>> Ngập nước, kẹt xe nghiêm trọng tại TP.HCM
>> Nam bộ: Triều cường lên cao
>> Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường do biến đổi khí hậu
>> Nam bộ: Triều cường lên cao
>> Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường do biến đổi khí hậu
Mưa sáng, ngập tới chiều
Sáng qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập chìm trong biển nước mà nặng nhất là khu vực Bàu Cát thuộc Q.Tân Bình, nơi chỉ trong vòng 5 ngày qua đã 2 lần bị ngập. Lần ngập này là nghiêm trọng nhất. Nhiều tuyến đường thuộc các quận: 2, 6, 7, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh cũng biến thành biển nước, mọi hoạt động gần như tê liệt.
Xe bị chết máy, người dân tát nước chống ngập trên đường Đồng Đen (TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Việt |
|
Tại Q.Tân Bình, trước cổng Công viên Bàu Cát (đường Đồng Đen) là rốn ngập, nước lênh láng. Rất nhiều xe cộ lưu thông qua đây bị chết máy. Nhân viên bảo vệ công viên cũng kê ghế ngồi bó gối, vì nước tràn vào gây ngập gần như toàn bộ khuôn viên công viên. Các quán ăn, tạp hóa khác trên đường Đồng Đen cũng tận dụng mọi thứ có thể trong nhà để ngăn nước dội vào nhà. Cả dãy hàng quán ngay góc Phạm Phú Thứ - Đồng Đen phải đóng cửa vì ngập nước.
Ông Nguyễn Trung Hải (chung cư số 1 Bàu Cát, KP.7, P.14, Q.Tân Bình), cho biết trước đây cũng ngập nhưng ít hơn, khoảng 2 năm trở lại đây khi đường Đồng Đen làm cống hộp, nước từ các nơi khác dồn về nên mỗi lần mưa là ngập kéo dài, làm xáo trộn đời sống người dân.
Ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, đến gần 3 giờ chiều hôm qua, dù nước đã rút khỏi nhà dân và hàng quán nhưng một số tuyến đường, vùng trũng của khu Bàu Cát vẫn còn ngập nước. Mưa vẫn tiếp diễn, vì thế nguy cơ tái ngập nặng vẫn còn.
"Tổ hợp" gây ngập còn tiếp diễn
Thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập), cho biết nguyên nhân ngập là do sáng hôm qua đã xảy ra một tổ hợp bất lợi là mưa lớn trùng với triều cường và xả lũ. Trận mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng với vũ lượng đến 60,6 mm (từ 4 - 5 giờ 30), trùng lúc đỉnh triều cường lên cao ở mức báo động 3 (1,50 m).
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết, chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ dứt mưa trong những ngày tới, do áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa biển Đông mạnh lên thành bão, cùng với gió mùa tây nam đang mạnh lên và dải hội tụ nhiệt đới cũng hoạt động mạnh thêm. Mưa to sẽ tập trung chủ yếu ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông, Tây nguyên, Nam Trung bộ và ven biển ĐBSCL, với lượng mưa có thể từ 30 mm cho đến trên 50 mm.
Trong khi đó, vùng hạ lưu các sông Nam bộ đang bước vào kỳ triều cường rằm tháng 8 âm lịch. Do kết hợp với lưu lượng xả khá lớn từ các hồ chứa thượng nguồn, mực nước đỉnh triều trong ngày sẽ lên nhanh vào các ngày tới. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ ngày 1.10 dự báo đỉnh triều cường tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai xuất hiện trong các ngày từ 1 - 3.10, với mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) ở mức tương đương báo động 3. Thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 4 - 7 giờ và từ 16 - 19 giờ, cũng là thời điểm thường xảy ra mưa lớn.
Như vậy là "tổ hợp" mưa lớn, triều cường và xả lũ sẽ tiếp tục gây bất lợi cho TP.HCM trong những ngày tới.
Áp thấp nhiệt đới thành bão
Tối 1.10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão thứ 7 hoạt động trên biển Đông và có tên quốc tế là Gaemi.
Hồi 19 giờ cùng ngày, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 8 (từ 62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng đông nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 2.10, tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía đông đông nam, với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62-88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng nam đông nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 3.10, tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ vĩ bắc; 115,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430 km về phía đông đông nam, với sức gió mạnh cấp 9 (từ 75-88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
M.Vọng
|
Mai Vọng - Hoàng Việt