THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 March 2013

KỶ NIỆM 87 NĂM NGÀY MẤT CỦA PHAN CHÂU TRINH (24/3/1926)


… Than ôi! Các anh thiếu niên ta ôi! Xin các anh sẽ giữ cái trí thông minh, lòng ái quốc, chầm chậm mà đi, thủng thẳng mà xét, biết một việc cho chắc một việc, nói một câu cho trúng một câu: số phận nước nhà là ở trong tay các anh. Các anh chịu khó một tí, gia tâm một tí, tìm cho đến cội rễ, học cho hết ngọn nguồn, trước phải hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới: làm sao là khôn, làm sao là dại, sau là quốc túy nên giữ gìn, sao là tệ hại phải chấm dứt, các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục.

Sao các anh không mở mắt mà xem gương Á đông ta, Nhật Bổn nó khôn ngoan, nó gặp văn minh Á-châu, nó chặt một dao với phong tục cũ, nó đi theo ngay lối mới, nó kiêu người Cao Ly, nó kiêu người Tàu, hai nước ấy cứ xăn văn mãi, tiếc cái phong tục cũ, không chịu theo mới đến khi nó đến nơi rồi nó trở lại nó đè đầu cỡi cổ, cứ nhắm mắt giữ khư khư lấy phong tục mất nước, đến bây giờ mới mở mắt ra, lại không chịu đứng ngay dậy tìm cho rõ sự đời rồi sẽ nói, cứ nói mơ màng tưởng tượng như người chiêm bao, thì nước nhà trông vào đâu, nòi giống trông vào đâu, chẳng lẽ còn đợi đến lớp cháu lớp chắt nữa sao?

(Thư trả lời anh Đông, 1925, Phan Châu Trinh)

Ảnh: Phan Châu Trinh năm 39 tuổi tại Mỹ Tho (1911)


KỶ NIỆM 87 NĂM NGÀY MẤT CỦA PHAN CHÂU TRINH (24/3/1926)

... Hẳn không phải ngẫu nhiên khi một học giả uyên thâm và tâm huyết như Hoàng Xuân Hãn nói rằng: "Những tư tưởng của Phan Châu Trinh cơ bản vẫn còn giá trị lớn đối với xã hội ngày nay". Còn nhà sử học Daniel Héméry thì viết: "Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bới chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận".

Những "nan đề đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận" là gì? Và đối với những nan đề đó "những tư tưởng của Phan Châu Trinh về cơ bản vẫn còn giá trị lớn" như thế nào?

Như chúng ta biết, lịch sử, do những éo le của nó, đã không đi theo con đường Phan Châu Trinh sáng suốt lựa chọn gần 100 năm trước. Nền độc lập dân tộc đã được giành lại không phải bằng một dân trí được nâng cao ngang tầm thời đại, mà bằng một cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt mà kẻ thù đã buộc chúng ta phải tiến hành, và chúng ta đã tiến hành thành công vẻ vang. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại và vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, phải chăng mặt khác cũng không thể không nhận rằng những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho nền độc lập tự chủ và sự phát triển của dân tộc mà Phan Châu Trinh đã nêu lên từ đầu thế kỷ XX, trong đó trung tâm là vấn đề Dân trí, nói theo cách nào đó, thì vẫn còn nguyên đấy. Lịch sử đã khiến cho nó còn dở dang. Và rất có thể chính sự dở dang đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của những tình hình xã hội khó ổn định của chúng ta hiện nay. Đó là một nhiệm vụ, một món nợ, mà lịch sử còn để lại cho chúng ta hôm nay: nhiệm vụ xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở dân trí được nâng cao.

Chính trong ý nghĩa đó mà những tư tưởng của Phan Châu Trinh đến hôm nay bỗng mang một ý nghĩa cập nhật lạ lùng...

(Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn, Nguyên Ngọc, 2002)