng/lượng. Nếu giá vàng có sự vượt quá mốc điểm này tức là
bị đầu cơ. Thế nhưng, sau gần một năm rưỡi (đến tháng 4-2013) từ can
thiệp đến kiến tạo thị trường vàng, giá vàng trong nước vẫn vênh cao kỷ
lục so với giá thế giới. NHNN đang giữ vai trò là người mua bán cuối
cùng, vậy đây là trách nhiệm của ai?
Điểm lại thị trường vàng kể từ khi NHNN chính thức
tổ chức phiên đấu thầu thứ nhất vào ngày 28-3 và phiên cuối đợt 1 (phiên
9) vào ngày 18-4 cho thấy: 10 tấn vàng đã được NHNN tung ra cho 22 TCTD
và DN thiết lập mối quan hệ mua bán với NHNN. Khoảng cách giá vàng
trong nước và thế giới tăng từ 2,6 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng. Có
thời điểm, cán mốc 7 triệu đồng. Và cũng không ai dám chắc chắn rằng,
đây là mức giá chênh cuối cùng.
Hiệu quả công tác đấu thầu vàng do NHNN đang và sẽ
tiếp tục triển khai đặt ra những nghi vấn lớn hơn bao giờ hết. Vậy bản
chất của việc đấu thầu vàng là gì? Câu trả lời đang đổ dồn về việc NHNN
gián tiếp giúp các TCTD hoàn thành cân bằng trạng thái vàng thiếu hụt
trước hạn 30-6.
So với nhu cầu vàng tất toán lên tới 20 tấn vàng
của các NHTM thì con số 10 tấn vàng đã cung ra chiếm tỷ lệ 50%. Việc
chuẩn bị thêm 12 tấn vàng cho đợt đấu thầu lần này cũng hoàn toàn nằm
trong chuỗi lôgic này.
Một chuyên gia về vàng khẳng định trên thị trường,
trước kia giá vàng được quyết định bởi thị trường. Nhưng nay NHNN độc
quyền nhập, dập và bán. Vậy NHNN đang thao túng giá vàng. Một khi NHNN
đã phát giá đi từ các phiên đấu thầu là cao thì giá ở thị trường thứ cấp
(doanh nghiệp – người dân) đều đặn cao và không có chuyện phá rào.
Giá vàng trong nước vẫn nằm trong thế ảo
Ảnh: Hoàng Long
Giá vênh cao - biểu hiện thị trường vàng bình ổn?
Vì vậy dù giá vàng giật cục, rớt về 39 triệu
đồng/lượng rồi lên 42 triệu đồng/lượng vẫn không phản ánh đúng biến động
của vàng. Giá vàng bất ổn cũng được các chuyên gia nhìn nhận là do một
tay NHNN và các TCTD làm nên. Bởi họ là người mua tích cực trên thị
trường và góp phần vào sự tăng giá ảo mạnh mẽ của thị trường vàng trong
nước, chứ không phải người dân. Chính người dân cũng đang ngần ngại bởi
khoảng cách giá quá lớn. Theo một lãnh đạo NHNN, qua chế độ báo cáo của
hệ thống, lượng mua của người dân có tăng lên nhưng không quá lớn, chỉ
khoảng vài nghìn lượng/ngày. Lượng cầu này không đủ tác động đến giá
vàng.
NHNN nói chỉ muốn bình ổn thị trường chứ không bình
ổn giá nhưng điều người dân quan tâm nhất lại là giá. Quan điểm về thị
trường vàng của NHNN và người dân không gặp nhau. Đơn giản người dân chỉ
biết rằng, giá vàng ổn định thì thị trường mới ổn định. Một khi giá
vàng trong nước vênh quá cao với giá vàng thế giới, có nghĩa là người
dân phải mua đắt, quyền lợi không được đảm bảo.
Điểm chung của 9 phiên đấu thầu là NHNN đưa ra giá
sàn cao hơn giá thị trường trong nước cùng thời điểm. Việc niêm yết giá
vàng ngoài thị trường "hậu đấu thầu” mang tính chủ quan do chính NHNN
mào đầu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhìn giá NHNN niêm yết, cùng
nhau đẩy giá lên, hoặc neo giá gây thiệt hại cho người dân. Thực tế,
người dân hiện đang mua giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới
đến 18- 20%. Các chuyên gia cho rằng, không thể gọi đây là dấu hiệu của
một thị trường vàng bình ổn.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý
Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, giá vàng thế giới giảm mạnh
nhưng giá vàng trong nước điều chỉnh không kịp, chênh lệch giá vẫn ở mức
cao. NHNN khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước khi
quyết định mua bán vàng bởi diễn biến giá thế giới hiện nay rất khó dự
báo.
|
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại
hối, NHNN cũng khẳng định, NHNN cũng không khuyến khích người dân chạy
theo đầu cơ mua bán vàng. Hiện việc đưa giá vàng trong nước tiệm cận
với giá vàng thế giới được hình dung như đi trên cái thang. Tức là nó
diễn ra khi nào NHNN làm xong nhiệm vụ bình ổn thị trường, sau đó đến
mục tiêu bình ổn giá.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh
vàng Việt Nam cho rằng, muốn có một cái nhìn chính xác về sự ổn định
thị trường vàng thì phải đợi sau ngày 30-6-2013, khi mà các NHTM hoàn
tất đóng trạng thái vàng.
Một chuyên gia kinh tế độc lập phân tích lộ trình:
vàng hậu đấu thầu được đưa ra thị trường rất ít, NHNN và TCTD đang trực
tiếp đẩy giá ảo cho thị trường. Sau khi việc tất toán vàng đã hòm hòm,
NHNN vẫn tiếp tục cung ứng vàng. Lúc đó TCTD và DN ngồi chờ thị trường
trong nước biến động theo thế giới, nếu giá cao thì bung hàng đã gom
được trong lần đấu thầu 1 ra bán. Giá thấp thì mua vào.
Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện
trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH &ĐT) khuyến cáo, giá vàng
trong nước vẫn đang nằm trong thế ảo, và có thể bị xì hơi nên nếu đầu
tư vào vàng với quan điểm đầu tư ngắn hạn thì người dân phải cẩn trọng
tránh bị thiệt hại. Ông khẳng định, tất cả các kênh đầu tư vàng, chứng
khoán, bất động sản… còn tiềm ẩn rủi ro cho người chơi nếu như công cuộc
tái cơ cấu kinh tế không được làm triệt để.
Thúy Hằng