Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng ở nước ta, không ít bạn đọc đề xuất biểu tượng quốc hoa là… hoa hồng.
Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đều có sự lựa chọn biểu tượng quốc hoa, mang ý nghĩa khí chất, khí phách quốc gia mình. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điều bất ngờ nhất, và cũng thật đáng chú ý. Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng ở nước ta, không ít bạn đọc đề xuất biểu tượng là… hoa hồng.
Hoa hồng “nở” trên giấy, sắt thép, bê tông…
Vì sao hoa hồng, vốn là biểu tượng lớn nhất về Tình yêu, cũng là biểu tượng quốc hoa từ lâu của đất nước Bungari- mệnh danh xứ sở Hoa hồng, giờ lại được đề xuất, trong một trạng thái cảm xúc trái ngược, bất bình, một trạng thái tâm lý bị tổn thương. Đó là sự Căm ghét?
Có hoa hồng tây- và có hoa hồng ta. Hoa hồng tây mập mạp, ăn khỏe, hoa hồng ta yếm thế hơn…., đều giống nhau ở chỗ, là loài hoa rất kiêu kỳ, khó tính, đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng.
Có điều, loại hoa hồng mà bạn đọc bình xét, lại là loại hoa hồng “phàm ăn” đến độ, có thể “nở” được ở bất cứ môi trường “chất đất” nào- trên giấy, trên bê tông…, như một bạn đọc báo Đời sống đã thốt lên. Bởi đó là loại hoa hồng mang tên % (phần trăm) do vấn nạn tham nhũng trồng và chăm bón.
Oái oăm, hoa hồng, mà chả phải… hoa hồng.
Hoa hồng nở giữa thiên nhiên có hình hài, có mầu sắc, có hương thơm.
Hoa hồng %, chỉ nở giữa hai bên “đối tác” làm ăn, có duy nhất- mùi “đồng”.
Thực ra, tiền hối lộ, và tiền hoa hồng có khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam (TP. HCM) trong một lần trả lời phỏng vấn, từng phân biệt rất rõ:
Tiền hoa hồng là khoản tiền trả cho công sức môi giới một giao dịch. Người nhận khoản tiền đó, hoàn toàn không phải nằm trong vị trí có thể trực tiếp hay gián tiếp quyết định sự thành bại của mối giao dịch.
Còn tiền (ăn) hối lộ là người nhận tiền có một vị trí trực tiếp (hay gián tiếp) có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch. Hoặc chưa cần phải nhận, chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn thôi, để quyết định cho giao dịch thành đạt. Như vậy, điểm quan trọng nhất để phân biệt tiền hoa hồng hay tiền hối lộ là vị trí của người nhận tiền.
Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố ngày 14/3 mới đây, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm chưa từng thấy. Các DN đều bi quan…
Nhưng hoa hồng % vẫn nở tưng bừng, khi môi trường kinh doanh khó khăn (năm 2012) càng tạo dư địa cho tham nhũng (biến tướng). Nếu như PCI 2011 nổi lên tham nhũng vặt, thì hiện tượng này đã giảm đi trong PCI 2012. Nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên. Có 42% DN đã trả hoa hồng (%) cho cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011.
Cụ thể, so với năm 2011, ngành xây dựng cơ bản có 42,5% DN phải trả hoa hồng để có hợp đồng, tăng 12%, chiếm tỷ lệ cao nhất. Con số này ở ngành dịch vụ/ thương mại, là 35,4% DN, tăng gấp đôi. Thấp nhất là ngành sản xuất, nhưng vẫn có 34% DN phải trả hoa hồng (tăng gần 4%). Báo cáo cũng cho biết, các DN có liên quan đến các cơ quan chính phủ thường có hành vi chi trả hoa hồng… cao hơn(?)
Còn ông Edmund Malesky, Trường ĐH Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nhận xét: Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng càng hoạt động lâu ở Việt Nam càng phải tăng hối lộ. Do đó, họ rất lo ngại mỗi khi Nhà nước ban hành giấy phép hoặc chính sách mới (Tăng tham nhũng, lo ngại hối lộ, ngày 14/3…)
Trong khi đó, vụ việc Vinakhủng vẫn đang để lại những hệ lụy đau xót, không biết sẽ đi về đâu.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 19/3, Dân trí đưa tin, các thủy thủ Vinashinlines (Tổng Công ty Hàng hải VN Vinalines) trên tàu Hoa Sen bị bỏ rơi, một lần nữa lại gửi thư về tòa báo kêu cứu. Vì số phận của họ đang sống lay lắt, đủ thứ “không”: Không tiền, không nước ngọt, không điện…, phụ thuộc vào con tàu nát có bán được hay không? Con tàu nát đang bị chìm, còn số phận họ trôi nổi, lặn ngụp giữa biển… nợ, mà họ không hề là thủ phạm.
Không phải ngẫu nhiên, mà báo chí mới đây, rộ lên việc đưa hình ảnh trang trại- dinh cơ hoành tráng của một ông chủ tịch tỉnh từng bị cách chức vì lối sống sa đọa. Và so sánh với hình ảnh bà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- Hye khi đi chợ, cầm theo chiếc ví sờn nội địa hiệu Sosandang chỉ trị giá 4.000 won (khoảng 76.000 đồng VN), đã không còn sản xuất hai năm nay. Trong khi lương một tổng thống của Hàn Quốc, như dưới thời ông Lee Myung Bak, vào khoảng 226,38 triệu won, khoảng 4,1 tỷ đồng VN.
Có lẽ sự khác biệt là quan niệm về thang giá trị, lối sống, và khác biệt cả cách kiếm ra đồng tiền chăng? Vì những đồng tiền mà bà Tổng thống Hàn Quốc kiếm được, hẳn nó tương xứng với lao động của bà, nên nó được tiêu dùng cũng …khiêm nhường, cần kiệm như cách bà dùng chiếc ví.
Không biết vị quan chức nọ làm chủ tịch tỉnh ở một tỉnh miền núi nghèo nhất, nhì nước đã được hơn… 40 năm chưa? Cũng không biết trong điền viên của ông, giữa bao nhiêu loài cây cảnh quý, hiếm, độc đáo, có loại hoa hồng nào không?
Hay với ông, hoa hồng chỉ “nở” giữa …quyền lực?
Và “nở” trên những số phận đáng thương
Sự phàm ăn của hoa hồng giờ không còn giới hạn, khiến cho hành vi của không ít kẻ trở nên quá bất nhẫn, tàn tệ.
Có hai câu chuyện thương tâm và xót xa, khiến người viết bài không thể không “chọn” là… điển hình. Bởi thứ hoa hồng này, giờ nó nhẫn tâm “nở” cả trên những số phận đặc biệt rất đáng thương, đáng ra phải được chăm sóc.
Câu chuyện thứ nhất: Quan xã ém tiền trợ cấp của người điên (Tiền phong online, ngày 14/3).
Có lẽ các cán bộ UBND xã Thanh Chi (Thanh Chương- Nghệ An) cũng mắc bệnh “điên” không kém, khi làm việc này.
Đó là từ năm 2007, anh Nguyễn Văn Đồng (bị mất trí, điên loạn từ năm 2000, đến mức gia đình phải dùng dây xích xích lại, kẻo gây hại cho dân làng), chỉ được nhận trợ cấp 120 nghìn đồng/ tháng. Năm 2004 được tăng lên 240 nghìn đồng. Bán tín bán nghi, ông Nguyễn Văn Mẫu, người cha khốn khổ lên tận UBND xã để hỏi.
Nhưng không, các cán bộ UBND xã không hề… điên. Như ông Chủ tịch xã này, rất tỉnh, khi trả lời ông Nguyễn Văn Mẫu rằng, chế độ chính sách cao nhất là vậy.
Khổ nỗi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Sự thật cuối cùng vẫn bị phơi bầy. Từ năm 2007, tiêu chuẩn cho “người điên” Nguyễn Văn Đồng là 240.000đồng/ tháng, xã chỉ trả 120.000đồng. Năm 2009, tăng lên 360.000đồng/tháng, xã chỉ trả 240.000 đồng.
Cuối cùng, hơn 2,8 triệu đồng, từng bị các cán bộ xã ỉm đi phải hoàn trả lại cho “người điên” Nguyễn Văn Đồng…
Hết người cha Nguyễn Văn Mẫu, đến lượt người mẹ Trần Thị Hóa (thôn Xuân Long, cũng thuộc xã Thanh Chi). Bà Trần Thị Hóa có đứa con gái Lê Thị Thùy Giang, 20 tuổi, bị u máu, rồi bại liệt. Cũng như ông Mẫu, bà phải “kiên trì” gõ cửa, vận động, cuối cùng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi cũng mới chịu hoàn trả hơn 2,8 triệu đồng… không phải của họ.
Rõ ràng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi không hề mất trí, chỉ lương tâm cán bộ, và lòng nhân tối thiểu của con người ở họ… bị mất, hay bị tê liệt thôi.
Người cha Nguyễn Văn Mẫu, bị đứa con điên loạn từng đánh chửi thậm tệ, ông không khóc. Nhưng lại khóc vì những cán bộ xã “tỉnh táo”, khi ông nghẹn ngào: Định ăn của ai chứ ăn của một đứa tâm thần như rứa, có tội không!?
Đáng hổ thẹn nhất, họ lại là những người thầy, người cô, hàng ngày luôn dạy học sinh sống thật thà, trung thực. Đó là ông Hiệu trưởng Văn Công Hiển, bà Phó HT Nguyễn Thị Liễu, ông Lê Thanh Đủ (thủ quỹ 2009- 2010), Đỗ Văn Doanh (thủ quỹ từ 2011 đến nay), bà Trần Vy Vân- kế toán.
Ngoài việc chỉ phát cho học sinh số tiền học bổng theo quy định cũ (lẽ ra phải là số tiền học bổng mới theo thông tư mới), điều bất ngờ nữa, nhà trường còn “kê khống” cả số lượng học sinh được nhận thưởng; “kê khống” cả năng lực học sinh, đôn từ khá thành giỏi, hưởng chênh lệch tiền thưởng.
Bệnh dối trá của ngành giáo dục bị xã hội lên án lâu nay, có khi còn được tích tụ chỉ vì những đồng tiền “bẩn” kiểu này?
Số tiền tham nhũng, ăn chặn được của các đối tượng đặc biệt nói trên không lớn. Nhưng nó cho thấy, thứ hoa hồng nhiều “độc tính” này sẵn sàng len lỏi, sẵn sàng mọc ở bất cứ môi trường nào, kể cả môi trường cần nhân tính nhất.
Cho thấy, lương tâm, nhân cách của một số cán bộ chính quyền cơ sở đã bị hoa hồng “tha hóa” tồi tệ.
Bungari vốn là đất nước của hoa hồng, của loài hương hoa thơm ngát thanh bạch, thanh khiết, thanh nhã. Dù vậy, xin đừng để nước Việt cũng được gọi là “đất nước của hoa hồng”, nhưng là của thứ “hoa hồng” lại quả, của % trao tay, rất tủi hổ. Thậm chí, có ý kiến nghe đắng ngắt, khi đề nghị chọn hoa xấu hổ là biểu tượng quốc hoa. Một xã hội biết xấu hổ là một xã hội có lòng tự trọng cao. Có thế, xã hội đó mới khá được.
Xương máu của các bậc tiền nhân đã đổ xuống, đâu phải để cho hậu bối giờ đây “trồng” những thứ hoa hồng ma quái, bởi lòng tham. Hơn 300 năm trước đây, đại thi hào Nguyễn Du vô tình đã là một thầy thuốc, có “xét nghiệm” rất tinh tế : Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê.
Nhưng ngược lại, nhiều ý kiến khác vẫn cho rằng, xét cho cùng, hoa hồng hay hoa xấu hổ, nếu thực sự là một biểu tượng kích thích lòng tự tôn, tự trọng của người Việt nhìn thẳng vào những khuyết tật, để tạo nên những đổi thay tích cực, từ những lỗ hổng, những khuyết tật của cơ chế, thì đều là những loài hoa đáng “ngưỡng mộ”.
Bởi đã qua lâu rồi, cái thời: Không tự ngắm mình/ Anh chẳng hay đâu/ Hỡi chàng dũng sĩ/ Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo (*)
Nhưng có thể đổi thay tích cực được không?
Chắc chắn rất khó, chừng nào mà xã hội còn bị thao túng bởi các “nhóm lợi ích”.
Theo TTXVN