THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 August 2012

Lý lịch 3 công ty khiến bầu Kiên bị bắt !



Một trong số 3 công ty đang bị điều tra của ông Nguyễn Đức Kiên có ghi nhận phần góp vốn 30 tỷ đồng từ ACB, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng bác bỏ mối quan hệ này.
Bầu Kiên bị bắt vì 3 công ty
Những thương vụ đầu tư của bầu Kiên
Chân dung ông Nguyễn Đức Kiên

Ông Nguyễn Đức Kiên trên sân vận động, nơi ông từng muốn dồn hết tâm huyết vì một nền bóng đá sạch. Ảnh: Hoàng Hà
Sau khi bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên tối 20/8, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ án liên quan tới 3 công ty có trụ sở tại Hà Nội, gồm Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội.
Đều do ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, 3 công ty này có tổng vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng, cùng hoạt động liên quan đến bất động sản, du lịch và vàng bạc đá quý. Trong danh sách các cổ đông sáng lập của từng công ty, ông Kiên trực tiếp hoặc gián tiếp nắm cổ phần lớn nhất.
2 công ty trong danh sách này cùng được rót vốn bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (do ông Kiên là pháp nhân đại diện) và đặt trụ sở ở chung địa điểm 57B Phan Chu Trinh (Hà Nội). Công ty còn lại do 3 cá nhân trong gia đình ông Kiên góp vốn, đặt trụ sở ở 63 Lương Sử C.

Hồ sơ chi tiết 3 công ty của bầu Kiên đang bị điều tra

(Vốn: tỷ đồng)
(Nguồn: Giấy phép Đăng ký Kinh doanh)



Cụ thể, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần một (ngày 10/11/2006) và đăng ký thay đổi lần 5 (30/6/2009), Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội có vốn điều lệ thấp nhất, 300 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh ghi trong giấy phép là bất động sản, xây dựng và cho thuê nhà ở, nhà phục vụ mục đích kinh doanh, kho bãi đỗ xe, môi giới đấu giá bất động sản. Ngoài ra công ty còn kinh doanh và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu công nghiệp và đường giao thông, kinh doanh vàng. ACB Hà Nội cũng đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, resort, nhà nghỉ, sân golf...
Trong danh sách cổ đông sáng lập, ngoài một cổ đông cá nhân góp vốn 60 tỷ đồng, còn có Ngân hàng cổ phần Á Châu (do ông Trần Ngọc Thanh đại diện) với số đóng góp là 30 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ). Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu do ông Nguyễn Đức Kiên đại diện, góp vốn nhiều nhất với 210 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 22/8, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho rằng "không có thông tin ngân hàng góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội". Là người phát ngôn của ACB, ông Toại "không muốn bàn luận sâu" vì vấn đề quan tâm nhất hiện nay là "làm sao để hệ thống ngân hàng ổn định".
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012 được soát sét bởi Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam cũng không ghi nhận việc ACB đầu tư góp vốn vào bất cứ công ty nào trong danh sách 3 đơn vị đang bị nghi vấn sai phạm và điều tra.

Danh mục góp vốn đầu tư dài hạn của Ngân hàng ACB

(Đến 30/6/2012)

I. Đầu tư vào công ty con

Tên công tyVốn góp(tỷ đồng)
Tổng2.040
Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán ACB (ACBS)1.500
Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Á Châu (ACBA)340
Công ty TNHH một thành viên Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACBL)200

II. Đầu tư vào các công ty liên doanh và liên kết

Tên công tyNguyên giá(triệu đồng)Tỷ lệ vốn góp
Tổng1.200
Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ ACB20010%
Công ty cổ phần Kim hoàn ACB - SJC1.00010%
(Nguồn: Báo cáo tài chính bán niên 2012 ACB)

Hai công ty còn lại thuộc diện nghi vấn là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư B&B. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội được đăng ký lần đầu năm 2008 và đăng ký cấp lại năm 2009 với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán vàng bạc đá quý, xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ đá quý, đại lý thu đổi ngoại tệ, nghiên cứu, phân tích thị trường, xây dựng và kinh doanh sân golf. Sau đó công ty đăng ký thay đổi lần thứ nhất vào tháng 3/2012 để thay đổi cổ đông sáng lập.
Trong danh sách cổ đông sáng lập đã được cập nhật tháng 3 năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu do ông Nguyễn Đức Kiên đại diện nắm giữ 99% cổ phần, còn lại 1% (tương đương 5 tỷ đồng) do em gái ông Kiên đứng tên sở hữu.
"Đứa con" thứ 3 của ông Nguyễn Đức Kiên là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (63 Lương Sử C, phường Văn Chương, Đống Đa Hà Nội) đăng ký thành lập năm 2008 có vốn điều lệ lên tới 1.500 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, nghiên cứu thị trường, xây dựng công nghiệp, nhà ở, kho bãi và kinh doanh vàng bạc đá quý. Tại công ty này, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và em gái trực tiếp đứng tên sở hữu. Trong đó ông Kiên sở hữu 66%.
Ảnh: Bá Đô
Trụ sở của 2 trong số 3 công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, bị tố cáo sai phạm, ở 57B Phan Chu Trinh. Ảnh: Bá Đô.
Một lãnh đạo của Phòng đăng ký kinh doanh số 1, Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cho biết cả 3 công ty con của ông Nguyễn Đức Kiên vẫn hoạt động bình thường, chưa giải thể và chưa sáp nhập, chuyển đổi. Theo ông, việc hai công ty có chung địa điểm do doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và được pháp luật cho phép.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo cấp cao của Chi cục Thuế Hà Nội cho hay ông có biết chuyện bầu Kiên bị bắt. "Chi cục Thuế Hà Nội đang yêu cầu rà soát lại việc nộp thuế và hoạt động kinh doanh của cả 3 công ty này", ông nói.
Tại trụ sở 57B Phan Chu Trinh của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội, một số cán bộ tại đây cho biết, lãnh đạo đi vắng nên không thể nói gì liên quan đến vụ việc.
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B trong giấy phép kinh doanh ghi trụ sở ở ngõ Lương Sử C, quận Đống Đa, tuy nhiên, tại địa chỉ này lại là trụ sở của một công ty tin học. Lãnh đạo công ty này khẳng định với VnExpress, họ không liên quan gì tới "bầu" Kiên.
Hoàng Lan