THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 September 2012

Kêu gọi dân “hy sinh vì thuỷ điện”: Như thế là tội ác

Cuộc sống bình thường là một cuộc sống có thể không khá giả nhưng yên lành, không nơm nớp lo sợ, không bất an thường trực trong bữa ăn và giấc ngủ hàng đêm. Cuộc sống của người dân ở hạ lưu thuỷ điện Sông tranh 2 hiện nay thực sự là cuộc sống bất bình thường, nhưng đau thương là ở chỗ họ không hề chọn cuộc sống đó.

Lý lẽ một cách tự nhiên và bình thường là: làng xóm có trước, người dân định cư trước đó hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, bỗng nhiên một ngày nào đó những nhà đầu tư đến đào bới, xây bờ đắp đập rồi từ đó, động đất làm đảo lộn toàn bộ đời sống cư dân. Khi mới xuất hiện lần đầu họ vẽ ra cho người dân hiền lành và thật thà một cái bánh vẽ thật hoành tráng giống như họ là “thiên sứ” đến mang lại hạnh phúc cho dân. Nào là tạo ra các khu dân cư mới tươi đẹp hơn, phụ nữ được tạo ra việc làm mới, con em họ được nhận vào làm các khu công nghiệp, các nhà máy, người già có nhà sinh hoạt cộng đồng, đường xá đi lại thuận tiện,…
Nhưng từ khi công trình mọc lên thì mọi sự bất hạnh đổ xuống. Không có gì bất công và khổ nhục hơn khi mà đang ở trong ngôi nhà yên lành lại bị ai đó nhân danh vì sự phát triển đất nước đến bắt phải đi chỗ khác tạm cư đến hơn mười năm, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên không biết đến “mái ấm” và bây giờ lại đến chuyện đang có nhà phải bỏ nhà làm lều, làm nhà bằng dăm cây cọc, bìa cạc tông để sống qua ngày.
Nếu đó là hành động của một nhà đầu tư nước ngoài thì còn cho là họ thiếu tình nghĩa, nhưng có điều lạ là các nhà đầu tư Việt Nam đang đối xử tệ bạc với chính đồng bào của mình.
“Đập thuỷ điện thì tồn tại hàng trăm năm, nhà dân thì ngắn hơn”
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ “Độ an toàn khi có động đất chỉ được tính cho đập thuỷ điện và nhà dân làm sao chịu nổi động đất cấp 8 hoặc cao hơn?” Ông Trần Văn Hải, trưởng ban quản lý thuỷ điện 3 – chủ đầu tư công trình thuỷ điện Sông Tranh 2, cho rằng: “Không thể lấy tiêu chuẩn xây dựng của nhà dân và đập thuỷ điện để tính chung được. Đập thuỷ điện tồn tại hàng trăm năm, còn nhà dân thì ngắn hơn, có tiêu chuẩn riêng của bộ Xây dựng. Đúng là nếu động đất cấp 8 thì đập an toàn nhưng nhà dân sẽ sập. Nhưng tôi đã nói đây là động đất kích thích, không phải vì thuỷ điện Sông Tranh 2 mà nó mạnh hơn, cùng lắm chỉ diễn ra sớm hơn mà thôi…” Và ông Hải cũng kêu gọi người dân nên chia sẻ, hy sinh cho thuỷ điện.
Mỗi khi sự cố xảy ra họ tìm mọi cách đổ cho khách quan, họ phủ dụ dân chúng rằng đừng lo, cứ yên tâm mà sống bởi các nhà khoa học đã nói “dân lo lắng là thừa vì thiếu hiểu biết”… Nhưng làm sao đừng lo được khi mà một ngày vài trận động đất ngay dưới chân mình? Hơn nữa ông trưởng ban quản lý thuỷ điện 3 còn lớn tiếng kêu gọi người dân “hãy nên biết chia sẻ và hy sinh cho thuỷ điện”.
Người dân thật khó mà nuốt trôi “lời khuyên” này, vì làm sao họ chia sẻ được với những người đang làm tổn hại đời sống của họ và con cháu họ. Thật sự thì, họ đã hy sinh rồi thì thuỷ điện mới mọc lên và họ tiếp tục hy sinh nữa thì ai sẽ là người hưởng lợi từ công trình này? Câu trả lời đã rành rành: đó là các nhà đầu tư và những người ăn theo, bởi đầu tư thuỷ điện cực kỳ lời, nước thì của trời, họ đầu tư đập, hồ nước một lần rồi thu lời nhiều chục năm sau. Phần người dân thì được gì? Thực tế còn chỉ ra, rất nhiều cộng đồng dân cư sống ngay bên cạnh các đập thuỷ điện mà không có lấy một giọt điện nào. Còn hơn thế, nếu như những nguy cơ hiện nay biến thành hiện thực trong một ngày nào đó thì tính mạng của người dân sẽ bị chôn vùi dưới hàng triệu mét khối nước. Sự hy sinh mà chủ đầu tư kêu gọi hẳn là có ý nghĩa chính cho việc kiểm điểm rút kinh nghiệm của nhà đầu tư lẫn cơ quan chức năng?
Thật chí lý khi mà nhiều người dân nói rằng họ mong vợ con, cha mẹ các vị có thẩm quyền, các nhà khoa học từng đến ngó dự án và các loại nhà liên quan đến con đập này, đến sống chung với người dân vài ngày để cảm nhận được cái giá của sự hy sinh. Nhà đầu tư không lo cho con đập, bởi vì nó được thiết kế “đảm bảo an toàn” và tồn tại nhiều trăm năm sau, và nhà đầu tư cũng không phải lo cho dân, bởi theo họ thì nhà dân tự thân nó có tuổi thọ ngắn ngủi hơn con đập, việc nứt sập lúc nào chỉ còn là chuyện của thời gian. Xin hãy hiểu thực sự đó là tội ác.
Giờ thì người dân chỉ còn “nhờ trời”
Không thể so sánh động đất kích thích ở Bắc Trà My với động đất kích thích ở Hoà Bình bởi diễn biến địa chất hoàn toàn khác nhau, cấu trúc nền móng của thuỷ điện Sông Tranh 2 quá xấu. Việc tích hay không tích nước cũng chỉ là để trấn an bởi thuỷ điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy nên ông trời mới là người quyết định việc này, khi lũ từ thượng nguồn đổ về.
PGS.TSKH Phan Văn Quýnh (đại học Khoa học tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích như trên trong cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.
Với mấy chục năm nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất – kiến tạo, đã từng tham gia nghiên cứu và khảo sát tại khu vực Sông Tranh 2. Tiến sĩ có thể lý giải tại sao thuỷ điện Sông Tranh 2 đặt không đúng chỗ?
Cái chết người của thuỷ điện Sông Tranh 2 ở đây đó là cấu trúc nền móng của nó rất yếu. Họ đặt cái nhà máy thuỷ điện trên nền các thành tạo granit. Mà cụ thể là các hợp tạo diorit, granodiorit, granit với tổ hợp khoáng vật bất lợi cho sự bền vững khi chúng bị nước tác động. Đá ở Sông Tranh 2 là một trong những loại đá chịu đựng kém nhất với các tác nhân phong hoá như nước, gió, mưa… Ở Hoà Bình, Sơn La mình xây đập trên đá bazan còn ở đây là trên các thành tạo granit, nó khác hẳn nhau. Có một số nhà khoa học phân tích động đất kích thích ở Bắc Trà My cũng giống như động đất ở Hoà Bình, theo quy luật lên tới mạnh nhất (không vượt quá 5,5 độ Richter) và sẽ đi vào ổn định dần. Tôi cho rằng phân tích này chưa chính xác và mang tính “an ủi”. Động đất kích thích gọi đầy đủ là động đất kích thích hồ chứa do khi xây dựng hồ chứa mà tạo nên. Nhưng động đất kích thích của Bắc Trà My nó hơi khác, vì nó liên quan tới đứt gãy và đứt gãy đang hoạt động, liên quan tới đặc thù kiến tạo. Các đứt gãy này còn đóng vai trò khuếch tán nước làm tăng cường các trận động đất kích thích, nên phải xếp riêng động đất của Bắc Trà My ra.
Tiến sĩ đánh giá thế nào về các giải pháp lắp đặt các thiết bị máy móc cũng như quyết định chưa tích nước vào thời điểm này?
Chúng ta biết mực nước chết của hồ Sông Tranh là 140 nhưng khuyết điểm lớn nhất ở đây khi xây dựng là không xây đập xả đáy, chỉ có năm cửa xả lũ ở cao trình 161 nên luôn luôn treo lơ lửng trên đầu nhân dân một cột nước 140m. Bây giờ là tháng 10, sắp tới mùa lũ về dù muốn hay không thì hồ cũng có mực nước 161m. Khi đó việc tích hay không tích nước không phải bởi con người quyết định, mà là ông trời.
Có một điều ai cũng chắc chắn là động đất sẽ mạnh lên. Nhưng sự tăng cường của các thiết bị do động đất cũng chỉ để ghi nhận kết quả không mong muốn này thôi, còn chả làm gì được tai biến ấy cả.
Thanh Tuyền
Vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư
TS Đào Trọng Tứ (giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu): “Người dân Bắc Trà My phải bỏ mảnh đất màu mỡ, tươi tốt ven sông, nơi sinh kế của họ để vào ở khu tái định cư “đã là một sự chia sẻ, hy sinh rồi”, nên một khi chủ đầu tư chưa làm tốt thì sao lại tiếp tục bắt dân hy sinh nữa! Không thể phủ nhận thuỷ điện là một nguồn tài nguyên lớn, lợi thế lớn của đất nước ta, nên có nhà khoa học đã gọi đó là “hồng phúc”, và thực tế thuở ban đầu xây dựng và khai thác thuỷ điện, các nhà máy thuỷ điện thường hướng đến đa mục tiêu: phát điện, cung cấp nước cho tưới tiêu, ngăn lũ như Thác Bà, Hoà Bình, Sông Đà… nhưng giờ đây, thuỷ điện đang được khai thác một cách cạn kiệt và hầu như chỉ mục tiêu duy nhất là phát điện – vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư.
Thực tế đến nay, chưa một đánh giá tác động môi trường nào mà làm một dự án thuỷ điện phải dừng lại vì lý do môi trường cả. Bởi lúc ấy, bao giờ lợi ích con số kinh tế sẽ thắng, dự án nào cũng khả thi cả, nhưng vấn đề anh trả giá thế nào thôi”.
Chí Hiếu

TS Nguyễn Minh Hoà