THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 August 2012

Nghề tiếp viên hàng không ở Việt Nam !



2012-08-15
Tiếp viên hàng không là một công việc làm mà nhiều người trẻ mơ ước. Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã vỡ mộng khi va chạm thực tế trong nghề nghiệp này.
AFP photo
Sinh viên và tiếp viên hàng không đón chào chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không United trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau 1975. Ảnh chụp hôm 10/12/2004 tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Nghề "hot" hiện nay

Hình ảnh những nam thanh nữ tú tiếp viên hàng không trên những chuyến bay nội địa hay quốc tế là niềm ao ước của rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia, vận chuyển bằng đường hàng không có nhu cầu rất lớn. Trong gần một thập niên qua, tiếp viên hàng không nghiễm nhiên trở nên một nghề thịnh hành, mà các bạn trẻ cho là một nghề rất “hot” hiện nay.
Với điều kiện không quá khó như tốt nghiệp phổ thông trung học, chiều cao tối thiểu là 1m58 đối với nữ và 1m68 đối với nam, ngoại hình dễ nhìn, có sức khỏe tốt và trình độ Anh Ngữ giao tiếp khá là có thể trở thành một tiếp viên hàng không. Công việc chính của một tiếp viên hàng không là hướng dẫn và theo dõi công tác an toàn cho hành khách trong suốt chuyến bay, phục vụ các dịch vụ như ăn uống, báo chí và hỗ trợ cho hành khách đặc biệt khi có nhu cầu cần giúp đỡ như người già, trẻ em, người tàn tật…
Một mức lương khá cao, trung bình khoảng hơn 700 đô la/tháng, được đi đây đi đó, được giao tiếp với nhiều người và đối với nữ tiếp viên có cơ hội thuận lợi để kết hôn với những người giàu có hay những nhân vật có tiếng tăm trong xã hội. Những tiếp viên có thâm niên trong nghề, bay những tuyến đường quốc tế, phục vụ trong các khoang hành khách thương gia và hạng sang (VIP), thu nhập hàng tháng có thể xấp xỉ gần 2000 đô la.
Tuy vậy, đây là một công việc được cho là phải đối diện với sự rủi ro cao. Công việc hàng ngày phải chịu nhiều áp lực về hạn chế không gian, áp suất thay đổi, múi giờ khác biệt, lịch bay không ổn định. Có rất nhiều tiếp viên bị mắc bệnh viêm xoang, hô hấp, rối loạn giấc ngủ, có vấn đề về thính giác…
Thời gian là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc gia đình của người tiếp viên hàng không. Vì phải bay thường xuyên, xa gia đình liên tục nên nhiều gia đình phải đi đến tình trạng đỗ vỡ hôn nhân. Thời gian phục vụ trong nghề chỉ đến 40 tuổi, do đó có nhiều tiếp viên hụt hẫng khi đối diện với tình cảnh không có việc làm ở tuổi đời mà những người đồng trang lứa được vững vàng trong nghề nghiệp. Đặc biệt, một điều kiện bó buộc đối với nữ tiếp viên khi ký hợp đồng làm việc với một hãng hàng không, thường là quy định không được sinh con trong thời hạn 3 năm đầu tiên.
Bên cạnh đó, tiếp viên hàng không ở Việt Nam còn gặp phải những trở ngại khác. Có không ít tiếp viên phải đối diện với cảnh tù tội hay phạt vạ vì vận chuyển những mặt hàng cấm do không am hiểu luật pháp của nước sở tại nơi mà hãng hàng không có tuyến bay. Cũng có những tiếp viên vì muốn có thêm thu nhập đã chấp nhận vận chuyển hàng buôn lậu. Và còn có những tiếp viên gặp nhiều tình huống khó xử trước những lời mời chào khiếm nhã của khách hàng.

Lắm nhiêu khê

images325216_4-250.jpg
Các tiếp viên hàng không đang phục vụ bữa ăn cho khách. Photo courtesy of yeudulich.vn
Vì phương tiện vận chuyển hàng không chỉ mới thông dụng trong khoảng thời gian ngắn nên phần lớn hành khách người Việt chưa quen với cách xử sự khi đi lại bằng máy bay. Điều này gây ra nhiều cảnh nan giải, dở khóc dở cười cho phi hành đoàn hay thậm chí tạo ra nguy hiểm cho cả chuyến bay chỉ vì một hành khách tò mò mở thử cửa thoát hiểm xem như thế nào.
Có thể việc để hành lý là rất dễ dàng khi đi lại bằng phương tiện xe cộ đường bộ nhưng trên máy bay, việc để hành lý đúng nơi quy định là một yêu cầu nghiêm ngặt vì sự an toàn. Cô tiếp viên hàng không tên Hương chia sẻ rằng có nhiều hành khách người Việt nhất quyết không để túi đồ cá nhân hay va ly trong khoang hành lý xách tay và cũng nhất quyết không đồng ý để cho tiếp viên cất hộ. Họ cương quyết để ngay giữa lối đi và sẵng giọng lớn tiếng với tiếp viên là họ thích để đấy. Bạn Hương tiếp lời:
“Hay là một trường hợp nữa như người ta sau khi ăn xong và để đồ ăn xuống dưới chân và người ta nhất quyết không nhặt đồ ăn lên đưa cho tiếp viên hoặc người ta bảo là: ‘tao để ở đấy, là tiếp viên, mày phục vụ, tao để ở đâu mày chả phải nhặt.’”.
Chia sẻ với Hòa Ái về những khó khăn trong nghề, một nam tiếp viên cho biết là với ước mơ từ bé được đi máy bay và với một mức lương khá cao so với mặt bằng chung của thị trường lao động, bạn đã vượt qua kỳ thi tuyển mà chỉ có 10% thí sinh tham gia được chọn. Sau 3 tháng huấn luyện về kỹ năng phục vụ khách hàng, tiếng Anh chuyên ngành, kiến thức cơ bản về máy bay, sơ cấp cứu, xử lý tình thế khẩn cấp xảy ra trên máy bay…, bạn sẵn sàng cho công việc mà mình mơ ước. Thế nhưng sau 2 năm làm việc, bạn đã bỏ cuộc vì vỡ mộng. Nam tiếp viên hàng không này chia sẻ:
“Rất là nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do môi trường làm việc là mình phải thường xuyên xa gia đình và thời khóa biểu không được cụ thể. Đôi khi mình phải thức dậy sớm, 4 giờ đi làm nhưng họ chỉ tính lương của mình khi máy bay cất cánh thôi, tính lương khi máy bay bay trên không. Thứ hai là phục vụ khách hàng, do em là nam, có những khách hàng rất là khó khăn, họ đòi hỏi những điều không thỏa đáng nên phục vụ họ rất là khó chịu. Sau khi làm một thời gian thì em quyết định không tiếp tục công việc nữa. Vì mình cảm thấy công việc không phù hợp với bản thân. Vì vậy khi không còn làm công việc này nữa thì không có gì tiếc nuối.”
Trong cuộc trao đổi với các bạn trẻ tiếp viên hàng không, có bạn cho biết dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn tiếp tục công việc lâu dài. Tuy vậy, cũng có bạn cho biết có khoảng 50% phải bỏ việc. Để chạm tay vào công việc hằng ao ước trong đời là cả một sự phấn đấu nhưng để gắn bó với nghề lại đòi hỏi phải có lòng đam mê.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.