Ông Trinh kiến nghị, cần cân nhắc lại giải pháp xử lý hiện nay. Đặc biệt, phân tích đánh giá lại hiện trạng an toàn đập để có giải pháp di dời hạ lưu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối nếu có sự cố; lập phương án xử lý triệt để thấm (bề mặt thượng lưu đập, các khớp nối) để sẵn sàng sửa chữa.
Về lâu dài, theo ông Trinh, với đập bê tông đầm lăn (RCC), khi thiết kế, thẩm tra, thẩm định phải lưu ý kiểm soát các vấn đề liên quan đến chống thấm như khoan phụt chống thấm xử lý nền, hình thức mặt cắt chống thấm, chi tiết khớp nối, hệ thống thu và thoát nước thấm ra khỏi đập. Mặt khác, cần có tổng kết đánh giá công nghệ đập RCC làm quy chuẩn áp dụng chung cho cả nước.
Công nhân khắc phục một cách rất sơ sài chiều 25.3 - Ảnh: Hoàng Sơn |
Trên diễn đàn của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN, GS-TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch hội cũng cho rằng, việc bịt các chỗ nước chảy ra mái hạ lưu không phải là biện pháp đảm bảo chống thấm triệt để, ổn định lâu dài cho đập bị thấm như Sông Tranh 2. Hơn nữa, nếu chất lượng thân đập không đảm bảo sẽ gây hậu quả phức tạp.
Theo ông Giang, cần phải chống thấm từ mặt thượng lưu đập. Do dùng ít xi măng nên khả năng chống thấm của bê tông đầm lăn bị hạn chế hơn so với bê tông thường. Bởi vậy, khả năng chống thấm tại mặt thượng lưu đập càng phải được đặc biệt coi trọng. Với Sông Tranh 2, để gia cố chống thấm cho mặt thượng lưu, có nhiều cách giải quyết. Giải pháp hiệu quả nhất với công nghệ mới là dán lớp màng chống thấm vào mặt thượng lưu và thi công trong nước. Giải pháp này không chờ giảm mức nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn hoạt động bình thường và cũng đã được áp dụng thành công tại đập Platanovryssi (Hy Lạp) năm 2002. Đập này cao 95m và có vết nứt nhỏ trên mái thượng lưu và dòng thấm tràn ra mặt hạ lưu với lưu lượng tương tự như lượng thấm ở đập Sông Tranh 2.
Lo lắng đời sống vùng hạ lưu
Ngoài yêu cầu đảm bảo an toàn vận hành đập thủy điện, chính quyền địa phương còn bày tỏ lo lắng về sự an toàn, ổn định của nhân dân vùng hạ lưu công trình này. Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị lắp đặt hệ thống quan sát động đất tại khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2, tiến hành các nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Trước đó, đề nghị lập trạm quan trắc cũng đã đưa ra khi có động đất kích thích do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Liên tiếp hơn một tuần qua, sau khi các nhà khoa học của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vào cuộc khảo sát, đưa ra kết luận ban đầu về tình trạng rò rỉ nước tại thân đập thủy điện, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam, H.Bắc Trà My vẫn chưa đồng tình và yên tâm. Địa phương yêu cầu có cuộc khảo sát, kiểm tra tổng thể để phân tích, đánh giá độ an toàn vận hành đập; xử lý căn cơ tình trạng thấm nước qua đập; tổ chức quan trắc, khảo sát, kiểm tra tổng thể đập để thu thập, phân tích các số liệu theo quy định, từ đó đánh giá độ an toàn đập và tổ chức công bố công khai.
Phó thủ tướng yêu cầu EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm
Chiều 27.3, Văn phòng Chính phủ thông báo truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về kết quả kiểm tra, giải pháp khắc phục việc thấm nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2. Phó thủ tướng kết luận: Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đã khẳng định chưa phát hiện vết nứt bất thường trên bề mặt đập và trong hành lang thân đập. Những động đất kích thích xảy ra trong tháng 11 (năm 2011 - PV) vừa qua với cường độ khoảng 3 độ Richter nhỏ hơn cường độ động đất thiết kế, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà máy, đập và hồ chứa nước. Tuy nhiên, cần khẩn trương khắc phục triệt để hiện tượng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.
Phó thủ tướng yêu cầu EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xử lý lúng túng, thiếu chuyên nghiệp và không thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng cho các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.
Phó thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, EVN cần huy động tối đa công suất của Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để hạ mực nước hồ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả; chỉ đạo các đơn vị có liên quan quan trắc thường xuyên, cập nhật và xử lý các số liệu đo đạc để phân tích đánh giá kịp thời, làm cơ sở cho công tác xử lý thấm và nghiệm thu.
Bảo Cầm
|
TS Tô Văn Trường, thành viên Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước của Bộ Khoa học - Công nghệ: Cần phải kiểm định chất lượng công trình!
Hiện tượng rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 thành dòng chảy tung tóe về hạ lưu là sự cố bất thường. Để đánh giá một cách khách quan, khoa học cần phải kiểm định chất lượng công trình. Cũng như bệnh nhân, các "bác sĩ xây dựng" phải cho siêu âm, lấy mẫu, khoan, cắt lớp, quan trắc và hội chẩn. Hội chẩn trong ngành xây dựng, giao thông, thủy lợi là quyết định của các nhà quản lý.
Theo tôi hiểu có 2 loại kiểm định. Cách thứ nhất là kiểm định công trình để cấp chứng chỉ an toàn. Cơ quan kiểm định phải tham gia từ giai đoạn lập hồ sơ khảo sát thiết kế, đến quá trình thi công, hoàn công đánh giá tổng thể để có cơ sở cấp chứng chỉ. Loại kiểm định thứ hai là khi công trình có vấn đề xảy ra sự cố. Đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc loại phải kiểm định khi có sự cố.
Để tiến hành kiểm định, cơ quan chủ đầu tư đưa ra đề cương yêu cầu. Cơ quan được thuê kiểm định đưa ra đề xuất kỹ thuật và tài chính để thực hiện. Công tác kiểm định chắc chắn phải kiểm tra đối chiếu hồ sơ khảo sát, thiết kế, hồ sơ quá trình thi công, hoàn công, quá trình giám sát, tổ chức giám sát, biểu đồ bố trí nhân lực, tay nghề. Về mặt kỹ thuật, phải kiểm tra lại địa chất nền móng công trình, chất lượng bê tông đầm lăn, khả năng chịu lực, đường thấm, tốc độ thấm. Kiểm tra hồ sơ chất lượng vật liệu bê tông đầm lăn của từng mẻ bê tông từ đầu vào như nước, nhiệt độ, xi măng, phụ gia. Đặc điểm của bê tông đầm lăn thường chỉ 60 - 70 kg xi măng cho 1m3 (bê tông thường phải 450 kg/m3) cho nên bê tông đầm lăn khô và rỗng rất khó siêu âm. Cách tốt nhất ở Việt Nam là khoan lấy mẫu kiểm tra chất lượng vật liệu.
M.Vọng
|
Mai Hà -Hứa Xuyên Huỳn