Thứ Hai, 24/09/2012 23:05
Mỗi đêm, khoảng 300 tấn rau củ, trái cây Trung Quốc đổ về chợ đầu mối Thủ Đức - TPHCM rồi tung đi các tỉnh, trong khi nguồn gốc và chất lượng chưa được kiểm định
Tuy đã qua thời “hoàng kim” nhưng tại thị trường TPHCM, trái cây, rau củ Trung Quốc vẫn còn nhiều đất sống. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng rau củ, trái cây Trung Quốc chiếm khoảng 10%, tương đương 300 tấn/đêm. Do đang vào mùa lựu nên mặt hàng này về chợ nhiều nhất, kế đến là nho, quýt, hồng giòn, mận…
Hàng Trung Quốc dán mác Mỹ, Úc, Ấn Độ
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mặc dù biết hàng Trung Quốc có thể chứa nhiều chất độc hại nhưng tại chợ đầu mối này, hàng Trung Quốc có bao nhiêu vẫn bán hết. “Hàng về chợ đầu mối sẽ toả đi khắp nơi, về các tỉnh. Một số người tiêu dùng không hiểu biết vẫn thích mua nên hàng Trung Quốc vẫn bán chạy.
Tại các chợ lẻ và xe đẩy trái cây bán lề đường, trái cây Trung Quốc cũng tràn ngập. Để dễ bán, người bán giới thiệu là hàng Mỹ, Úc, Ấn Độ, bán khoảng 32.000 - 50.000 đồng/kg. Hồng giòn, cam Trung Quốc còn được “hô biến” thành hồng giòn Đà Lạt, cam Vinh… Tại chợ Nhị Thiên Đường (quận 8), trái cây Trung Quốc được đổ đống, cạnh bên là bảng gỗ ghi “nho Mỹ: 18.000 đồng/1/2 kg”, “mận Ấn Độ (thực ra là mận đen Trung Quốc): 17.000 đồng/1/2 kg”…
Khách đi chợ thấy trái cây tươi rói, mẫu mã đẹp, giá phải chăng nên vô tư mua về ăn. Hỏi một nữ khách hàng không sợ trái cây Trung Quốc độc hại sao mà mua, chị tỉnh bơ: “Người bán nói sao tôi tin vậy, trái cây làm sao biết có phải Trung Quốc hay hàng Mỹ, Úc thật. Trước giờ, nhà tôi vẫn ăn bình thường, có ai đau bệnh gì đâu”.
Theo quy định hiện nay, trái cây, rau củ Trung Quốc qua khỏi cửa khẩu Việt Nam là ung dung thẳng tiến ra thị trường. Ngay tại “trạm” kiểm soát cuối cùng là chợ đầu mối, hằng đêm, ban quản lý chợ có kết hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên một số loại rau củ, trái cây nhưng hàng ngoại nhập (kể cả hàng Trung Quốc) được miễn vì đã có giấy tờ, chứng nhận từ phía xuất hàng và hải quan cửa khẩu.
Trái cây bày bán ngoài thị trường người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng nội,
đâu là hàng Trung Quốc. Ảnh: HỒNG THÚY
đâu là hàng Trung Quốc. Ảnh: HỒNG THÚY
Còn “lọt lưới” dài dài
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng rất khó xác định trái cây, rau củ Trung Quốc được xử lý bằng những hóa chất gì vì không có chất chuẩn nên không thể phân tích. Chất bảo quản như thuốc bảo vệ thực vật, nếu phân tích thì rất tốn kém. Việt Nam chỉ có thể kiểm tra nhanh một số chất phổ biến, tùy thành phần chất là gì và chất càng phức tạp thì chi phí phân tích càng tốn kém.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, hiện nhiều phòng thí nghiệm ở Việt Nam đã có thể phân tích được các chất sử dụng trên rau củ, trái cây Trung Quốc, vấn đề là “đặt hàng” từ đơn vị đưa mẫu kiểm nghiệm. Tình trạng quản lý hàng nông sản thực phẩm còn lộn xộn do có đến 3 bộ là NN-PTNT, Công Thương, Y tế cùng chịu trách nhiệm.
Việt Nam chưa đủ trình độ, nhân lực nhưng không phải là không làm được nếu có biện pháp. Cụ thể, xây dựng luật và những quy định, hướng dẫn thực hiện luật rõ ràng, khoa học, sát với thực tiễn kèm theo chế tài đủ mạnh; có lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Khi hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chưa đủ mạnh về khả năng, trình độ, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật; các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm thì kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm mãi mãi là “cưỡi ngựa xem hoa” - TS Đáng nói.
Nên dán nhãn trái cây an toàn
Theo TS Võ Mai, trái cây Việt phong phú, trong đó có nhiều loại được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xuất khẩu sang nhiều nước nhưng tại thị trường nội địa lại bị lép vế trước hàng ngoại. Tuy nhiên, để lấy lại vị thế của trái cây, nông sản nội tại thị trường trong nước không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian. Trước mắt, Bộ NN-PTNT có thể triển khai dán nhãn trái cây an toàn cho người dân an tâm.
|
Chủ hàng khôn lắm!
Phóng viên: Thưa ông, cơ quan kiểm dịch Lạng Sơn và Lào Cai vừa phát hiện 4 mẫu nho, lựu và mận nhập từ Trung Quốc có dư lượng chất bảo quản thực vật vượt ngưỡng cho phép 3-5 lần. Kết quả này có phản ánh chất lượng chung của trái cây Trung Quốc?
- Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Bộ NN-PTNT:
Đến lần thứ hai, khi kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc bảo quản vượt ngưỡng cho phép thì lần sau tỉ lệ kiểm tra hàng sẽ nâng lên 30% và lô hàng phải giữ tại biên giới 7 ngày để xác định rõ kết quả. Trong trường hợp sau 7 ngày kiểm tra mà kết quả mẫu hàng vượt ngưỡng cho phép thì phải tái xuất. Đến lần thứ ba vi phạm thì sẽ nâng mức kiểm tra 100% số hàng, nếu sau 7 ngày mà kết quả an toàn thì cho nhập, nếu vi phạm thì phải tái xuất. Đồng thời cấm cửa chủ hàng này không được nhập hàng trái cây vào Việt Nam.
Đã có chủ hàng nhập khẩu trái cây nào vi phạm đến lần thứ ba và bị cấm cửa?
- Quả thực, đến lúc này vẫn chưa doanh nghiệp nào bị cấm cửa cả vì chủ hàng họ khôn lắm. Họ chỉ vi phạm đến lần thứ hai là cẩn thận, không làm ẩu nữa.
Tuy nhiên, người dân vẫn rất lo ngại trái cây Trung Quốc có mặt ở mọi ngõ ngách trong khi báo chí nước họ từng nhiều lần lên án vì “dính độc”?
- Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở Trung Quốc mà sự cố có thể xuất hiện nhiều nơi. Tuy nhiên, đây là sự cố cá biệt, không thể đánh đồng toàn bộ sản phẩm. Có điều là cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
|
THANH NHÂN- THẾ DŨNG