THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 February 2013

Ăn tết, nhiều trẻ "nuốt" luôn dị vật và ngộ độc hóa chất

(TNO) Ngày 20.2, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, trong thời gian tết vừa qua, đã có nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật, ngộ độc phải cấp cứu.
Từ hốc dị vật...
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, khoa tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi bị hóc, sặc dị vật. Nguyên nhân chủ yếu do phụ huynh lo dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách không để mắt trông nom các bé.
 
Nhiều trẻ được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 do hốc dị vật - Ảnh: Nguyên Mi
Trong đó, có những ca nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp bé trai N.B.N (3 tuổi, ngụ Đắk Lắk). Trong lúc chơi một mình, do ba mẹ bận rộn không để mắt trông coi, bé N. đã bẻ gãy nút bấm của một chiếc bút bi để nghịch. Khi chơi trò thổi chiếc nút thì không may bé đã hút luôn nó vào miệng và bị sặc.
Đến ngày hôm sau, thấy N. ho dữ dội, khó thở, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện địa phương. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để cấp cứu.
Chẩn đoán cho thấy bệnh nhi bị ứ khí một bên phổi. Các bác sĩ đã phải nhanh chóng nội soi để gắp chiếc nút bấm bút bi màu xanh nằm ở phế quản của bé ra ngoài.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng vừa tiếp nhận nội soi cấp cứu cho một bé bị sặc hạt dưa và một bé bị sặc hạt hướng dương lọt vào phổi.
Đặc biệt, còn có cả trường hợp bóng đèn của chiếc điểu khiển ti vi lọt vào tận phổi bệnh nhi, được các bác sĩ khoa Hô hấp gắp ra.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận không ít ca hốc dị vật trong những ngày tết. Bác sĩ Lý Kiều Diễm, khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết về trường hợp bé trai N.T.Đ (chỉ mới 19 tháng tuổi, ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đã ngưng thở.
Theo lời kể của mẹ bé Đ. thì đang ngồi chơi, bé bị ho sặc sụa, tím tái và không thở được.
Kết quả chụp X-quang cho thấy một bên phổi của bé bị xẹp. Bé được nội soi cấp cứu và được lấy ra hạt hướng dương - thủ phạm nằm bít phế quản.
 
Nút bấm của chiếc bút bi được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 lấy ra khỏi phổi của bé N.B.N - Ảnh: Nguyên Mi
Bác sĩ Loan cho biết các trường hợp bị hóc, sặc, dị vật lọt vào đường hô hấp nếu không kịp thời phát hiện và xử trí thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, không để trẻ chơi, ăn các loại hạt có vỏ cứng hay bất cứ đồ ăn có nguy cơ hóc, sặc như đậu phộng, hạt điều…
Nếu không may trẻ bị sặc, hốc dị vật, với trẻ nhỏ, phụ huynh sơ cứu tống dị vật ra khỏi đường hô hấp của bé bằng cách úp sấp bé lên cánh tay mình, tay kia vỗ vào lưng. Với bé lớn hơn, phụ huynh đứng ra sau lưng, quàng hai tay dưới nách trẻ, úp tay lên chỗ chấn thủy rồi sốc mạnh về sau.
Sau khi làm động tác sơ cứu vài lần, dù trẻ hết sặc hay không phụ huynh vẫn phải đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng.
Đến uống nhầm hóa chất
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong thời gian tết vừa qua, cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do uống nhầm hóa chất. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp hai bệnh nhi ngụ ở Lâm Đồng và Bình Thuận uống nhầm… thuốc diệt cỏ, nhập viện ngày 7.2.
Bên cạnh đó, còn có các trường hợp khác là những em nhỏ sống tại nội thành TP.HCM nhập viện vì uống nhầm dầu hôi, aceton được đựng trong các chai nước suối, trà xanh...
Qua đó, các bác sĩ cảnh báo, để tránh tình trạng trẻ ngộ độc do uống nhầm hóa chất, phụ huynh nên lưu ý: chứa hóa chất trong các vật chứa an toàn, không chứa trong chai nước suối, trà xanh; để hóa chất tránh xa tầm tay trẻ em.
Theo bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh có thể sơ cứu bằng cách: mở miệng trẻ, không để tụt lưỡi làm ngạt thở; xem trẻ còn thở hay không, nếu không thở tiến hành thổi ngạt; lau sạch miệng và họng, lấy các hóa chất còn đọng trong miệng; xem tim còn đập không, nếu tim còn đập chỉ thổi ngạt, nếu tim không đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực, kết hợp thổi ngạt và ấn tim; nếu trẻ hôn mê nhưng còn thở, để trẻ nằm nghiêng về một bên; nếu hóa chất là những chất bay hơi (dầu hôi, xăng, aceton…) tuyệt đối không gây nôn vì có thể làm trẻ hít hóa chất gây viêm phổi.
Sau đó, phụ huynh phải nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tến gần nhất đề được xử trí ban đầu kịp thời.
Nguyên Mi