THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 November 2012

Hãy thực hiện đi, đừng hứa nữa!



29/11/2012 06:38:09

 - Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã kết thúc. Theo ông Đỗ Đức Bình, tổ 6, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội thì "kỳ họp lần này đã thực sự khiến dân chúng quan tâm vì lần đầu tiên, chúng ta có hẳn một Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn những điều khiến dân chưa thỏa mãn, vẫn còn băn khoăn, nghi ngại".

Các loại chi phí tăng đang làm cho người nghèo thêm nặng gánh - Ảnh minh họa
Các loại chi phí tăng đang làm cho người nghèo thêm nặng gánh - Ảnh minh họa

Mừng vì vai trò của dân được củng cố

Theo dõi kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vừa rồi, ông tâm đắc nhất với nội dung gì?

Tôi thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội và thấy rằng, ở kỳ họp vừa rồi đã có những cái mới, hoàn thiện hơn so với các kỳ họp trước đó. Báo cáo tổng kết của các bộ, ngành rất chu đáo, đưa ra những Nghị quyết quan trọng. Đặc biệt nhất, theo tôi là tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Lần đầu tiên, chúng ta có hẳn một Nghị quyết về việc này khiến người dân chúng tôi thực sự vui mừng, tin tưởng, bởi qua đó sẽ phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần vào công tác chống tham nhũng.

Phải chăng, ý ông là trước đây vai trò làm chủ của dân chưa được đề cao?

Thực ra, vai trò làm chủ của dân đang ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, đâu đó sự thiếu dân chủ, không lấy dân làm gốc vẫn còn. Ví như vừa rồi, thuế nhà đất tăng lên gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi nhưng tôi thấy lại không hỏi ý kiến người dân. Bảng thu phí cũng chỉ ghi diện tích đất sử dụng và số tiền phải đóng mà không giải thích rõ như các năm trước (bên cạnh diện tích và giá tiền phải đóng thì ghi rõ giá thóc bằng nào, loại đất ấy là gì để người dân đối chiếu, tâm phục khẩu phục). Hay một số quy định pháp luật khi có hiệu lực rồi lại vấp phải sự phản đối của dân chúng, vì nó không sát tình hình thực tế, không được lòng dân. Do đó, Nghị quyết này là rất cần thiết vì sẽ thêm một lần nữa làm cho người dân tin tưởng vào Quốc hội.

Ông vừa nói là việc bỏ phiếu tín nhiệm này sẽ góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng. Cơ sở nào để ông tin?

Bây giờ, tham nhũng lan tràn, phổ biến quá! Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng cũng đã chỉ ra tham nhũng ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, đề cao công tác phê và tự phê đối với cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, tôi thấy có rất ít những chi bộ tự chỉ ra đồng chí nào tham nhũng, toàn là do báo chí, dư luận lên tiếng thôi. Do đó, với việc bỏ phiếu tín nhiệm này, dân sẽ biết ai tham nhũng, ai không để đưa ra quyết định giữ họ lại hay bãi nhiệm họ. Nhất là khi nó được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết cụ thể thì chắc chắn sẽ làm được.

Ông Đỗ Đức Bình, tổ 6, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Đỗ Đức Bình, tổ 6, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Sao không nghĩ cho dân?      

Vậy còn các phiên chất vấn tại kỳ họp lần này, ông đánh giá thế nào?

Cơ bản, các câu hỏi của các đại biểu đều đã trúng, đúng, đi thẳng vấn đề, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, những câu trả lời của các Bộ trưởng vẫn khiến người dân còn chưa thỏa mãn, băn khoăn, nghi ngại lắm.

Cụ thể, ông băn khoăn ở điểm nào?

Tôi băn khoăn nhất ở hai điểm là giá xăng dầu và y tế.

Các Bộ Công Thương, Tài chính cứ nói rằng giá xăng dầu của ta là theo giá của thị trường thế giới. Thế nhưng, tôi phân vân là nếu theo giá quốc tế thì xăng đó phải hoàn toàn do mình nhập. Đằng này, lượng xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo cho 1/3 nhu cầu của cả nước, còn lại 2/3 phải đi nhập. Vậy nhưng tôi chưa thấy ai tính toán xem 1/3 lượng xăng trong nước ấy tính giá bao nhiêu, chỉ thấy các ông ấy cho tăng đồng loạt theo giá quốc tế thôi chứ không có giải thích rõ ở điểm này.

Về y tế, Bộ trưởng giải trình rằng, tăng viện phí để đầu tư cơ sở vật chất. Sao không nghĩ cho dân mà cứ lo tăng giá, tăng phí này nọ thế?

Sao ông lại bảo người ta không nghĩ đến dân? Vì nghĩ đến dân thì mới tăng viện phí để có nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ dân tốt hơn chứ? Rồi giá xăng dầu thế giới giảm thì ta cũng giảm đấy thôi? Họ còn kêu lỗ ầm ầm kia mà.

Nghĩ đến dân á? Mấy lần viện phí tăng rồi nhưng tôi có thấy cải tiến được gì đâu? Vào viện vẫn là cảnh chen lấn, 2 - 3 người trên một giường bệnh đấy chứ, có khác gì trước khi tăng viện phí đâu?

Rồi xăng dầu bảo là phải công khai minh bạch nhưng người ta đã công khai những gì? Chỉ thấy họ công khai kêu than là lỗ, Nhà nước phải trợ giá. Nhưng lỗ mà sao tiền lương của lãnh đạo cao ngất ngưởng thế, mấy chục triệu đồng/tháng cơ đấy! Tôi có cảm tưởng, chúng ta mới chỉ tính đến việc kinh doanh có lãi chứ chưa nghĩ đến quyền lợi của dân. Đương nhiên, thu nhiều tiền từ dân thì đất nước sẽ giàu vì ngân sách lớn lên. Nhưng ngân sách ấy còn bị chi tiêu lãng phí, các tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát lớn thì bảo sao dân không xót, không bất bình được. Niềm tin của dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Hứa rồi để đấy thì cũng bằng hòa

Sau kỳ họp Quốc hội lần này, liệu niềm tin ấy có được cải thiện, theo ông?

Nếu thực hiện tốt việc công khai, minh bạch không chỉ đối với giá xăng dầu, bên cạnh việc ban hành những Nghị quyết mới, đặc biệt là Nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm thì chắc chắn, niềm tin ấy cũng sẽ được cải thiện phần nào.

Nếu có một mong muốn cho những kỳ họp Quốc hội tới, ông sẽ mong điều gì?

Có thể, Quốc hội nên tăng phần chất vấn, cả về thời lượng và số đại biểu trả lời chất vấn. Bởi qua đó, dân cũng đánh giá được vị đó có hoàn thành trách nhiệm hay không. Nhưng cái trước mắt tôi mong nhất là các đại biểu đừng hứa nữa, hãy thực hiện đi! Hứa mãi rồi để đấy thì cũng bằng hòa thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Nhìn chung, những ý kiến chất vấn của các đại biểu đều đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của xã hội. Thế nhưng, đâu đó nguyện vọng, tâm tư của cử tri vẫn chưa được nhắc đến. Tôi là cử tri ở quận Cầu Giấy, trong những lần tiếp xúc Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chúng tôi đều gửi lên các đại biểu vấn đề nổi cộm của địa phương là tham nhũng đất đai. Thế nhưng, khi theo dõi phiên họp thì không thấy nói gì. Cũng có thể vì thời lượng họp Quốc hội không nhiều, không đủ để họ nói song như thế mình cũng thấy buồn".
Ông Đỗ Đức Bình
 
Vũ Thủy (thực hiện
)