THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 August 2012

Hé lộ nguyên nhân “bầu” Kiên bị bắt !



23/08/2012 06:41:09
Ông Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty do ông làm chủ tịch HĐQT để vay vốn ngân hàng, mua bán cổ phiếu, dùng cổ phiếu thế chấp lại cho các ngân hàng, lập các phương án kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty

Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì có dấu hiệu kinh doanh trái phép trong quá trình điều hành hoạt động tại 3 công ty do bị can này làm chủ tịch HĐQT. Đó là các công ty: CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACB Hà Nội), TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (AIC Hà Nội) và  CP Đầu tư Thương mại B&B.

Làm chủ 3 công ty ngàn tỉ

Ngày 22/8, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT)  Hà Nội đã chính thức cung cấp một số thông tin về các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên. Trong số 3 công ty có sai phạm của ông Kiên, tại Sở KH-ĐT Hà Nội có lưu hồ sơ về 2 công ty, gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) của ACB Hà Nội, thành lập tháng 11/2006 và AIC Hà Nội thành lập tháng 3/2008.

Thông tin được thay đổi gần đây nhất là ngày 12/3/2012 thể hiện ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch hội đồng thành viên AIC Hà Nội, có tỉ lệ góp vốn 99%, tương đương 495 tỉ đồng. Thành viên góp vốn thứ hai là bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên) góp vốn 5 tỉ đồng, tương đương 1%. Công ty này kinh doanh các ngành nghề “hot”, gồm: kinh doanh sân golf; xây dựng hạ tầng giao thông; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng, mua bán vàng bạc đá quý...
Ông Nguyễn Đức Kiên trong một lần chỉ đạo CLB Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Kiên trong một lần chỉ đạo CLB Hà Nội.
Tại ACB Hà Nội, có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, ông Kiên không phải người đại diện theo pháp luật nhưng nắm giữ 210.000 cổ phần, tương đương 210 tỉ đồng. Tại công ty này, ông Kiên là đại diện cho vốn góp của Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu.

Đáng lưu ý là trong GCN ĐKKD cũng thể hiện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - do ông Trần Ngọc Thanh là đại diện) nắm giữ 30.000 cổ phần, tương đương 30 tỉ đồng tại ACB Hà Nội. Ông Trần Ngọc Thanh cũng là giám đốc của Công ty ACB Hà Nội. Bên cạnh kinh doanh vàng, nhà hàng khách sạn, du lịch, công ty này còn đăng ký ngành nghề kinh doanh quản lý bất động sản (BĐS); môi giới, đấu giá BĐS, dịch vụ nhà đất...

Theo nguồn tin ban đầu, ông Kiên bị bắt vì bị cáo buộc đã dùng tư cách pháp nhân của 3 công ty nêu trên để thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính dù các doanh nghiệp đó không có chức năng này. Ông Kiên đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty để vay vốn ngân hàng, mua bán cổ phiếu. Sau đó, dùng cổ phiếu thế chấp lại cho các ngân hàng, lập các phương án kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty.

Giao dịch tại ACB diễn ra bình thường
Cùng ngày, phóng viên đã có mặt tại trụ sở 2 trong số 3 công ty của “bầu” Kiên đặt tại tầng 6 tòa nhà số 57B Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Trong cùng tòa nhà còn có sàn giao dịch chứng khoán ACB và một số doanh nghiệp khác.
Khi chúng tôi đến liên hệ làm việc với 2 doanh nghiệp này vào trưa 22/8, nhân viên bảo vệ cho biết tất cả lãnh đạo đều đi họp và có chỉ đạo không tiếp khách. Cùng với các nhân viên bảo vệ, 2 nhân viên văn phòng khác cũng được “tăng cường” xuống cổng thường trực, hỏi mục đích của từng khách đến làm việc, lên giao dịch trên sàn chứng khoán (ở tầng 3) và sẵn sàng đi theo “giám sát” khách.

Một cán bộ Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết thêm, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu cung cấp thông tin về 3 doanh nghiệp của “bầu” Kiên từ cách nay cả tháng. Riêng Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B thành lập năm 2008, có trụ sở tại phường Văn Chương (quận Đống Đa - Hà Nội) nhưng khi tìm đến địa chỉ này chỉ thấy nơi đây là trụ sở của Công ty Tin học ACB. Công ty này cũng không có trong hồ sơ của Sở KH-ĐT Hà Nội.

Tại một số phòng giao dịch của ACB phía Bắc cũng có khách hàng đến hỏi thông tin nhưng sau đó không rút tiền. Khách hàng băn khoăn thì được nhân viên tín dụng thông báo mọi giao dịch rút tiền mặt từ 2 tỉ đồng trở xuống, ngân hàng lúc nào cũng đáp ứng được. Còn khách rút vàng vật chất chỉ cần báo trước 30 phút để ngân hàng chuẩn bị.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết ông đang ở nước ngoài nên không nắm được tình hình hoạt động của ngân hàng. Còn ông Nguyễn Thanh Toại,  Phó Tổng Giám đốc ACB thì cho rằng được sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của ACB đến nay vẫn bảo đảm, không xảy ra trường hợp khách hàng đến rút tiền hàng loạt.
Ông Đỗ Minh Toàn điều hành ACB

Trao đổi với phóng viên chiều 22/8, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc, người phát ngôn của ACB, cho biết ngày 22/8, HĐQT ACB đã ủy quyền cho ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Thường trực ACB, điều hành ngân hàng thay Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải.
Ông Đỗ Minh Toàn sinh năm 1971 tại Phú Yên, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Trường Đại học Columbia Southern (Mỹ), cử nhân Luật (Đại học Luật TPHCM), cử nhân kinh tế (Đại học Kinh tế TPHCM), cử nhân tài chính ngân hàng (Đại học Ngân hàng TPHCM), đã từng nhiều năm công tác tại ACB.

Lúc 22 giờ 30 phút ngày 22/8, ông Nguyễn Thanh Toại, khẳng định với phóng viên, lãnh đạo ACB vẫn chưa nhận được thông tin nào cho thấy các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lý Xuân Hải, đồng thời cơ quan công an cũng không tiến hành khám xét nhà riêng của ông Hải ở TPHCM.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi được biết, vào lúc 23 giờ tối qua, 22/8, lãnh đạo ACB vẫn đang còn họp để bàn các giải pháp tối ưu nếu nhu cầu giao dịch của khách hàng ACB tăng đột biến trong những ngày tiếp theo.

(Theo Người Lao Động)