THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 January 2013

Hiếp pháp 1992, sửa đổi 2013 có phải của triều đại hậu Hồ?



Như Hà (Danlambao) - Nhân bàn về việc sửa đổi hiến pháp do nhà nước CSVN đang phát động nhân dân góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp, sau khi đọc kỹ toàn bộ dự thảo hiến pháp, tôi thật sự kinh ngạc, khi phát hiện thấy bộ hiến pháp này mang dấu ấn của bộ luật thời phong kiến, hơn là bộ hiến pháp thời hiện đại. Có chăng ngôn ngữ, câu từ được che đậy nhằm “mị dân” rất tinh vi, khéo léo. Nhưng cho dù sự che đậy có khéo léo, tinh vi đến đâu, nếu mọi người tinh ý, chịu khó nghiền ngẫm, sẽ chẳng mấy khó khăn để phát hiện ra những điều nghịch lý.

Điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao với một bản văn có tính chất đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như vậy, mà cho đến nay đã mấy chục năm, chưa có ai chuyên tâm phân tích, để phát hiện ra những điều nghịch lý như vậy! Những nhân sĩ trí thức, những luật sư có tầm học vấn và nghiên cứu luật của nhiều thế hệ trong và ngoài nước, tại sao lại ít quan tâm đến điều này trong một thời gian dài? Chí ít ngoài hiến pháp 1946, còn lại hiến pháp từ năm 1959 cho đến hiến pháp sửa đổi 1980, 1992 và bây giờ là hiến pháp sửa đổi 2013, đều không để ý. Phải chăng phát hiện của tôi có tính chủ quan, áp đặt, hay quá ghét đảng mà vu khống chăng ?

Mong rằng, sau khi tôi xin nêu lên những ý kiến có tính chất cá nhân, sẽ được mọi người góp ý phản biện, hầu làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Để mọi người tiên theo dõi và so sánh, tôi xin khái quát sơ lược bản chất và sự khác biệt của hai thể thức lập hiến pháp vẫn đang tồn tại trên thế giới. 

Trước hết là bàn về hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ được các thành phần ưu tú (không phân biệt đẳng cấp, tuổi tác, giới tính, chính trị, văn hóa...) trong xã hội soạn ra và do người dân toàn quyền quyết định thông qua việc trưng cầu dân ý, bao gồm ba yếu tố quan trọng được tóm tắt sau đây:

Hiến Pháp dân chủ. Những yếu tố quan trọng.

Yếu tố thứ nhất đồng thời cũng quan trọng nhất đó là yếu tố con người. Yếu tố con người là yếu tố chủ đạo, là cái gốc của mọi vấn đề được nêu trong hiến pháp. Vì vậy, chương đầu tiên cuả hiến pháp phải nêu về quyền, nghĩa vụ con người và quyền nghĩa vụ của công dân.

Điều đầu tiên của chương này phải nói về quyền cơ bản và thiêng liêng nhất, đó là quyền con người. Vì quyền con người là hạt nhân, là nền tảng cuả xã hội. Xem nhẹ quyền con người thì mọi vấn đề khác trong hiến pháp, nếu không trở lên vô nghĩa, thì cũng chỉ là hình thức, là dối trá bịp bợm mà thôi.

Quyền và nghĩa vụ công dân cũng vậy, hiến pháp được coi như là một khế ước xã hội. Ngoài các quyền, công dân phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết ghi trong khế ước, để cùng nhau thực hiện. Quyền lợi luôn phải đi đôi với nghĩa vụ mà bất cứ công dân nào cũng phai thực hiện (chúng ta cần lưu ý quyền con người khác với quyền công dân).

Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là việc lập lên bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là loại hình công cụ có tính đặc thù, có chức năng quản lý và điều hành xã hội. Bản chất và vai trò của bộ máy nhà nước dân chủ, được xác định do dân lập nên bằng hai cách. Một là bầu trực tiếp (phổ thông đầu phiếu). Hai là ủy quyền đaị diện (thông qua đại biểu quốc hội).

Bộ máy nhà nước này hoạt động được đều do tiền của của dân đóng thuế, bỏ tiền ra thuê họ làm công. Vì vậy bộ máy nhà nước này do dân lập nên, hưởng tiền lương của dân trả, thì phải vì dân mà phục vụ. 

Một điều được xác định là vai trò của bộ máy nhà nước là yếu tố rất quan trọng, có chức năng quản lý và điều hành xã hội, lại nắm trong tay quyền lực và tài sản xã hội, rất dễ lạm quyền, lợi dụng quyền lực câu kết với nhau để giành lợi ích riêng. Nếu không có biện pháp chế tài, phân chia và giảm bớt quyền lực, bộ máy nhà nước này rất dễ sinh biến. Cái công cụ phục vụ dân này, nếu có cơ hội sẽ tiếm quyền để trở thành bộ máy cai trị, bóc lột nhân dân. 

Vì vậy, để tránh cho việc lạm quyền, sinh biến trên, bộ máy nhà nước sẽ được hiến pháp qui định, cơ cấu thành ba cơ quan chủ yếu là lập pháp, tư pháp và hành pháp. Các cơ quan này đươc phân công có chức năng khác nhau và hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát lẫn nhau (thường gọi là tam quyền phân lập).

Với tầm quan trọng của yếu tố này, thì chương hai của hiến pháp sẽ là các điều qui định cho việc việc lập nên bộ máy nhà nước. Trong đó phải nhấn mạnh việc các nghành như tư pháp, quân đội, cảnh sát là phi chính trị, phi đảng phái.

Yếu tố thứ ba mới là các chương, điều của hiến pháp nói về các lĩnh vực quân sự, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... Tuy vấn đề địa chính trị rất quan trọng, nhưng các yếu tố trên đã thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, thì vấn đề lựa chọn thể chế chính trị dân chủ đa đảng là đương nhiên. Hiến pháp dân chủ cũng qui định lĩnh vực quân sự, an ninh, thanh tra... phải tuân thủ hiến pháp, phục vụ nhân dân và phi đảng phái, nhằm bảo vệ tổ quốc, ổn định trật tự xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Bộ luật của nhà nước phong kiến. Triều đại nhà hậu Hồ!

Đối chiếu với các yếu tố cơ bản trên của hiến pháp dân chủ, ta lấy bộ hiến pháp của nhà nước VN, đại diện cho một vài thế lực độc tài, độc đảng toàn trị còn xót lại trên thế giới. Ta thấy, các bộ hiến pháp trước như hiến pháp 1959 và 1980 và nay là hiến pháp 1992 hay dự thảo hiến pháp sửa đổi 2013, hoàn toàn trái ngược, đối lập với các yếu tố của hiến pháp dân chủ, kể cả về hình thức lẫn nội dung. Tuy đã được che đậy bằng những câu cú, ngôn ngữ rất mị dân, nhưng nó vẫn toát lên tính công thần cai trị, áp đặt, mệnh lệnh một cách rất tinh vi, lắt léo, phức tạp.
Bấy lâu nay, người ta chỉ chú mục vào công kích gay gắt cái điều 4 mà không biết, toàn bộ bản hiến pháp năm 1992 và bây giờ là hiến pháp sửa đổi 2013, đều thể hiện bản chất luật pháp của một nhà nước phong kiến thời hiện đại. 

Thay vì coi đất nước là của nhân dân. Đảng CSVN đã dùng xảo thuật ngôn ngữ, biến những điều quan trong nhất trong hiến pháp, nhằm chiếm đoạt đất nước, từ đất đai, của cải cho đến con người là của riêng “thiên tử” là đảng CSVN. Dùng luật pháp như một thứ công cụ, để cai trị và đàn áp nhân dân, như một nhà nước phong kiến trước đây

Chúng ta hãy xem phần mở đầu hiến pháp, một bộ luật quan trọng bậc nhất của quốc gia mà không đề cao vai trò con người, vai trò nhân dân, mà lại đề cao vai trò cá nhân, lãnh tụ. Chúng ta hãy xem những dòng sau "...Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời".(hết trích)

Khi dùng câu chữ (dưới), chứng tỏ đảng đã miệt thị, coi nhân dân như tôi đòi, ngu muội, cho đến việc đề cao công lao một người. Có khác gì là khẩu khí của một thiên tử thời phong kiến“...Trẫm được mệnh trời ban cho trọng trách dìu dắt muôn dân qua cảnh lầm than...” 

Ngay cả vấn đề lịch sử cũng bị lạm dụng xuyên tạc. Từ năm 1930 cho đến năm 1945, Đảng CS chỉ là một trong nhiều tổ chức cách mạng VN hoạt động chống thực dân Pháp, chứ không phải duy nhất. Cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 cũng vậy, do mặt trận Việt Minh với nhiều thành phần đảng phái chính trị, xã hội tham gia. Tuy không thể phủ nhận công đầu thuộc về đảng CS, nhưng sư thật lịch sử không thể bị bóp méo, kể công nhằm giành riêng cho mình cái quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Từ tư tưởng khai quốc, công thần, tự đề cao và đặt vai trò cá nhân lên trên hết, thông qua phần mở đầu hiến pháp, đảng CSVN đã có ý nhấn mạnh công lao, nhằm xác định vai trò “thiên tử” của HCM, ông vua của triều đại nhà hậu Hồ (Có tư liệu dẫn chứng ông HCM có gốc gác họ Hồ).

Để chứng tỏ kẻ kế thừa ngôi báu là đảng CSVN, hậu duệ của ông HCM, họ đã đưa phần I - CHÍNH TRỊ là phần nền tảng quan trọng nhất lên phần đầu. Ngoài điều 1 xác định sự toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta hãy phân tích các điều như sau: 

"Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2)

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Nhận xét: 

1 - Câu “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. 

Đã là nhà nước pháp quyền là một nhà nước phải đặt pháp luật lên trên hết, từ cấp cán bộ lãnh đạo cao nhất, cho tới công thần có công với nước, nếu phạm tội đều lấy pháp luật ra xét xử như người dân, thưởng phạt nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ. 

Nhưng như chúng ta đã biết từ xưa tới nay, chưa có trường hợp nào những ông quan cách mạng bị tội trước pháp luật, mặc dù tội ác của họ gây ra không nhỏ. Hàng vạn người dân vô tôi phải chết oan trong cuộc cải cách ruộng đất. Kẻ phải chịu trách nhiệm, chỉ nói vài lời xin lỗi và nhỏ vài giọt nươc mắt cá sấu ra chiều đau xót lương dân, hay kẻ gây ra thảm án trực tiếp chỉ bị giáng chức là nặng nhất và cuối cùng là huề cả làng, lại đâu vào đấy,

Mới đây thôi, kẻ đứng đầu chính phủ cùng phe nhóm đã tham nhũng, làm thất thoát hàng trăm nghìn tỉ đồng, đẩy đất nước đến bờ vực của sự sụp đổ kinh tế, hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản, hàng triệu người bị mất việc làm, khiến cho bao gia đình phải điêu đứng, khốn khó. Nếu chiểu theo luật pháp thì ông thủ tướng, tội nhẹ nhất cũng phạm vào khoản 2 điều 285 “Tội thiếu trách nhiêm gây hậu quả rất nghiêm trọng” với khung hình phạt có nể nang cũng phải 3 năm ngồi bóc lịch. Tội như vậy mà một dân biểu dám can đảm đứng lên chỉ xin đề nghị ngài thủ tướng từ chức thôi còn khó, thì thử hỏi như vậy có phải là nhà nước pháp quyền không?

Hãy xem nhà nước dân chủ pháp quyền như Thái Lan, như Ý chẳng hạn. Cái tội của ông thủ tướng Thaksin Shinawatra và ông Berlusconi, so với các quan cộng sản VN vào loại tép riu, chỉ đáng bị khiển trách chứ chưa đến mức bị kỷ luật. Vậy mà họ phải chịu sự xét xử của pháp luật một cách công bằng như thứ dân. Đó mới là nhà nước pháp quyền thực sự.

Vì vậy, thực tế những gì người dân chứng kiến bao năm qua, ở VN làm gì có nhà nước pháp quyền?Làm gì có ai là của dân, có ông cán bộ nào do dân trực tiếp bầu lên đâu và thử hỏi có ông bà đảng viên nào dám trung thực nói là tôi làm viên chức nhà nước, rồi mua quan bán chức là vì dân? Tất cả chỉ là khẩu hiệu mị dân mà thôi!

Vì vậy, bản chất của câu nói trên là phải hiểu như sau mới đúng thực tế: 

- Pháp quyền được nhà nước làm ra để dành riêng của nhân dân. 

- Do nhân dân ngu dốt, dễ cai trị, lên phải lấy pháp quyền làm phương tiện để đục khoét, bóc lột.

Vì nhân dân lúc nào cũng có tư tưởng chống đối, lên phải lấy pháp quyền làm công cụ để đàn áp, trừng trị. 

2 - "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Ở đây chúng ta thấy họ đã mập mờ đánh tráo khái niệm giữa quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước. Thực ra Bộ máy nhà nước chỉ là công cụ, tự thân nhà nước không có quyền lực, mà quyền lực thuộc về người làm chủ là nhân dân.

Nhân dân tạo dựng lên bộ máy nhà nước là một thể thống nhất, mà nền tảng là liên minh giữa các thành phần, giai cấp trong xã hội. Hiến pháp phải qui định, các bộ phận cấu thành tạo nên bộ máy nhà nước, ngoài việc vận hành theo chức năng và hoạt động độc lập, các cơ quan nhà nước phải kiểm soát và giám sát lẫn nhau, nhằm chia xẻ và giảm bớt quyền lực. Tránh cho việc các đảng phái, các nhóm lợi ích, nằm trong hệ thống nhà nước, lợi dụng câu kết với nhau, tạo nên quyền lực nhà nước để thâu tóm và chi phối, điều khiển các cơ quan công quyền, phục vụ cho lợi ích của riêng họ. Thực tế đã kiểm chứng, cái quyền lực nhà nước này đều do đảng nắm giữ, chưa bao giờ thuộc về nhân dân.

"Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 3)

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".

Nhận xét: Đã là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (điều 2) thì hà cớ gì nhà nước lại có quyền đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân đã làm chủ rồi, thì hiến pháp sẽ đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước chỉ là công cụ, thì làm sao đảm bảo và phát huy được quyền làm chủ của nhân dân? 

Rõ ràng, điều 3 không những mâu thuẫn với điều 2, mà còn chứng mính là quyền lực nhà nước thuộc về nhà nước, chứ không thuộc về nhân dân. Đây là sự lập lờ đánh lận con đen, đánh tráo khái niệm, tiếm quyền .

"Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4)

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Nhận xét:

Điều 4 là điều gây tranh cãi nhiều nhất trong dư luận suốt nhiều năm qua. Thực chất nếu tạm cho là không có điều 4, thì nội dung của bản hiến pháp cũng chẳng có thay đổi gì nhiều. Vì trên danh nghĩa đảng CSVN không đóng vai trò tham gia trực tiếp nhà nước. Đây là vấn đề phi lý nhất, đảng lãnh đạo, nhưng lại không có tính chính danh, vì không tham gia quản lý điều hành trực tiếp nhà nước. Nên không những đảng không chịu trách nhiệm trước pháp luật (trong hiếp pháp cũng không thấy có điều khoản nào qui định về các hoạt động của đảng), mà pháp luật cũng không có quyền trị tội đảng nếu đảng làm sai. 

1- "Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng" - Có khác gì khẳng định đảng coi Max-Lenin là thiên triều và kế thừa triều đại HCM

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình

Những câu khẩu hiệu có tính xáo ngữ, thực tế trái ngược với những điều họ nêu ra, đảng chưa bao giờ gắn bó mật thiết với nhân dân, lợi ích của đảng đối nghịch với lợi ích nhân dân, của dân tộc, nên không có việc đảng phục vụ nhân dân.

- Chưa bao giờ nhân dân có một tổ chức nào đại diện cho nhân dân, để được giám sát các hoạt động của đảng bằng bất kỳ hình thức nào. Mà ngược lại, nhân dân luôn chịu sự giám sát của đảng, do đảng đề phòng, lo sợ dân lật đổ.

Từ trước tới nay, từ khi nắm quyền lãnh đạo cai trị, trong cả quá trình dài, ta thấy đảng là một tổ chức hết sức vô trách nhiệm với dân, coi lợi ích đảng hơn lợi ích của dân tộc. Các quyết định của họ dù có sai trái và thực tế sai nhiều hơn đúng, nhưng chưa bao giờ nhân dân thấy họ thể hiện sự chịu trách nhiệm, ngoài việc mới đây ông TBT, xin chịu trách nhiệm với dân, với mấy câu xin lỗi là hình thức chịu trách nhiêm cao nhất.

Việc đưa đảng CSVN vào điều 4 là có chủ ý với hai mục đích:

- Một là thực hiện tính kế thừa cha truyền con nối, theo truyền thống phong kiến. Đảng CSVN là do ông HCM sáng lập và lãnh đạo. Công lao của ông đã được xác định qua phần “lời nói đầu”. Vì vậy ông được tôn thờ và trở thành một vị vua của một triều đại theo phong cách mới, lớp hậu duệ sau này (trong đảng CSVN) của ông phải được thừa kế.ngài vàng là điều đương nhiên

- Hai là hợp pháp hóa vai trò là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Đã là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, thì xã hội phải nuôi đảng, trả lương lãnh đạo cho đảng, điều mặc nhiên xã hội phải thừa nhận.

Tóm lại, đảng CSVN là thế lực “siêu nhà nước”quyền lực đứng trên pháp luật như bản chất của nhà nước phong kiến, Điều 4 cũng là điều kết thúc các điều quan trọng nhất. Đồng nghĩa với việc khẳng định lại vai trò lãnh đạo nhà nước mà điều 2,3 đã nêu trên.

Nhận xét chung: Bản sửa đổi hiến pháp 2013, nhìn chung về bản chất không có gì thay đổi nhiều. Những điều khoản quan trọng như điều 2,3,4, tuy có thay đổi, thêm thắt chút ít cho dịu lòng dân, nhưng cơ bản đảng vẫn nắm quyền lãnh đạo, quyền lực nhà nước vẫn tập trung thống nhất, các lực lượng vũ trang vẫn tuyệt đối trung thành với đảng, nhà nước và sau cùng mới trung thành với nhân dân. Các quyền cơ bản của nhân dân vẫn được gắn theo cái đuôi nhưng... phải tuân theo pháp luật.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải ghi nhận có một vài thay đổi nho nhỏ. Đó là việc đưa quyền công dân từ điều V của hiến pháp 1992, lên điều II của hiến pháp sửa đổi lần này và trong chương kinh tế, giáo dục... khoản 1 điều 54, đã bỏ thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo. Đó là hai điểm sáng đáng chú ý. Còn lại những điều khác, như điều 21 (mới) "Mọi người có quyền sống". Sau gần 70 năm bây giờ mới được đảng thừa nhận một cách cụt lủn, gượng ép.

Điều 120 (mới) về hội đồng hiến pháp, vẫn dưới sự lãnh đạo của đảng thì chỉ tốn cơm gạo của dân mà thôi.

Có một số điều đặc biệt đáng chú ý khác, đó là vẫn như các bộ hiến pháp trước đây, hiến pháp sửa đổi lần này còn nhiều bất cập, những điều khoản quan trọng cố tình bị lãng quên, như qui định về luật, về quốc phòng, về an ninh, tư pháp...

Hiến pháp là một văn bản gốc, tạo ra bộ khung pháp lý, qui định cho luật và văn bản khác được soạn thảo trong phạm vi hiến pháp, vì vậy phải có các điều khoản qui định về luật, các văn bản về luật và dưới luật, việc đề ra thời hạn làm luật phải qui định cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh tình trạng chưa cần ra luật đã rơi vào tình trạng vi hiến. hoặc cố tình treo, nợ luật như hiện nay.

Ví dụ: Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69)

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". 

Như vậy pháp luật đã tiếm quyền “lấn sân” hiến pháp và hiến pháp lại phải “ăn theo” pháp luật

Hay khoản 2 điều 59 ghi: "Ngân sách Nhà nước là thống nhất gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật". 

Phần thu chi ngân sách là phần quan trọng nhất lại do pháp luật qui định, vậy thì pháp luật lại “qua mặt” hiến pháp, hay hiến pháp chỉ làm nhiệm vụ tâng bóng, cho pháp luật sút bóng chăng?

Kết luận: 

Để kết thúc phân viết này tôi xin có đôi lời kết luận ngắn gọn như sau: Thông qua toàn bộ nội dung hiến pháp 1992 sửa đổi 2013, cho thấy đảng CSVN là đại diện của một nhóm lợi ích, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nấp sau nhà nước nắm mọi quyền lực trong toàn xã hội như hiện nay. Họ là người soan ra hiến pháp, hiến pháp là công cụ để cai trị và bảo vệ lợi ích của họ như chúng ta đã thấy. Người xưa đã nói “Triều đại anh minh, vua hiền tôi sáng, luật pháp lấy dân làm gốc, được làm ra để phục vụ dân. Ngược lại, dưới thời hôn quân bạo chúa, luật pháp được dùng như công cụ để cai trị bóc lột, đàn áp dân”. 

Liệu nhân dân có chấp nhận sự cai trị, có chấp nhận sống dưới sự kìm kẹp của các loại công cụ như hiện nay, có chấp nhận là thần dân của nhà nước phong kiến kiểu mới không? 

Nếu chấp nhận thì xin mọi người hãy là công dân ngoan ngoãn, góp ý kiến sửa đổi hiến pháp cho nhà nước. Đây cũng là điều mong muốn tột cùng của nhà nước, muốn nhân dân góp “ý kiến” càng nhiều càng tốt. Vì đó là thước đo, là chỉ dấu cho thấy sự thần phục của dân đối với đảng, với nhà nước, xem lòng dân có thuận theo đảng nữa không!

Hiến pháp là một bộ luật rất quan trọng. Nó không chỉ là nền tảng pháp quyền của một quốc gia, mà nó còn thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là cơ hội, để chúng ta tỏ rõ quyết tâm đòi hỏi phải có một bộ hiến pháp dân chủ thật sự, chứ không phải là góp ý kiến. Với mong muốn thay đổi đất nước, thoát khỏi cảnh độc tài độc đảng toàn trị, thoát khỏi cảnh bị áp bức bóc lột, thoát khỏi cảnh nghèo hèn, tủi nhục.

Nếu như mọi người ý thức được quyền làm chủ của mình. Rằng mình là người lao động, mình là người đóng thuế. Rằng đất nước này, dân tộc này là của chung và muốn được quyền lợi thì trước hết hãy thể hiện trách nhiệm.

Trách nhiêm cá nhân với tổ quốc, trách nhiệm với chính mình.

Điều quan trọng là phải thể hiện quyền làm chủ thông qua hành động, thay vì góp “ý kiến” sửa đổi hiến pháp, bằng quyền đòi yêu cầu nhà nước phải có một hiến pháp dân chủ thật sự. Hiến pháp do dân và của dân soạn ra. Đó là quyền đòi hỏi chính đáng của nhân dân - chủ nhân thật sự của đất nước!