THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog
27 September 2012
Việt Nam sẽ khó vào Hội đồng Nhân quyền LHQ?
Việt Nam sẽ khó vào Hội đồng Nhân quyền LHQ?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-09-26
Sau khi bản án dành cho 3 blogger CLB Nhà báo Tự do được tuyên hôm 24 tháng 9, nhiều chính phủ và cơ quan quốc tế trong đó có cả người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ lên tiếng chỉ trích bản án mạnh mẽ.
Nói một đằng làm một nẻo
Vào cuối tháng 2 năm 2011, tại khóa họp lần thứ 16 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Thụy Sĩ, Việt Nam chính thức lên tiếng ứng cử vào cơ quan này nhiệm kỳ 2013-2016. Các cơ quan truyền thông trích lời Bộ trưởng Phạm Bình Minh (lúc đó là Thứ trưởng Thường trực) cho biết “Việt Nam cần tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ để cùng các nước thực hiện quyền con người”, nhấn mạnh rằng bảo vệ nhân quyền là “chính sách nhất quán của Việt Nam”.
Việt Nam gia nhập LHQ từ năm 1977. Từ giữa những năm 90, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thực hiện chủ trương “đa phương hóa”. Nhưng những nỗ lực về cải thiện nhân quyền của Hà Nội vẫn chưa thật sự gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế sau 35 năm trở thành thành viên 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, cũng khó có thể nói cánh cửa bước vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ khép lại trước Việt Nam.
Tuy nhiên, sau phiên xử bị chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế, từ Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ đến các cơ quan bênh vực nhân quyền và tự do ngôn luận như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, Ân xá Quốc tế… thì người ta càng có lý do để nghi ngờ về khả năng Việt Nam có thể giành lấy chiếc ghế tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Câu hỏi càng trở nên lớn hơn khi đúng một ngày sau khi phiên xử kết thúc, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về bản án dành cho ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải.
Thông cáo hôm 25 tháng 9 đánh đi từ Thụy Sĩ trích lời bà Navi Pillay nói rằng “bản án nặng nề của ba blogger là một ví dụ cho thấy những hạn chế trầm trọng của tự do ngôn luận tại Việt Nam”.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang thụt lùi nhanh chóng và nó sẽ cản trở con đường tiến vào Hội đồng Nhân quyền LHQ:
Những hành động này không phải là những gì mà thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ có thể làm. Và những thành viên của hội đồng này nên nói cho Việt Nam biết là nếu Việt Nam thực sự muốn có chiếc ghế ở cơ quan này thì không thể bỏ tù những người chỉ đơn thuần viết lên suy nghĩ của mình.
Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời vào tháng 3 năm 2006 sau nghị quyết A/RES/60/251 của Đại Hội đồng LHQ. Cơ quan nhân quyền này ra đời thay thế cho Ủy ban Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Committee) sau khi Ủy ban Nhân quyền LHQ bị chỉ trích vì có nhiều thành viên không có thành tích tốt về nhân quyền.
Hội đồng Nhân quyền LHQ chính là nỗ lực của LHQ nhằm cải tổ những điểm hạn chế của cơ quan tiền thân nên không có lý do gì nó sẽ mắc lại những lỗi lầm trước đó. Điều này cũng có nghĩa là việc xét duyệt trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng khó khăn hơn.
Phương châm của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam đang muốn trở thành thành viên là cân bằng, cải thiện và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. Một trong những khung pháp lý cơ bản làm nền cho hoạt động của cơ quan này là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Việt Nam đã thông qua và ký kết hai văn kiện quốc tế này nhưng có nhiều chỉ trích cho rằng Việt Nam chưa thực hiện đó.
Đàn áp tự do ngôn luận
Các băng rôn đòi tự do cho các blogger hôm 24/9/2012. Photo courtesy of chuacuuthenews
Trong thông cáo lên án bản án dành cho ba blogger, người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ cho rằng bản án “làm suy yếu cam kết của Việt Nam trên quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận”.
Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland cũng lên tiếng trong một thông cáo 24 tháng 9 nêu lên quan ngại về bản án của ba blogger và nhấn mạnh rằng bảo vệ nhân quyền sẽ là một bước cần thiết cho mối quan hệ hai nước.
Từ sau Đại hội ĐCSVN lần thứ 11, Việt Nam thực hiện chính sách hội nhập quốc tế. Trở thành thành viên của WTO, đang thương thuyết về Hiệp định tự do với EU, cũng hứng thú với Hiệp định Đối tác Xuyên TBD (TPP) và Hội đồng Nhân quyền LHQ… Việt Nam đang muốn chứng tỏ mình là một phần của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Shawn Crispin đại diện cao cấp Ủy ban Bảo vệ Ký giả nghi ngờ về vai trò lớn hơn của Việt Nam:
Việt Nam không còn là đất nước cộng sản bị cô lập như trong thời xưa nữa mà dường như đã là thành viên của cộng đồng quốc tế rồi. Tôi nghĩ đây là lúc mà cộng đồng quốc tế nên lên tiếng mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam. Ngoài những thành công về kinh tế thì Việt Nam phải có một vai trò lớn hơn về chính trị. Đây thực sự là lúc để chính phủ phương Tây biết rằng Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận. Việt Nam hiện tại như là một phiên bản mới của Miến Điện.
Theo thông tin của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, Việt Nam là nước đứng thứ hai tại Châu Á mà có nhiều nhà báo bị cầm tù nhất, trong đó đa số là giới blogger. Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam luôn bị tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp vào 10 nước là kẻ thù của Internet. Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm tháng 7 năm nay chính thức mở rộng định nghĩa nhân quyền trên một thế giới ảo trong đó cơ quan này xem tự do Internet là quyền cơ bản của nhân loại. Tuy đây không phải là một nghị định mang tính ràng buộc phát lý nhưng nó cũng có thể khiến Việt Nam “mất điểm” trước Hội đồng Nhân quyền LHQ khi Hà Nội bị các cơ quan quốc tế lên án về việc kết án các blogger sử dụng Internet để bày tỏ ý kiến.
Điều 69 Hiến pháp, điều 4 Luật Báo chí Việt Nam và cả điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đều là những công cụ nhằm đảm bảo những quyền cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận của người dân. Tuy nhiên nó sẽ không thực sự có giá trị cho đến khi người ta áp dụng nó vào cuộc sống. Tuân thủ một cách đúng đắn những gì qui định trong hiến pháp và pháp luật không chỉ nhằm hòa nhập vào cộng đồng quốc tế mà chính là chìa khóa để mang đến quyền lợi cho người dân và tạo nên một chính phủ vững chắc. Một chính phủ vững mạnh không phải là một chính phủ được hơn 3 triệu đảng viên hay quân đội ủng hộ mà đó là một chính phủ dựa trên niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng.