Hôm qua 17.3, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức buổi hội thảo nhằm mổ xẻ và tìm các giải pháp xử lý việc chăn nuôi bằng chất cấm, giúp người tiêu dùng nhận diện heo siêu nạc.
>> Kinh hoàng heo siêu nạc
Dung túng... chất cấm
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, thẳng thắn: "Việc sử dụng chất cấm tồn tại trong ngành chăn nuôi từ lâu nhưng xử lý không triệt để, gần như là dung túng. Hầu hết nguồn chất cấm là do thương lái tạo sức ép, buộc người chăn nuôi phải sử dụng. Nếu không sẽ ép giá, chê đàn".
QLTT kiểm tra chất tạo nạc tại Đồng Nai - Ảnh: K.C |
Ông Bình đề nghị các cơ quan pháp luật phải có biện pháp mạnh, bởi số người sử dụng nhiều thì chắc chắn sẽ có những đầu nậu phân phối, nhập khẩu về. "Việc buôn bán chất cấm công khai và dễ truy nguồn hơn ma túy, vậy tại sao cơ quan chức năng không bắt giữ được?", ông Bình đặt câu hỏi.
Còn ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty CP súc sản Đồng Nai cho biết, qua nghiên cứu tài liệu cho thấy, có thể chất cấm này được sử dụng trong y tế để điều trị bệnh hen suyễn. Vì vậy cần có một giải pháp quản lý chặt từ gốc khi nhập chất cấm về.
| | Nhận diện heo siêu nạc Tại hội thảo, ông Phạm Đức Bình khuyến cáo, cách nhận biết bằng mắt thường đối với heo siêu nạc hiện nay là nếu nạc sát da, hoặc lớp mỡ giữa da và nạc dưới 1 cm thì đích thị là heo siêu nạc. Còn nếu phân biệt bằng màu sắc thì rất khó, bởi màu đỏ hồng và đỏ tươi giữa 2 loại thịt gần như tương đồng nhau. | |
|
Riêng ông Phạm Văn Bộ, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì chỉ rõ: Cơ quan thú y cần phát huy vai trò của mình trong việc kiểm soát chất cấm. Vì quá trình chuyển hóa mỡ, tạo nạc, cán bộ thú y có thể phát hiện được, vì đây chính là cơ quan kiểm dịch để cho heo xuất tỉnh.
Đùn đẩy trách nhiệm!
Điều ngạc nhiên là trong loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc, PV Thanh Niênđã đề cập đến việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương khi để nhiều trang trại chăn nuôi sử dụng "thần dược siêu tạo nạc"; cửa hàng thuốc thú ý buôn bán chất cấm; thợ mổ "kiểm dịch" thay cán bộ thú y..., thế nhưng phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng: "... ngành thú y không thể canh từng ông bán thuốc, bán cám, bán thịt mà cần sự góp sức của nhiều cấp". Chưa hết, ông Quang còn đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý giết mổ: "Người ta giết mổ con trâu, con bò từ ngày này qua ngày khác chứ có phải nhỏ đâu mà không biết. Thế nhưng chính quyền địa phương, khu phố ấp xây dựng tiêu chí văn hóa nhưng chẳng ai biết địa phương mình có mổ lậu".
Tại hội thảo, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất các cơ quan chức năng 4 giải pháp. Đó là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên 200 - 300 triệu đồng (tăng gần 10 lần so quy định); tạo vùng chăn nuôi an toàn cho người dân; tăng cường giám sát quản lý nhà nước; phạt nặng và đóng cửa trại chăn nuôi nếu phát hiện sử dụng chất cấm.
Kim Cương