Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) mỗi ngày có hàng chục nông dân ra đường bắt chuyện với khách nước ngoài để học tiếng Anh. Có người một chữ tiếng Việt không biết, nhưng nói tiếng Anh lại lưu loát nên bán hàng đắt khách. |
Cụ Quỳnh năm nay 80 tuổi nhưng vẫn biết nói một vài câu tiếng Anh mời khách. Ảnh: Nguyễn Đông |
Ngại quá nên bà Hoa quyết định phải học cho bằng được tiếng Anh. Nhưng từ nhỏ bám sông nước, bà có biết đến chữ nghĩa nào đâu mà vào trung tâm ngoại ngữ. Nghe mấy người hàng xóm mách muốn học tiếng Anh thì cứ ra đường bắt chuyện với khách, nói nhiều, nghe nhiều là học được, bà Hoa làm theo.
"Không ngờ việc học tiếng bồi nhanh thiệt. Nói qua nói lại với khách, nếu mình nói sai họ lại sửa cho. Những lúc vắng khách thì đến nhờ mấy chị em cùng làm nghề dạy thêm", bà Hoa kể và tự hào khoe giờ đã có thể giới thiệu cho du khách về tuổi thọ của những dãy nhà cổ, các món ăn đặc sản của phố cổ…
Không riêng bà Hoa, hầu hết người dân buôn bán ở Hội An ai cũng biết một vài câu tiếng Anh. Ai chưa biết thì lại ra đường, nghe mọi người giao tiếp và học theo. Mỗi khi khách đi qua, những lời mời bằng tiếng Anh lại rôm rả. Dù họ không ghé quán, người dân cũng vui vẻ chào "Good luck!" khiến nhiều người tỏ ra thích thú.
Làm nghề chạy xe ôm được 5 năm nay trên tuyến phố cổ, ông Nguyễn Đình Cáng, 55 tuổi, thông thạo từ việc mời khách nước ngoài đi xe một cách lịch sự và kiêm luôn việc tư vấn cho khách về các địa điểm du lịch sinh thái như đi chèo thúng chai, tập làm nông dân…
"Lớn tuổi rồi nên việc học tiếng Anh, dù là tiếng bồi cũng không mấy dễ dàng. Ngoài việc lắng nghe thì bản thân người học cũng phải tập cách phát âm thế nào cho chuẩn, điệu bộ ra sao để thu hút sự chú ý của người nghe…", ông Cáng nói và cho biết đã mất một năm ròng bám đường hỏi chuyện khách, hỏi cả những hướng dẫn viên du lịch để có được vốn ngoại ngữ như bây giờ.
Ông Cáng thật thà bảo ở phố cổ Hội An này mỗi người học nói tiếng bồi đều theo một nhu cầu riêng. Như cụ Quỳnh chèo thuyền đi bán con tu huýt cho khách chỉ biết nói giá mỗi con một đôla và trả tiền mỗi khi mua hàng, bà Ngọc học một vài câu mời khách ăn Mì Quảng, cao lầu… Riêng những người chạy xe ôm, đạp xích lô thì phải học nhiều hơn để còn chỉ đường, kiêm hướng dẫn viên cho du khách. Có người biết nói đến 3-4 ngoại ngữ.
Nhờ việc biết nói tiếng Anh mà công việc buôn bán nhỏ lẻ của người dân cũng gặp nhiều thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Đông |
Lợi thế của việc học tiếng Anh nơi phố cổ là người học được gặp và nói chuyện trực tiếp với khách nên hiện nay không riêng gì người dân phố cổ mà nhiều học sinh, sinh viên cũng tìm đến mong mở rộng vốn ngoại ngữ. Trần Quốc Hào, sinh viên ĐH Duy Tân Đà Nẵng, cứ cuối tuần lại cùng mấy người bạn chạy xe hơn 20 km vào Hội An, đứng bên đường để bắt chuyện, học tiếng Anh từ những người nước ngoài. Nhiều khách sẵn lòng ngồi hàng giờ để tiếp chuyện Hào.
"Ở trường có dạy ngoại ngữ nhưng em thấy không ở đâu học nhanh tiến bộ bằng việc được học trực tiếp với người nước ngoài. Chúng em coi đây là dịp ngoại khóa, vừa đi chơi vừa có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ", Hào chia sẻ. Điều Hào cảm thấy thán phục là dù mình được học hành bài bản nhưng nếu nói về việc phát âm hay sự linh hoạt trong từng ngữ cảnh giao tiếp thì vẫn còn kém xa so với những người dân buôn bán ở phố cổ.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao thành phố Hội An, nhận xét Hội An là điểm du lịch rất sôi động, hầu hết thời gian trong ngày người dân phố cổ đều tiếp xúc với khách nước ngoài nên khả năng nói tiếng Anh không ngừng phát triển. Đó là một sự nhạy bén của người dân trong quá trình làm du lịch.
"Người dân phố cổ hiền hậu, mến khách nên không riêng gì những người buôn bán học tiếng Anh để bán được hàng mà ngay cả người bình thường cũng muốn học được một vài câu để hướng dẫn mỗi khi khách hỏi đường. Điều này cũng tạo nên sự thú vị cho mảnh đất này phát triển du lịch", ông Phùng cho biết thêm.
Nguyễn Đông