Hôm qua 17.3, mực nước trên sông Hồng đoạn chảy qua TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai tiếp tục xuống thấp.
Sông Hồng khô cạn - Ảnh: Phạm Ngọc Bằng |
Ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, lúc 7 giờ sáng cùng ngày mực nước đã giảm xuống 75,59m (so với mực nước biển), thấp hơn cùng kỳ năm trước tới 107 cm. Nước cạn thấp, cặn bẩn đọng lại ở đáy sông ven bờ thành lớp bùn đen dày chừng 3-5 cm. Những chỗ nước rút, váng bẩn đọng lại thành từng mảng lớn, thâm tím và bốc mùi rất khó chịu. Những quán nổi trên sông đã phải đóng cửa vì nước xuống thấp và mùi hôi thối từ dòng sông đã "đuổi" khách đi nơi khác.
TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nói rằng, chắc chắn dòng sông Hồng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. "Mực nước xuống quá thấp, chất thải dồn về, dòng sông không còn khả năng tự làm sạch nên ô nhiễm càng trầm trọng hơn, nước đổi màu và bốc mùi hôi thối là điều dễ hiểu", TS Hòe giải thích.
Cũng theo vị tiến sĩ này, đây không phải là lần đầu tiên nước sông Hồng bốc mùi và đổi màu bất thường nên cơ quan hữu trách ở địa phương và T.Ư cần phải vào cuộc. "Phải xác định được đâu là nguồn gây ô nhiễm. Nguồn ô nhiễm phát sinh là từ Lào Cai thì chính quyền địa phương và Bộ TN-MT phải triển khai các biện pháp kiểm soát triệt để. Nếu xác định nguồn gây ô nhiễm từ phía Trung Quốc chảy sang thì chúng ta phải thông qua con đường ngoại giao để thúc đẩy sự hợp tác để cùng nhau chia sẻ và khai thác, sử dụng dòng sông chung là sông Hồng một cách hài hòa, hợp lý", TS Hòe nói.
Về sự bất thường của dòng chảy trên sông Hồng vài năm trở lại đây, TS Hòe cho rằng, thượng nguồn là nơi cấp sinh thủy nên chúng ta cần phải điều tra rõ có phải là do các đập trên thượng nguồn xả nước hay do mưa lớn cục bộ tại khu vực này gây ra.
Quang Duẩn