Thứ Tư, 27/03/2013 23:56
Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình nhưng lại cho phép nhận phong bì sau khi điều trị vì đó là “quà nghĩa tình”
Ngày 27-3, lần đầu tiên Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hàng trăm lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế; trong đó có cam kết nói không với phong bì “trước và trong điều trị”.
“Vén áo bệnh nhân cũng phải xin phép”
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới, ngành y tế không chỉ tập trung rút ngắn quy trình, nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh mà còn phải thay đổi những quan niệm về người thầy thuốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tới đây, nhân viên ngành y “vén áo bệnh nhân
lên khám cũng phải xin phép”. Ảnh: TẤN THẠNH
Bệnh nhân cần sự giải đáp rõ ràng, tận tình từ nhân viên y tế. Ảnh chụp tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội
“Không ở đâu như nước ta, từ lâu đã hình thành một văn hóa giao tiếp không giống ai. Ở trong Nam, người dân dù trẻ hay lớn tuổi, kể cả người già, khi đến bệnh viện (BV) đều “dạ, thưa bác sĩ”. Trong khi đó, ở miền Bắc, không ít bác sĩ, điều dưỡng luôn xưng hô với nhau mày - tao”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Dẫn chứng cho cách ứng xử “rất riêng” này, bà Tiến kể: “Một ông bí thư tỉnh ủy vào BV thăm người thân, đến cửa khoa khám bệnh hỏi nhân viên BV thì bị quát “suốt ngày toàn người hỏi hoài”. Đến khu phòng bệnh, thấy mấy điều dưỡng đang đứng buôn chuyện, ông vào hỏi phòng bệnh nhân thì một cô hất hàm “có chỉ dẫn hết trên tường đó”! Theo bà Tiến, dù đó chỉ là một vài “con sâu” nhưng đã gây bức xúc cho người dân, tạo cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm đối với người thầy thuốc nói riêng và ngành y nói chung.
Tới đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế để khi “vén áo bệnh nhân lên khám cũng phải xin phép”. Thậm chí đến bảo vệ, người giữ xe cũng phải được tập huấn để giao tiếp đúng mực.
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng nếu bác sĩ, điều dưỡng biết nói từ “cảm ơn” bệnh nhân thì mọi việc sẽ khác. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt về vị thế của bệnh nhân trong BV, từ đó tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa người bệnh và BV.
Thừa nhận thực trạng ít cười, thiếu niềm nở của nhân viên y tế khi tiếp bệnh nhân và khám - chữa bệnh, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bày tỏ: “Nhiều lần tôi nói với nhân viên của mình rằng đừng bao giờ cảm ơn tôi vì tôi không mang tiền của nhà đi trả lương cho họ mà chính là người bệnh. Vì thế, cần thay đổi quan niệm về bệnh nhân. Đừng bao giờ biện bạch cho việc ít cười là do áp lực công việc”.
Không “cảm ơn” lại “tê tê buồn buồn”!
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu từ giám đốc đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết “nói không với phong bì”. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị, còn sau đó lại là vấn đề khác.
“Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói “nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được”. Quà này là quà nghĩa tình. Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Mục, cần thay đổi quan điểm “bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc”. “Nếu cho phép bác sĩ nhận phong bì sau khi điều trị dễ nảy sinh tâm lý chờ đợi bệnh nhân cảm ơn và nếu họ không cảm ơn thì lại “tê tê buồn buồn”. Tại sao bệnh nhân - khách hàng đem tiền đến cho BV, nuôi sống các bác sĩ mà họ lại phải đi cảm ơn? Tại sao bác sĩ không chủ động cảm ơn bệnh nhân, chủ động cúi chào bệnh nhân?” - ông Mục đặt vấn đề.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, cho rằng bản thân bệnh nhân và người nhà cũng không muốn đưa phong bì nhưng do tâm lý muốn được điều trị tốt nên họ buộc phải “dấm dúi”. Vì thế, ngoài yêu cầu bệnh nhân cam kết không đưa tiền hoặc quà cho nhân viên y tế trong quá trình điều trị thì BV cũng phải cam kết sẽ bảo đảm sự điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu ai khúc mắc có thể phản ánh tới lãnh đạo BV thông qua đường dây nóng hoặc hòm thư góp ý.
Góp ý thêm, lãnh đạo một số BV cho rằng nên linh động trong chuyện “phong bì”. “Giữa rất đông người, nếu cứ giằng co, đùn đẩy chiếc phong bì có khi sẽ tạo ra hình ảnh phản cảm và tâm lý không tốt nên có thể y - bác sĩ vẫn phải nhận, sau đó trả lại cho bệnh nhân hoặc nếu bệnh nhân cố tình ép bác sĩ nhận phong bì rồi quay phim chụp ảnh thì sao?” - một bác sĩ băn khoăn.
Vào bệnh viện là bị mắng
Theo ông Phạm Đức Mục, một cuộc điều tra nhỏ mới đây cho thấy chỉ 8% người được hỏi cho biết chưa từng bị cán bộ y tế mắng khi vào BV; trong khi có đến 80% bệnh nhân bị mắng, 12% có người nhà bị mắng. “Vào nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, khách hàng đều được cúi chào, được đón tiếp nồng nhiệt. Không có nơi nào mà khách hàng lại bị mắng như dịch vụ khám - chữa bệnh tại Việt Nam” - ông Mục lo ngại.
|
Bài và ảnh: NGỌC DUNG