Thanh Quang, phóng viên RFA2012-03-03"Biến cố Đoàn Văn Vươn" ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nói riêng và vô số vụ tranh chấp đất đai trầm trọng và triền miên nói chung trên khắp mọi miền đất nước hiện giờ khiến người ta lại càng quy trách cho một trong những "thủ phạm" là khái niệm "sở hữu toàn dân" trong Luật Đất đai ở VN. "Thủ phạm" đó ra sao ?Mời quý vị theo dõi bài viết của Thanh Quang. Cha ông để lại sao là sở hữu toàn dân?Thưa quý vị, khi còn sinh tiền và mô tả "Thiên đường" XHCN, nhà thơ Tố Hữu vô cùng lạc quan rằng: Ngày mai đây, tất cả là CHUNG
Cái "Chung" của ông Tố Hữu hẳn có liên quan chặt chẽ tới luật "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", mà công luận, từ chuyên gia cho tới nhất là nông dân, xem chừng như ngày càng khẳng định rằng chính luật "sở hữu toàn dân" về đất đai đã triền miên làm khổ hầu như "toàn dân" trong nước hiện giờ. Chẳng hạn như, một nông dân ở vùng ĐBSCL, thường được gọi là anh Ba, lên tiếng mới đây với đài ACTD: "Người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được." Sở hữu toàn quan Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường, thì sự không rõ ràng như vậy về quyền sở hữu đất đai trong nước hiện giờ là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai; chính vì quy định "sở hữu toàn dân" nên nhà nước mới cho là có quyền thu hồi.Qua bài tựa đề "đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật", GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học hàng đầu của VN, lưu ý rằng "Lý do mấu chốt nhất là khái niệm 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân', mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái 'toàn dân' ấy". Lên tiếng trên Tuần VietnamNet mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích rằng "Việc xác định quyền sở hữu tuyệt đối của 'toàn dân' là 'hư quyền', quyền sử dụng là 'thực quyền' gần như sở hữu, nhưng vấn đề mấu chốt là lại giao quyền đại diện sở hữu, định đoạt cho bộ máy hành pháp từ cấp xã trở lên... biến nó thành một "đặc quyền" để vận dụng những văn bản đã chưa chuẩn mực lại thiếu sự giám sát dân chủ, thì trường hợp Tiên Lãng không phải là cá biệt nếu không phải là phổ biến.". Và Đại biểu Dương Trung Quốc lưu ý:
"Quan điểm của tôi là phải tìm tận gốc, Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, từ lâu nay đã thấy chuyện là quyền lợi người dân không được bảo đảm và luật đã thể hiện sự hạn chế, sự bất cập so với tình hình mà vẫn chưa được sửa đổi, cộng với việc các nhóm lợi ích họ tác động vào." Qua bài "Hãi hùng sở hữu toàn dân", TS Hà Sĩ Phu nêu lên câu hỏi rằng tại sao VN vẫn chủ trương "toàn dân hóa" sở hữu đất đai khi đảng CS đã chuyển sang chiến lược "kinh tế thị trường định hướng XHCN"? TS Hà Sĩ Phu nhân tiện lưu ý rằng toàn dân là một khái niệm chung chung và mơ hồ, chẳng là người nào cụ thể cả, mà thực chất vấn đề là "ai đang có quyền thì chiếm chỗ ấy" – "Biến cố Đoàn Văn Vươn" là một thí dụ rõ ràng. TS Hà Sĩ Phu nói thêm rằng chính cơ chế "đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt mọi đám 'cướp ngày' ", "là điều béo bở cho các quan nhưng là nỗi hãi hùng cho dân, nó biến cái CHUNG mạo danh Nhân dân thành cái RIÊNG của các quan, sở hữu 'toàn dân' biến thành sở hữu 'toàn quan'". Không sớm thì muộnChuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt qua bài " Những vấn đề 'sở hữu toàn dân'" nhận định rằng khái niệm "sở hữu toàn dân" trong Luật Đất đai của VN chủ yếu hạn chế quyền tư hữu về ruộng đất đối với nông dân, tước đoạt quyền sở hữu của cải của nhân dân, đặc biệt là nông dân, khiến họ "chỉ có thể là người nghèo hoặc thoát nghèo chứ không bao giờ vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình được".Vẫn theo TS Vũ Quang Việt thì trong khi "ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân", "không có đất đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở VN", thì "sở hữu toàn dân" ở VN tạo điều kiện cho nhà nước có thể lấy lại đất bất cứ lúc nào và tự quyết định giá trị bồi thường; "Nhà nước" được định nghĩa là các cơ quan công quyền tỉnh, thành phố và huyện cho nên "sở hữu toàn dân biến thành sở hữu của các cơ quan công quyền các loại chứ không còn là thuộc toàn dân thật sự", dẫn tới hậu quả là đất đai và tài nguyên thiên nhiên thay vì phục vụ cho lợi ích quốc gia lại bị cá nhân, bè phái trục lợi.
GS Đặng Hùng Võ đi vào cụ thể hơn, cho rằng điều quan trọng là quyền "thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất" của giới có thẩm quyền còn quá lớn khiến những cơ quan nhà nước này "có thể lấy đất của ông A để giao cho bà B vì lợi nhuận của bà B. Nghe đã thấy không ổn về đạo lý, từ đó gây bức xúc vô cùng cho người bị thu hồi đất". Khi lưu ý về tình trạng vô số những vụ kiện cáo, khiếu nại, xô xát lẫn nhau kể từ biến cố 30 tháng Tư đến giờ phần lớn do khái niệm " đất đai thuộc sở hữu toàn dân", mà " cuối cùng rồi phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân", GS Võ Tòng Xuân cảnh báo rằng "Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai" . Tại sao ? Vì, theo GS Võ Tòng Xuân, "Càng để vấn đề về đất đai dây dưa như hiện nay, cả nước phải tiếp tục tiêu tốn một khối lượng thời gian và chi phí rất lớn để giải quyết những tranh chấp kéo dài triền miên, mà đáng lẽ ta có thể dành thời gian và tiền của ấy vào việc phát triển sự nghiệp cho mỗi gia đình và đất nước". Qua "Câu chuyện ruộng đất", nhà báo Lê Phan không quên lưu ý rằng: " …nếu xét những con số khổng lồ nông dân bị tước đoạt tài sản thì vấn đề nổi loạn, nổi dậy sớm muộn gì cũng xảy ra". |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog