THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 March 2013

Toàn cảnh vụ tàu cá Việt Nam bị tàu TQ bắn cháy



(Kienthuc.net.vn) - Ngay sau khi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy đen, Bộ Ngoại giao, Hội nghề cá và nhiều chính trị gia đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho ngư dân.

Ngày 20/3, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn cháy

Sáng ngày 20/3, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 do thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh lái đánh bắt trên vùng biển truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy nóc cabin. 

Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh cùng các thuyền viên tập trung dập lửa, đồng thời giữ cho được lá cờ Tổ quốc giương cao trên nóc tàu. Sau khi tàu cá QNg 96382 trở về đất liền sửa chữa, chính quyền địa phương huyện Lý Sơn đã kịp thời đến động viên, thăm hỏi và có chính sách hỗ trợ ngư dân khôi phục tàu, tiếp tục ra khơi. 

Sáng 24/3, sau hai ngày neo tạm tại đảo Lý Sơn, tàu cá QNg 96382 cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) để sửa chữa hư hại, sau khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy nham nhở. 

 Tàu cá QNg 96382 bị bắn cháy đen, nham nhở. (Ảnh theo Người Lao động)
Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh kể: Khoảng 8h15 sáng 20/3, khi đang lặn bắt hải sâm ở khu biển thuộc Hoàng Sa thì tàu của anh gặp tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 786. Khoảng 30 phút sau, tàu Trung Quốc áp sát tàu của anh, sau đó nổ liền 4 - 5 phát súng vào cabin, ca bin bốc cháy dữ dội.
 
Khi lửa bốc cao thiêu cháy cabin, anh em thuyền viên ai nấy đều hoảng sợ, nhưng anh Thạnh vẫn hết sức bình tĩnh, hô hào anh em múc nước biển dập lửa. Lá cờ Tổ quốc ở nóc cabin, lửa bén gần tới nơi, anh Phải (một thuyền viên trên tàu – PV) liều mình lao vào vừa dập tắt lửa vừa cuộn nhanh lá cờ không để lửa cháy. Đám cháy dập tắt, lá cờ được cắm trở lại trên nóc cabin còn lại bộ khung.
 
Ngày 25/3, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng sớm ngăn chặn hành động này để bảo vệ ngư dân

Ngày 25/3, Hội Nghề cá Việt Nam gửi văn bản kiến nghị đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất của ngư dân đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương, phản đối những hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện ý đồ xâm lược chủ quyền biển đảo nước ta.

Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng đây là chuỗi hành động kéo dài, có hệ thống của Trung Quốc. Từ những hành động gây khó khăn, cản trở sản xuất, uy hiếp, đến nay Trung Quốc đã dùng vũ lực đe dọa tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam. Sự leo thang đó của Trung Quốc nhằm thực hiện ý đồ lớn hơn đó là xâm lược chủ quyền biển đảo nước ta.

Trước những hành động đó của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp hiệu quả, tạo sức mạnh tổng hợp, ngăn chặn ngay những hành động ngang trái của Trung Quốc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đạo Tổ quốc.

Ngày 26/3, trên VnExpress, ông Phùng Đình Toàn, Phó chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi khẳng định, tàu của Trung Quốc bắn tàu cá của ngư dân địa phương vào ngày 20/3 không phải là lần đầu tiên. Trước đây, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc bắn, rượt đuổi. Cách đây khoảng 3 ngày, tàu cá của ông Phạm Phước ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cũng bị tàu Trung Quốc lấy mất 42 bộ bóng đèn hành nghề lưới nên phải bỏ ngang chuyến đi biển trở về.

Cũng theo ông Toàn, từ đầu năm 2013, gần 20 trường hợp tàu cá Quảng Ngãi hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc quấy rối, dùng vòi rồng gây vỡ kính, hỏng máy, bắn đạn lửa làm cháy tàu... gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân. 

Ngày 25/3, Bộ ngoại giao trao công hàm phản đối Trung Quốc bắn tàu cá của ngư dân Việt Nam

Ngày 25/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 20/3 một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết  vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
 
"Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam", ông Lương Thanh Nghị tuyên bố:
 
Ông Nghị cũng cho biết, ngày 25/3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.

Ngày 26/3, Trung Quốc bóp méo sự thật vụ bắn tàu cá Việt Nam

Ngày 26/3, Giới truyền thông Trung Quốc dẫn lời Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận trắng trợn thực tế về việc tàu Trung Quốc đã bắn cháy tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa hôm 20/3.

Trước báo giới ở Bắc Kinh, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bóp méo sự thật bằng tuyên bố: "Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý”. 

Ông này còn ngang nhiên nói rằng: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy”. 

Tuy vậy, người phát ngôn Trung Quốc lại từ chối trả lời các câu hỏi liệu có hay không việc tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Việt Nam và liệu tàu Trung Quốc có phải tàu chiến hay không.

Ngày 26/3, Mỹ lên tiếng vụ tàu Trung Quốc bắn tàu cá Việt Nam

Trước phản đối của Việt Nam về việc Trung Quốc bắn vào một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa, ngày 26/3, Bộ ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và cho biết đang tìm hiểu sự việc.

Tàu bị cháy nham nhở nhưng các thuyền viên cố hết sức để bảo vệ cờ Tổ quốc không bị cháy. (Ảnh theo Tiền Phong)
Đồng thời Bộ ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh Mỹ kiên quyết phản đối các bên sử dụng biện pháp đe dọa hoặc dùng vũ lực để tuyên bố về lập trường chủ quyền của mình ở những vùng lãnh thổ còn đang gây tranh cãi.

Ngày 26/3, các bộ, ngành chung tay ủng hộ chủ tàu cá bị cháy

Ngày 26/3, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã trao 30 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và chương trình Tấm lưới nghĩa tình hỗ trợ cho ông Bùi Văn Phải - chủ tàu cá QNg 96382 vừa bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Quỹ Hỗ trợ Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trích 40 triệu đồng hỗ trợ chủ tàu và ngư dân bị nạn mỗi người 2 triệu đồng.

Từ ngày 25/3, các chính trị gia lên tiếng

TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Cảnh báo bước leo thang mới

Sự kiện tàu có vũ trang của Trung Quốc bắn cháy nóc tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thứ nhất, hành vi này đã vi phạm tới chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm các quyền chính đáng của Việt Nam với các vùng biển liên quan mà chúng ta có quyền hợp pháp theo Công ước Luật Biển 1982.

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, những người đi biển đã chia sẻ khó khăn với nhau để cùng chống lại thiên tai, nhân tai, phải cứu giúp và cưu mang nhau. Nên có thể khẳng định đây là hành vi trái đạo lý của Trung Quốc. Và có thể coi là một bước leo thang mới hết sức nghiêm trọng của phía Trung Quốc trong tính toán chiến lược của họ là dần dần khống chế biển Đông.

Luật sư - tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ: Không còn là đe dọa vũ lực mà là sử dụng vũ lực trực tiếp

Trước đây TQ chỉ đe dọa bằng lời nói và thực hiện các hành động mang tính chất hành chính, ít nhiều còn giữ kiềm chế ở mức dân sự, nhưng hành động gần đây nhất thể hiện sự leo thang hết sức nguy hiểm, đó là đẩy lên mức độ bắt đầu dùng vũ lực trực tiếp xâm phạm các quyền, chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Đây không còn là sự đe dọa vũ lực nữa mà là sử dụng vũ lực trực tiếp. Xét trên tất cả các hành vi của Trung Quốc, ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng Trung Quốc đang vi phạm một cách thô bạo pháp luật quốc tế.
 
Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng một cách đồng bộ và tinh vi. Họ không ngượng gì khi sẵn sàng nói dối một cách trắng trợn rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ. Trung Quốc dã tâm lấn biển bằng những biện pháp cụ thể như đưa tàu thuyền ngư dân áp chế, tàu ngư chính xuống phía nam giám sát, tuyên bố những thời vụ cấm đánh bắt hải sản. Bước tiếp theo là đưa tàu quân sự xuống tập trận.
 
Từ thực tế, lời nói, trên phương diện ngoại giao cũng như thông tin tuyên truyền đã thể hiện rõ dã tâm của Trung Quốc là bằng bất kỳ mọi giá phải xuống phía nam, độc chiếm biển Đông, mặc dù họ luôn nói là sẵn sàng giải quyết bằng hòa bình, đàm phán. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi bắn vào tàu cá Việt Nam

Trước sự việc Trung Quốc bắn vào tàu cá ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo hai nước cần phải có những cuộc gặp trực tiếp, trao đổi thẳng thắn, đưa ra giải pháp thực sự rõ ràng. Nếu xảy ra trường hợp tương tự, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm…”.

Vụ việc Trung Quốc nổ súng bắn vào tàu cá mang số hiệu QNg96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20/3, tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã làm cho ngư dân thêm lo lắng, bất bình vì nó ảnh hưởng đến tình mạng và tài sản của họ.

Sự việc đã xảy ra, chúng ta nên có cuộc gặp gỡ giữa hai bên để làm rõ những nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể. Trên cơ sở đó tránh tái diễn những trường hợp tương tự. Là một nước nhỏ cũng có những thiệt thòi nhất định, nhưng khi đã động chạm đến sự thiêng liêng của Tổ quốc thì chúng ta cũng phải có biện pháp cứng rắn hơn

Chúng ta không nên chỉ phản ứng trên báo chí cũng như gửi công hàm thông thường. Chúng ta cần phải có những cuộc gặp trực tiếp, trao đổi thẳng thắn, đưa ra giải pháp thực sự rõ ràng, minh bạch trên cơ sở hai đảng, nhà nước đã thỏa thuận. Phải có sự cam kết trách nhiệm trên biển Đông, nếu xảy ra sự việc như nào thì trách nhiệm cũng phải quy như vậy.

Tôi nghĩ rằng nhà nước ta cũng phải xem xét lại cách ứng phó cho phù hợp để vừa bảo đảm sự hòa bình ổn định nhưng vẫn công bằng. Không thể trước sự đe dọa hay sức ép của một nước lớn mà chúng ta lùi bước hay nhượng bộ. Quan điểm của chúng ta phải kiên trì về ngoại giao, tìm mọi cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Thế nhưng nếu Trung Quốc không điều chỉnh vẫn cứ o ép mình quá thì tức nước sẽ vỡ bờ, vì sự chịu đựng cũng có giới hạn. Chúng ta cũng phải có biện pháp mạnh mẽ quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam là không để một mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc rơi vào tay kẻ khác.

Thuần Lương (T.H)