Giá thế giới tăng trở lại sau cú rớt mạnh nhất 3 thập
kỷ, trong nước cũng bật nhanh lên trên 41 triệu đồng một lượng, giúp
những đơn vị trúng đấu thầu buổi sáng được phen hời.
> Chen nhau mua vàng sợ giá lên
> Mục tiêu sát giá thế giới còn xa vời
> Dự trữ vàng các nước bốc hơi hàng chục tỷ đôla
Vào lúc 14h10, Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua vào -
bán ra 40,5-41,2 triệu đồng một lượng, lần lượt tăng 1,8 và 1,6 triệu
đồng so với mức mở cửa. Biên độ mua bán vẫn giữ ở mức khá xa.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đưa niêm
yết bán lên trên vùng 41 triệu đồng, mua vào bán ra lần lượt 40,2 và
41,1 triệu đồng một lượng. Trong đó, giá bán ra tăng tới 2,5 triệu đồng
so với mức đáy của buổi sáng, và giá mua vào tăng 700.000 đồng.
Sau cú điều chỉnh mạnh tay đầu giờ chiều, các doanh
nghiệp có ý giảm nhẹ, nhưng sau đó lại tiếp tục tăng theo diễn biến thế
giới. Chốt ngày, DOJI mua bán ở 40,5-41,3 triệu đồng một lượng, còn SJC
niêm yết 40,7-41,4 triệu đồng, vênh xa so với mức trúng thầu buổi sáng.
Kết thúc phiên đấu thầu thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước bán được 25.700
lượng vàng cho 11 đơn vị, với giá dao động 38,7-38,92 triệu đồng mỗi
lượng.
Đây là lần hiếm hoi sau bảy phiên đấu thầu liên tiếp,
các đơn vị có thể nhìn thấy mức lãi hàng triệu đồng ngay sau trúng đấu
giá. Các phiên trước, Ngân hàng Nhà nước đặt giá khá sát mua bán thực tế
của doanh nghiệp, hơn nữa thị trường thế giới có xu hướng giảm sau đấu
thầu, vì thế biên lợi nhuận cho các nhà buôn vàng không nhiều. Đặc biệt
phiên 12/4, giá trúng thầu cao nhất là 42,98 triệu nhưng sang sáng hôm
sau, giá thế giới chỉ còn 37,2 triệu đồng và tiếp tục đi xuống dưới 36
triệu vào sáng thứ hai.
Thông thường, ngay khi đặt lệnh mua vàng, các đơn vị
tham gia đấu thầu đã phải thu xếp được mối bán. Vì vậy, ngay cả khi giá
giảm so với mức trúng đấu thầu, và hai ngày sau mới được lấy vàng, hầu
hết các đơn vị đều không lỗ.
Đà tăng giá trong nước chiều nay, ngoài lý do hậu đấu thầu, còn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến thế giới.
Thị trường quốc tế lần đầu tiên tăng trở lại sau ba phiên giảm thê thảm
và liên tiếp. Bước vào giờ giao dịch châu Âu, giá giao ngay trên bảng
Kitco.com tăng nhanh qua 1.370 USD một ounce rồi chốt phiên cận kề mốc
1.400 USD, tăng hơn 44 USD so với mở cửa tại châu Á. Giới phân tích
phỏng đoán có thể lực mua tăng trở lại khi nhận thấy giá về vùng hấp
dẫn. Nhưng một số chuyên gia vẫn khá thận trọng.
"Thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh, dù thực tế cho
thấy nhu cầu mua vàng vật chất đang tăng lên khi giá giảm mạnh", chuyên
gia của hãng Barclays nhận định.
Áp lực bán tháo và sự
hoảng loạn của giới đầu tư khiến giá vàng quốc tế ngày 15/4 rớt
giá mạnh nhất kể từ năm 1983. Mỗi ounce vàng giao
ngay chốt phiên New York ngày 15/4 mất hơn 125 USD. Đến khi mở
cửa ngày 16/4 lại tiếp tục 'bốc hơi" thêm 20 USD. Đến gần 9h,
giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá quanh 1.335 USD, tương đương 33,7
triệu đồng một lượng.
Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Đà giảm
này đã đánh mất một nửa mức tăng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
năm 2008 và thấp hơn 550 USD so với đỉnh cao kỷ lục 1.920,3 USD một
ounce đạt được vào tháng 9/2011.
Các doanh nghiệp giảm mạnh giá mua vàng trước phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Anh Quân |
Khi thị trường vàng giảm mạnh trong ngày 15 và 16/4,
kinh tế thế giới hầu như không có nhiều thông tin đột biến, ngoài chỉ
số sản xuất của Mỹ tốt hơn dự báo. Các chuyên gia thế giới cho rằng
thông tin Síp bán vàng dự trữ vẫn ám ảnh giới đầu tư. Một vài người
phỏng đoán có thể giới đầu tư đang phải bán cắt lỗ và thu tiền mặt để bù
đắp ký quỹ.
Dự báo của hàng loạt tổ chức tài chính lớn cũng góp
phần đáng kể vào xu hướng của thị trường. Ngày 10/4, Tập đoàn Goldman
Sachs giảm dự báo giá vàng năm 2013 xuống 1.545 USD một ounce từ 1.610
USD trước đó. Dự báo cho năm sau cũng chỉ còn 1.350 USD một ounce.
Goldman cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc giá vàng bật lại là điều
không thể. Mức giảm này có thể còn nhanh và mạnh hơn dự đoán".
Ngân hàng Societe Generale trước đó cũng cho biết giá
vàng đang trong thời kỳ bong bóng. Tài sản của Quỹ tín thác vàng SPDR
Gold Trust ngày 11/4 giảm khoảng 1.200 tấn xuống thấp nhất kể từ tháng
6/2011 và tiếp tục bán thêm 4,3 tấn trong phiên 14/4. Deutsche Bank
cũng hạ dự báo giá vàng năm 2013 thêm 12% với lý do đồng USD đang mạnh
lên và nhu cầu mua vàng làm tài sản trú ẩn giảm đi.
Giá dầu thô cũng giảm mạnh theo vàng. Hợp đồng giao
dầu tương lai tại New York chốt phiên ở 87,17 USD, giảm 1,7%. Trong khi
dầu Brent tại London cũng xuống dưới mốc 100 USD mỗi thùng, lần đầu tiên
kể từ tháng 7 năm ngoái.
Trước áp lực giảm của thế giới, đầu giờ sáng, doanh nghiệp trong nước kéo giá thu gom vàng miếng xuống dưới 39 triệu đồng. Tập
đoàn DOJI niêm yết 38,8-39,6 triệu đồng mỗi lượng mua vào bán ra, rẻ
hơn hôm trước 2,2-2,9 triệu đồn. Giá mua vàng SJC tại Công ty Vàng
bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng giảm 1,85 triệu đồng chiều thu gom
và 1,95 triệu đồng bán ra, xuống còn 39-39,80 triệu đồng. Công ty
Đầu tư Vàng Phú Quý lúc này mua bán ở 38,7-39,6 triệu đồng, giảm lần
lượt 2,3-2,8 triệu đồng. Đây là lần hiếm hoi các doanh nghiệp trong
nước giảm giá mạnh như vậy theo đà thế giớí.
Sáng nay, nhà quản lý tiếp tục đấu thầu phiên thứ 7
để cung ứng thêm 26.000 lượng ra thị trường. Theo lý giải của
Ngân hàng Nhà nước, việc liên tiếp tổ chức đấu thầu vàng
miếng là nhằm tăng cung, ổn định thị trường chứ không phải
nhanh chóng kéo hẹp giá.
Sau 7 phiên chào thầu tổng cộng 222.000 lượng vàng,
Ngân hàng Nhà nước đã bán được 183.900 lượng, tương đương gần 7 tấn.
Bình quân giá trúng thầu cao nhất là 42,64 triệu đồng một lượng, trong
khi bình quân giá bán của SJC vào thời điểm bắt đầu các phiên đấu thầu
là 42,85 triệu đồng, còn giá thế giới bình quân đạt 38,78 triệu. Các chỉ
số này khiến giới quan sát trở nên mơ hồ về mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước với thế giới.
Lệ Chi