Chợ Việt ở Budapest trước nguy cơ bị giải thể
11:12:am 30/09/12 | Tác giả: Đàn Chim Việt
Đầu tháng 9/2012, báo “Tin tức Hungary” đã đưa tin khu chợ trời Tứ Hổ khét tiếng, tọa lạc không xa trung tâm thủ đô Budapest, mà người bán đa phần là các thương gia Việt Nam và Trung Quốc, sẽ đóng cửa trong tương lai gần. Sau nhiều năm trì hoãn, chính quyền Hungary quyết tâm đóng cửa khu chợ nhiều bê bối này, và đã có một dự án cụ thể để thay thế cho khu chợ nói trên.
Quá khứ huy hoàng
Chợ Tứ Hổ nằm ở quận VIII (thủ đô Budapest), đã có gần hai thập niên tồn tại, và được coi là “bước đệm” ban đầu, là nơi khởi nghiệp lúc hàn vi cho đại đa số các doanh nhân thành đạt sau này của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.
Tứ Hổ cũng từng có thời là một trong những chợ trời hàng đầu – mang tính đầu mối – trong vùng Đông – Trung Âu, nơi lấy hàng của đông đảo các thương gia đến từ Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Rumania…
Chợ tọa lạc ở một khoảng đất trống rộng mênh mông, thuộc sở hữu của Tổng cục Đường sắt Hungary (MÁV), nơi cơ quan này để các công-te-nơ chứa hàng. Nơi đây từng là một vùng hoang vắng, cho dù nằm cách trung tâm thủ đô Budapest không xa, trong một vùng có nhiều nhà máy, khu công nghiệp của nước Hung thời xã hội chủ nghĩa.
Thời đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi nước Hung chuyển sang nền kinh tế thị trường, Luật Doanh nghiệp mới chính thức cho phép các cá nhân hoạt động buôn bán, phát sinh một nhu cầu rất lớn là người ngoại quốc – trong đó có người Việt – tại Hungary cần một địa điểm ổn định, thường xuyên và không quá hỗn loạn để kinh doanh.
Bắt được nhu cầu đó, một doanh nghiệp Hungary đã thuê lại khu đất từ Tổng cục Đường sắt Hungary, tạo thành một khu chợ trời thoạt đầu hết sức tạm bợ và đơn sơ – chỉ là những chiếc bàn có kèm tủ để đựng hàng đặt giữa trời không có mái che, sau đó thêm những quầy kín làm bằng thùng công-te-nơ chứa hàng.
Chợ Tứ Hổ, trong nhiều năm ròng, là nơi tập trung của đại đa số các doanh nhân Việt tại Budapest. Vào thời hoàng kim cuối thập niên 90 thế kỷ trước, những quầy hàng tại đây đã được trao tay, chuyển giao với giá chóng mặt (50-60 000 USD), và chợ thu hút được rất đông khách mua sỉ đến từ các nước lân cận.
Mối lo của chính quyền
Tuy nhiên, cho dù thu được nhiều tiền từ các chủ chợ, nhưng chính quyền địa phương vẫn coi Tứ Hổ như một địa điểm “có vấn đề”, là mối lo trong vấn đề quản lý ngoại kiều, an ninh và vệ sinh công cộng, cũng như xét trên mặt thuế quan, thuế vụ và cảnh quan đôi thị.
Truyền thông Hungary, khi nhắc đến Tứ Hổ, thường mô tả một cách giản đơn như nơi tập trung những hoạt động kinh doanh phạm pháp, “chợ đen”, lậu thuế, ảnh hưởng đảng kể đến doanh thu của nhà nước Hungary.
Quận trưởng quận VIII Kocsis Máté cho báo chí biết, các ước tính cho thấy nhà nước Hungary hàng năm thất thu tại chợ Tứ Hổ khoản thuế 12-15 tỉ Ft. Bên cạnh đó, chợ cũng là môi trường mà an ninh được coi là không đảm bảo: trong quá khứ, nhiều nhiều lần chợ bị dọa đặt bom, hoặc xảy ra những cuộc ẩu đả lớn.
Chính vì thế, ngay từ trước khi Hungary gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đã có những mong muốn từ phía chính quyền theo hướng giải tán chợ. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như chưa có nguồn đầu tư thích đáng cho khu vực này, và chính quyền địa phương tạm thời vẫn bằng lòng với khoản phí thuê đất thu được thường niên từ Tứ Hổ.
Như vậy, sau hàng chục năm bếp bênh, nhưng vẫn được gia hạn hoạt động hàng năm, chợ Tứ Hổ vẫn tồn tại như một chợ trời quy mô, còn lại duy nhất tại vùng Đông – Trung Âu, trong khi những cơ sở tương tự của cộng đồng Việt như Chợ Sân vận động 10 năm ở Ba Lan, hay Chợ Vòm ở Nga đã bị giải thể từ lâu.
Dự án tầm chính phủ
Tuy nhiên, theo tờ báo “Tin tức Hungary”, có nhiều tín hiệu trong dịp này cho thấy chính giới Hungary thực sự muốn thanh toán Tứ Hổ. Đặc phái viên chính phủ FIDESZ Gál András Levente trong thư gửi Tổng cục Đường sắt Hungary và Ban lãnh đạo quận VIII – nơi chợ tọa lạc – đã phân tích những lý do khiến chợ cần bị giải thể.
Một cách thẳng thừng, ngoài yếu tố lậu thuế và buôn bán bất hợp pháp, chính quyền Hungary còn nhìn nhận Tứ Hổ như một gánh nặng rất đáng kể cả về mặt an ninh lẫn vệ sinh cộng đồng đối với chính quyền địa phương. “Tin tức Hungary” cũng cho hay: hiện những cuộc đàm phán, thỏa thuận đang diễn ra ở tầm chính phủ, và nội các Hungary liên tục bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề liên quan tới chợ.
Xã hội Hungary cũng tồn tại một quan điểm “cảm thông” với sự tồn tại của hệ thống chợ trời nói chung, và chợ Tứ Hổ nói riêng, vì trên góc độ xã hội đây là nơi mua bán của giai tầng cư dân thu nhập thấp. Tuy nhiên, để phản bác, người đứng đầu chính quyền địa phương cho rằng vấn đề đã đổi khác từ lâu nay: theo ông, người nghèo cần có một nơi khác để mua bán những thứ họ cần với giá cả phải chăng, theo đúng luật định.
Vận mệnh của Tứ Hổ, theo những thông tin sơ bộ, gắn liền với một trong những kế hoạch trọng điểm được chính phủ cánh hữu Hungary hết sức quan tâm: đại dự án Ludovika, đã được phê chuẩn và sẽ đưa vào thực hiện cuối năm 2012. Theo đó, một khu đại học quy mô mang tên Đại học Công ích Quốc gia sẽ được hình thành bởi sự sáp nhập các trường vốn dĩ riêng lẻ, là Đại học Quốc phòng, Cao đẳng Cảnh sát và Cao đẳng Hành chính.
Là một phần theo dự kiến của đại dự án này, khu vực chợ Tứ Hổ sẽ trở thành một công viên thể thao: theo kế hoạch, tại đây sẽ xây sân bóng ném, sân bóng đá trên nền cát và trượt pa-tanh). Cũng tại nơi chợ Tứ Hổ hiện tọa lạc, dự kiến, Nhà nước Hungary sẽ xây các khu nhà mới cho cư dân thuê.
Ban lãnh đạo quận VIII muốn rằng trước khi các dự án nói trên được thực hiện, tốt nhất là chính quyền địa phương nên nắm giữ phần sở hữu của khoảng đất nơi có chợ Tứ Hổ. Điều này trong thực tế không có gì khó, vì chủ sở hữu Tổng cục Đường sắt cũng là một doanh nghiệp nhà nước và tất cả các bên có liên quan đều muốn chấm dứt sự hoạt động của Tứ Hổ, khu chợ tồi tàn và hoạt động khó quản lý.
Nói về tính khả thi của dự án, thoạt đầu, có nhận định cho rằng việc đóng cửa chợ Tứ Hổ sẽ gây ảnh hưởng không tốt trong mối quan hệ Hungary – Trung Quốc, vốn rất được chính quyền Hungary lưu tâm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi được biết chợ thực ra được vận hành chủ yếu bởi các doanh nghiệp Việt Nam và Ả Rập, thì mối nghi ngại trên cũng được giải tỏa.
Hiện tại, cộng đồng Việt tại Budapest đang rất quan tâm tới những diễn biến tiếp tới của dự án Ludovika. Trong trường hợp những nguồn tin báo chí và chính giới là chính xác, chợ Tứ Hổ sẽ bị giải thể trong vòng 150 ngày kể từ khi được thông báo, đặt nhiều gia đình, doanh nhân Việt vào cảnh hết sức khó khăn, khi Hungary vẫn chìm đắm trong cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế từ nhiều năm nay…
Nguồn: Hoàng Nguyễn- RFI
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
Khu chợ Việt tại Budapest sẽ bị đóng cửa?
Budapest tưởng niệm các nạn nhân CNCS và Quốc xã
Sao đỏ vẫn là biểu tượng bị cấm ở Hungary
Budapest Style
Cảnh sát châu Âu bắt giữ khoảng 60 người VN nhập cư trái phép
Vết nhơ ngoại giao (không thể giải thích) giữa Budapest