Hai người chết
Sáng 21.2, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đang điều trị một bệnh nhân nam 46 tuổi, ở Bình Lục, Hà Nam. Bệnh nhân thường xuyên uống rượu với lòng lợn, tiết canh. Hai ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân này có dùng bữa với món tiết canh khoái khẩu.
Tiết canh được bày bán tại Hà Nội - Ảnh: Bạch Dương |
Bác sĩ (BS) Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: “Bệnh nhân sốt cao, vật vã, ý thức lơ mơ rồi hôn mê. Các xét nghiệm cho thấy trường hợp này bị viêm màng não mủ do nhiễm liên cầu lợn (LCL)”.
Theo BS Cấp, ngoài thể viêm màng não, LCL còn gây nhiễm trùng huyết, là bệnh gây tử vong cao. Mới đây, 2 ca bệnh nhiễm LCL nặng tử vong đều bị nhiễm trùng huyết. Hai bệnh nhân này ở Nam Định nhập viện sau khi ăn tiết canh lợn. Mặc dù vào điều trị sớm khi có biểu hiện ban đầu là sốt cao, nhưng hai ca này có bệnh diễn biến rất nhanh, suy nhiều tạng: gan, thận, phổi, rối loạn đông máu nên không qua khỏi.
|
Tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, bệnh nhân Lê Văn N., 47 tuổi ở Thanh Hóa, nhập viện từ ngày 11.2, đang điều trị do nhiễm trùng huyết vì LCL; các mảng da màu tím thẫm phủ kín ống chân, bàn chân, cánh tay. Người nhà ông N. cho biết ngày cận tết, ông N. có tham gia giết mổ lợn và đến sáng mùng 1 tết thì sốt rất cao, rét run nên gia đình đưa vào bệnh viện huyện. Lúc này ông N. bắt đầu nổi ban đỏ thẫm ở chân, bệnh viện nghi sốt xuất huyết nên chuyển ông N. lên Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. “Chỗ chúng tôi không hề biết gì về bệnh lây từ lợn, không biết có phải nhiễm bệnh do tiết canh lợn”, người nhà ông N. nói.
Ăn tiết canh để giải đen, nhập viện
Biểu hiện ban đầu của nhiễm trùng huyết do LCL là sốt cao, nổi các ban ngoài da từ đỏ đến thâm tím, từng mảng lớn, có hoại tử bong tróc từng đám da trên cơ thể. Nhiễm trùng huyết gây tắc mạch máu, chết mạch máu nuôi dưỡng khiến hoại tử các đầu ngón chân, tay, có trường hợp phải cắt bỏ chi do hoại tử.
“50% bệnh nhân nhiễm LCL cho biết có ăn tiết canh lợn, ngoài ra, nhiều người liên quan đến giết mổ, chế biến thịt lợn”, BS Cấp cho biết.
Theo BS Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư: “Với các ban ngoài da, nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết. Chẩn đoán nhầm có thể làm chậm quá trình điều trị hoặc không đúng phác đồ”.
|
Các BS cảnh báo các địa phương cần chấn chỉnh về an toàn thực phẩm. Ngay từ 2 tuần trước tết, số ca nhập viện do LCL tăng cao, liên quan đến mật độ giết lợn, ăn tiết canh để “giải đen” cuối năm tăng lên. Trong các ngày nghỉ tết và ngay sau tết vẫn có bệnh nhân, vì lúc này nhiều người lại ăn tiết canh lợn đầu năm để lấy vận “đỏ”.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua liên tục 12 ca nhập viện điều trị các bệnh do nhiễm LCL. Các bệnh nhân từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, trong đó 2 ca tử vong. So với các tháng trước đó, số bệnh nhân tăng rất cao khá dồn dập, liên quan trực tiếp đến giết mổ, chế biến thịt lợn và đặc biệt là ăn tiết canh lợn.
Tuyệt đối không nên ăn tiết canh!
Ở Việt Nam thường có thói quen dùng các món tiết canh chế biến từ máu sống lấy từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn, bò, thậm chí uống máu sống lấy từ rắn. Chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) nói: “Các nước phương Tây không bao giờ dùng món tiết canh; ngay cả bộ đồ lòng, nội tạng của các con vật (như lòng gà, mề gà...) cũng là đồ thải đối với họ. Tiết canh bản chất là máu sống mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con vật: lợn, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh. Nếu lợn đang mắc bệnh thì nguồn máu của nó sẽ chứa vi trùng, vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, người dùng tiết canh từ con vật này sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh như LCL, hay nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu...”. Gà, vịt đang nhiễm bệnh, thường gặp nhất là bệnh cúm, thì người dùng tiết canh của chúng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cúm A/H5N1, H1N1. “Chưa nói, thời gian qua liên tục phát hiện nhiều vụ heo bệnh, gà bệnh, hay chưa qua kiểm soát giết mổ được giết mổ, vận chuyển trái phép; ngoài ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh diễn ra rất nhiều, nên việc dùng tiết canh heo, gà, vịt là có nguy cơ rất cao nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe”, BS Ký nói.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm, nhấn mạnh: “Tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, thịt chưa nấu chín vì có thể nhiễm liên cầu lợn, dễ mắc bệnh viêm màng não mủ. Hiện vẫn còn tình trạng bán hoặc chế biến món ăn này tại gia đình. Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người dân nói không với các món chứa mầm bệnh nguy hiểm”.
Trong các năm qua, số lượng ca mắc bệnh do LCL ở người thường có xu hướng tăng cao vào thời điểm xảy ra dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn. Nguyên nhân do khi lợn nhiễm vi rút gây bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy yếu khiến vi khuẩn phát triển mạnh lên, nguồn lây nhiễm sang người dễ dàng hơn. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận các ca nhiễm LCL ở những người vừa tham gia giết mổ lợn ốm. Hiện tại, LCL chưa lây trực tiếp từ người sang người. Thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm có xu hướng gia tăng các ca mắc LCL. Đây được cho là thời điểm thuận lợi cho LCL phát triển, nguy cơ lây lan mạnh hơn.
|
Liên Châu - Thanh Tùng