Nhặt phế liệu cả ngày được 15.000 đồng, bà Tính (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội) dành nửa số tiền mua gạo. Ngóng bà ở ngõ, đứa cháu ngoại 10 tuổi học lớp 1 đói lả đứng dựa vào tường. Cả ngày, cậu mới ăn một gói mỳ tôm.
Con ngách tối om rộng hơn một người đi ở khu Trại Nhãn (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) là nơi ở của gần chục hộ dân. Cuối ngõ, căn nhà rộng chừng 6m2 hôi hám, ẩm thấp, kín bưng, la liệt quần áo cũ là "tổ ấm" của bà Nguyễn Thị Tính (70 tuổi) cùng con trai và cháu ngoại. Nhà không có cửa nên mưa hắt vào bên trong đọng lại thành vũng, tường mốc meo vì ẩm ướt.
40 năm qua, bà cụ gầy gò này ngày ngày đi nhặt phế liệu từ sáng đến tối kiếm tiền đong từng nửa cân gạo nuôi con thần kinh, rồi sau này là nuôi thêm cháu ngoại. Nhà khó khăn nên bà thường xuyên nhường cơm cho hai cậu cháu, còn mình chỉ cạo ít cháy bám đáy nồi...
Con ngách nhỏ chưa đầy 1m dẫn vào căn nhà của bà Tính. Ảnh: Bình Minh. |
Thấy có người hỏi thăm, bà Tính đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm liền chạy ra với vẻ mặt ngạc nhiên vì "hiếm lắm nhà mới có khách". Về nhà sau một ngày đi mót rác, bà Tính lại tất bật nấu cơm cho cậu con trai thần kinh không ổn định hơn 30 tuổi và cháu ngoại 10 tuổi. Bà bảo, "cả ngày chúng nó mới được ăn một gói mỳ". Đôi bàn tay run run, người lả đi vì "dạ dày trong veo" từ sáng đến chiều, bà Tính lập cập nấu nhanh để có miếng cơm vào bụng.
"Tôi nấu hơn một bò gạo, hai đứa ăn được lắm. Chúng nó ăn thừa lại tôi mới ăn, còn không thì vét nồi. Mỳ cũng vậy, cậu cháu ăn hết cái, nước mình húp", bà kể.
Cả ngày trời đi bộ khắp các con phố, có hôm lên tận Diễn, bà Tính chỉ kiếm được 15.000 đồng. Hôm nhiều nhất được 25.000 đồng, bà liều mua một lạng thịt cho gia đình cải thiện. Số thịt ấy được chia làm hai bữa, mỗi bữa con và cháu chỉ được chia mỗi người 2 miếng. Hôm nào xin được nước thịt luộc của quán cơm, bữa ăn nhà bà Tính được xem là "thịnh soạn". Còn bình thường, mâm cơm có ít rau luộc chấm muối pha loãng đã là cả sự cố gắng của bà.
Người phụ nữ này chi sẻ, cả đời bà chưa biết đến một bữa ăn ngon có thịt cá. "May ra đến Tết được phường hỗ trợ 200.000 đồng, mới mua được 3 lạng thịt và vài cân gạo ăn dè đợi ra Giêng đi kiếm tiếp.
Hôm nào không dậy đi làm được, hôm đó ba mẹ con, bà cháu nhịn ăn. Thương con, cháu, bà lên đầu ngõ xin hàng cơm ít cháy chan canh ăn tạm. Ngày khỏe đi kiếm được, tối mẹ con, bà cháu mới có cơm, ban ngày, cả ba cùng nhịn. Có lần bị ốm vài ngày, đói quá bà Tính bảo cháu sang hàng xóm xin tạm ít cơm cháy.
"Nhiều hôm đói quá, bụng quặn thắt lại, tôi không đứng dậy nổi. Nghĩ mình không đi thì hai đứa chết đói, xin hàng xóm mãi sao được, tôi đành cố đứng dậy cầm quang gánh đi", vừa nói, bà Tính vừa hướng ánh mắt nhìn cậu con trai tên Hùng còm nhom đang ngồi một chỗ. Ngoài vấn đề về thần kinh, anh Hùng còn bị nhiều bệnh nan y khác.
Bà Tính cùng con trai (áo vàng) và cậu cháu ngoại Đức Minh trong căn nhà 6m2. Ảnh: Bình Minh. |
Rồi bà kể, ngày còn trẻ bà từ quê ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) lên Hà Nội ở đợ. Nhờ "mai mối", bà lấy một người bán hàng rong. Vợ nhặt phế liệu, chồng bán rong, hai người cùng "góp gạo thổi cơm chung". Năm 1969, gia đình bà chuyển về căn nhà cho hộ nghèo rộng 6m2 ở khu Trại Nhãn. Chồng qua đời đã chục năm nay, đến giờ bà Tính vẫn tiếp tục đi nhặt giấy kiếm sống.
Bà có 4 người con, ba gái một trai. Con trai út ốm đau đã nhiều năm nay, còn con gái thứ hai vừa mất năm ngoái, để lại cho mẹ già đứa cháu nhỏ. Nhắc đến con, bà Tính lại bần thần đau xót: "Nó chết đói cô ạ. Cháu đang cầm bát cơm nguội với cà định ăn thì không may giẫm vào vũng nước cậu em làm đổ ra sàn nhà rồi trượt chân ngã đập đầu xuống đất. Vợ chồng bỏ nhau nên hai mẹ con nó về ở cùng tôi", bà lão 70 buồn bã tâm sự.
Hai cô con gái còn lại lấy chồng đều nghèo túng nên không đỡ đần được cho mẹ. Thỉnh thoảng, các cô mới ghé qua đong vài cân gạo và biếu mẹ vài chục nghìn. Từ ngày con gái qua đời, thân già này ngày ngày lại cuốc bộ đi nhặt nhạnh để nuôi 3 miệng ăn. Thương cháu ngoại mồ côi, lúc nào bà Tính cũng sợ cháu bị bắt nạt.
Cậu bé Lê Đức Minh gày nhẳng nhưng khuôn mặt sáng sủa và nói chuyện lễ phép. Minh bảo, nhiều hôm đói mà bà chưa đi làm về, cậu đi loanh quanh qua các nhà hàng xóm và nhìn họ ăn tối. Đợi mãi không thấy bà về, cậu đứng ra tận ngõ ngóng.
Chị Thanh, hàng xóm với bà Tính cho hay, Minh ngoan ngoãn và "tự ái cao" nên dù đói nhưng khi chị Thanh hỏi cháu ăn chưa, cu cậu vẫn bảo "cháu ăn rồi". "Nói vậy nhưng tôi biết cháu chưa có gì vào bụng. Tôi xới bát cơm đưa cho Minh, cậu bé đánh bay trong vòng ít phút", chị Thanh chia sẻ.
Bà Tính tâm sự, cả đời chưa từng được biết đến một bữa ăn ngon có thịt, cá. Ảnh: Bình Minh. |
Thích đi học, lúc nào Minh cũng đòi bà cho đến trường, nhưng nhà không có tiền đến ăn còn phải lần từng bữa nên bà cứ chần chừ. "Thấy các bạn đến lớp, cháu thích lắm. Tôi mới đi xin các chùa, xin các bác xung quanh rồi viết đơn cho cháu được đi học. Năm nay 10 tuổi, Minh mới vào lớp 1", bà Tính cho hay.
Không có ai hướng dẫn, Minh tự học ở nhà. Cậu bé mồ côi khoe môn Mỹ thuật được 10 điểm còn môn Toán chỉ được có 6 vì "cháu viết sai một chỗ". Không ai chơi cùng, Minh lủi thủi quanh ra quanh vào con ngách nhỏ tối tăm, chật chội. Món đồ chơi của Minh chỉ là vài miếng nhựa lắp hình rôbốt được ai đó cho.
"Cháu thích chơi trò cá sấu lên bờ. Sau này cháu muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho nhiều người", nói rồi cậu bé nằm kềnh ra đống quần áo la liệt khắp nhà vì đói. Còn bà Tính khoe, có nhà hảo tâm vừa biếu tiền cùng bao gạo lớn. Vậy là tối nay, lần đầu bà mới dám nấu nhiều hơn vài lạng gạo để ba người được ăn một bữa no.
"Ước mong lớn nhất của tôi bây giờ là Minh được đi học để sau này cháu có cuộc sống tốt hơn. Tôi già rồi không biết còn đi kiếm nuôi cháu được đến bao giờ", bà Tính nghẹn ngào, ôm đứa cháu nhỏ vào lòng.
Bình Minh