Khánh An, phóng viên RFA
2012-09-26
Hôm 24/9 vừa qua, phiên tòa sơ thẩm xử 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon diễn ra tại TPHCM với những bản án rất nặng. Khánh An trò chuyện cùng một số bạn trẻ VN về vấn đề này.
Bản án phi lý
Khánh An: Khánh An chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi. Ngày hôm qua, chúng ta biết là có một phiên tòa…
Lâm: Phiên tòa xử ba blogger.
Khánh An: Đúng rồi. Phiên tòa xử 3 blogger: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải. Ba blogger này bị xử những bản án rất nặng nề. Bản án dành cho blogger Điếu Cày là 12 năm tù giam và 5 năm quản chế, Tạ Phong Tần là 10 năm tù giam và 5 năm quản chế, còn AnhbaSaigon Phan Thanh Hải là 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Phiên tòa hôm qua thực sự gây chấn động không chỉ trong nước mà cả với quốc tế.
Hôm nay, Khánh An mời ba bạn trẻ tham gia chương trình để nói một chút về phiên toà cũng như những bản án dành cho các blogger. Trước khi bắt đầu chương trình, Khánh An mời ba bạn tự giới thiệu.
Lâm: Trước tiên, Lâm gửi lời chào đến Khánh An và những người bạn đang cùng trò chuyện. Mình tên là Lâm, năm nay 28 tuổi và hiện đang sống tại Sài Gòn.
Elbi: Mọi người hay gọi mình là Elbi, cũng hay viết blog. Hiện tại mình đang công tác tại một công ty chứng khoán tại Sài Gòn. Mình năm nay 27 tuổi.
Tiên: Dạ. Có vẻ như hai người kia lớn hơn em rất nhiều. Em là Mỹ Tiên, hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.
Khánh An: Khánh An một lần nữa chào đón các bạn đến với chương trình. Để bắt đầu chương trình hôm nay, Khánh An muốn đặt một câu hỏi là cảm nghĩ thực sự của các bạn sau khi nghe tòa tuyên các bản án dành cho các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon là như thế nào?
Mình thấy đó là những bản án hết sức phi lý vì người ta thực sự chẳng làm gì sai. Họ chỉ thực hiện quyền công dân. Thế mà những bản án đưa ra quá nặng nề. Thực sự mình rất sốc!
Lâm, Sài Gòn
Lâm: Đối với bản thân Lâm, lúc phiên tòa chưa đưa ra xét xử thì mình cũng có cảm giác là đã có bản án bỏ túi rồi và phiên tòa này có một sự dàn xếp trước. Thế nhưng mức án đưa ra thực sự đã làm mình sốc. Mình thấy đó là những bản án hết sức phi lý vì người ta thực sự chẳng làm gì sai. Họ chỉ thực hiện quyền công dân. Thế mà những bản án đưa ra quá nặng nề. Thực sự mình rất sốc!
Khánh An: Vâng. Đó là cảm xúc của Lâm. Còn Elbi và Tiên thì sao?
Elbi: Về phần bản thân mình, ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng bản tin về bản án dành cho các blogger thì thứ nhất là mình rất sốc. Nếu chúng ta so sánh bản án của anh Điều Cày với những vụ án trước như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long hay Nguyễn Tiến Trung, thì tội của 4 người trước đó là lập vô điều 88 - “tuyên truyền chống phá nhà nước” và cộng thêm tội nữa là “muốn lật đổ”. Ba blogger lần này chủ yếu viết blog thôi, có thể là “chỉ trích” hay theo họ nói là “xuyên tạc, chống phá nhà nước” gì đấy, (nhưng) rất sốc với bản án 12 năm tù, 10 năm tù và 4 năm tù. Sau khi cảm giác sốc qua đi, mình thấy cực kỳ thất vọng và chán nản đến mức không muốn nói gì đến nền tư pháp cũng như xã hội Việt Nam hiện tại nữa…
Lâm: Đúng rồi. Mình cũng đồng ý như vậy.
Elbi: … Mình thấy nó quá bất công. Rõ ràng như thế! Cho nên mình thực sự không biết nói gì hơn ngoài sự phẫn nộ ở đây. Thực sự là phải dùng từ “phẫn nộ”!
Phiên tòa bất công
Tiên: Dạ. Hoàn toàn có vẻ như em trái ngược lại hai anh. Không phải là không phẫn nộ, không phải là không sốc, mà thực ra em còn quá nhỏ, em không biết chú Điếu Cày và hai người kia. Em chỉ gặp chị Tạ Phong Tần khi đi lễ và hoàn toàn chưa tìm hiểu được ba người ấy như thế nào và coi những bài viết của ba người ấy. Ngày hôm qua có vẻ như là một ngày rất buồn đối với em. Buồn từ lúc sáng sớm em đi ra ngoài và thấy rất nhiều an ninh đến nỗi tụi em cảm thấy “Ôi, lực lượng của họ sao mà lớn quá!” và cảm giác là chỉ có ba người bị đưa ra tòa án thôi mà cả ngàn an ninh, rồi cơ động, du kích đủ thứ đưa ra chỉ để trấn áp ba người.
Thứ hai là đến phút em nghe được thông tin là có bản án rồi thì mới đầu em chưa cảm nhận buồn thực sự. Nhưng khi em nghe một người nói “Mười hai năm, quá dài! Bản án này quá phi lý, quá độc tài!”, thì em cứ suy nghĩ “12 năm, 10 năm, họ sẽ làm gì sau khi họ ra?”. Em cứ ngồi buồn như vậy cho đến hôm nay. Em không biết phải làm gì cho các anh chị ấy bây giờ. Em phải làm gì để có thể nói được là “Em yêu các anh chị ấy!” hay làm cách nào để họ được giảm bớt và được ra ngoài.
Khánh An: Ừ, như các bạn nói, những cảm xúc mà các bạn đang có, Khánh An tin là không phải chỉ có ở bản thân 3 bạn ở đây, mà có lẽ nó là những cảm xúc của rất nhiều người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới. Có nhiều người còn so sánh bản án 12 năm dành cho anh Điếu Cày chỉ vì viết blog mà thôi so với bản án 4 năm dành cho viên trung tá đã gây ra cái chết cho bố của Trịnh Kim Tiến. Thế thì các bạn có thấy là những bản án trên sai hay không và sai ở những điểm nào?
Xử công khai thì quyền của người dân, nhất là những người thân, là được phép vào tham dự phiên tòa. Đằng này, công an lại chặn tất cả những người đấy.
Elbi, Sài Gòn
Elbi: Mình xin phân tích một số điểm bất cập trong phiên toà này. Thứ nhất, nó vi phạm rất rõ quyền lợi của các bị cáo. Ví dụ như không cho bị cáo và luật sư của bị cáo tranh luận trước tòa, tranh luận với bên công tố về những điều khoản bị cáo buộc. Xuyên tạc cái gì? Chống phá cái gì? Nội dung như thế nào, ra sao? Họ hoàn toàn không cho bị cáo tranh luận. Tất nhiên Elbi không được trực tiếp tham dự phiên tòa cho nên những thông tin này đều từ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như từ luật sư của anh Điếu Cày phát biểu.
Cái thứ hai là nó (phiên toà) vi phạm rất rõ quyền lợi của những người, nhất là người thân của anh Điếu Cày, trong một phiên tòa xử công khai. Xử công khai thì quyền của người dân, nhất là những người thân, là được phép vào tham dự phiên tòa. Đằng này, công an lại chặn tất cả những người đấy. Thậm chí ngay cả bạn bè hay những người quan tâm tới phiên tòa cũng không được vào. Ngoài ra, theo mình nghĩ, chắc là những đài, báo cũng không được vào tham dự phiên tòa nếu chụp ảnh hay quay cảnh lại đâu.
Răn đe giới viết blog
Lâm: Lâm nghĩ sau khi đưa ra bản án thì vẫn còn phiên tòa phúc thẩm. Có thể người ta đưa ra mức án cao như vậy là để người ta cố tình hù dọa hay tạo áp lực lên giới viết blog và người ta cũng muốn coi thử dư luận quốc tế sẽ làm thế nào. Theo mình nghĩ, bản án này có thể sau sẽ giảm đi một và năm, có thể là không nhiều. Qua những chuyện hôm qua mình chứng kiến ngoài đường là tất cả những người bạn của mình bị chặn, bị bắt vào đồn một cách phi lý… nói chung tất cả mọi thứ đó quy về một mối là mình thấy sự hoảng loạn và sợ sệt của chính quyền đối với những người viết blog. Nhưng mình nghĩ tất cả những cái đó chắc sẽ không làm lay động ai vì thực sự mỗi người người ta có suy nghĩ và trái tim riêng.
Khánh An: Vâng. Thế còn Elbi? Elbi nghĩ thế nào?
Elbi: 12 năm cho anh Điếu Cày, 10 năm cho chị Tạ Phong Tần và 4 năm cho anh Phan Thanh Hải. Thông qua những bản án này, người ta muốn “giết gà dọa khỉ”. Rất rõ ràng! Tại sao một bản án chỉ về viết blog mà lại cao hơn rất nhiều so với bản án lật đổ trước đây của Lê Công Định hay là bản án của trung tá giết người Nguyễn An Ninh? Giết gà dọa khỉ, muốn ngay lập tức thông qua phiên tòa này, qua bản án này răn đe giới dân chủ hoặc tác động đến người thân của giới làm dân chủ, nhất là giới trẻ. Bởi vì sao? Bởi vì nếu mình là phụ huynh của một người trẻ nào đó có lý tưởng, hay viết blog hay tham gia biểu tình gì đấy, thì tất nhiên họ biết là “À, anh này tham gia viết blog này, anh này tham gia biểu tình này, 12 năm tù đó, thấy chưa con?!”. Tất nhiên ngay lập tức, họ sẽ ngăn cản. Điều đó có tác động tâm lý rất rõ ràng.
Em nghĩ một phần lớn là để trấn áp tất cả những người bất đồng chính kiến, để cho người dân của mình, cho giới trẻ Việt Nam thấy điều đó và sợ hãi.
Tiên, Sài Gòn
Khánh An: Vâng. Bây giờ thì Khánh An muốn nghe ý kiến của Tiên?
Tiên: Bản án đó, trên tất cả các trang web, em thấy họ đều nói là hoàn toàn phi lý và sai lệch. Chắc chắn là sẽ có sự kháng cáo và mong rằng sẽ có lợi hơn cho các anh chị ấy. Giống như các anh đã nói hoàn toàn đúng là họ đã làm một động thái rất lớn. Chị có biết ngày hôm qua, việc đàn áp những người mặc áo đen “Free Điếu Cày” hay “Tự do cho những người yêu nước” là những người đã bị đàn áp rất lớn. Họ bị đánh đến chảy máu, sưng đầu, phải đi bệnh viện…
Bình thường ở tòa án đó vẫn diễn ra các phiên tòa, người dân đi qua đi lại bình thường. Nhưng ngày hôm qua, người dân đi qua bên đó cảm thấy rất sợ hãi. Những người ở gần đó họ hỏi là “Hôm nay có chuyện gì xảy ra?”. Vậy thì bản án đó đưa ra để làm gì? Em nghĩ một phần lớn là để trấn áp tất cả những người bất đồng chính kiến, để cho người dân của mình, cho giới trẻ Việt Nam thấy điều đó và sợ hãi. Họ chỉ cặm cụi vào bản thân mà thôi, chỉ cặm cụi vào việc của họ và không dám dấn thân nữa. Họ không dám nói nữa bởi vì họ sợ an ninh, sợ tù tội và cho gia đình họ nữa.
Khánh An: Vâng, cám ơn các bạn Tiên, Elbi và Lâm đã chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình về phiên tòa và bản án dành cho 3 blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải. Hẹn gặp lại các bạn ở kỳ sau để cùng bàn về những ảnh hưởng và tương lai của giới viết blog sau sự kiện trên nhé. Khánh An xin chào tạm biệt.