- Cái tem CR cũng có thể bị làm giả. Vậy thì người dân chỉ còn cách mang theo thước, CSGT cũng phải mang theo thước, để đo độ dài của cái lưỡi trai xem nó có đúng chuẩn không.
Bán mũ bảo hiểm cho người... đi bộ
Một trong những khó khăn lớn nhất mà cơ quan chức năng phải đối mặt và không thể "diệt" nổi các điểm bán MBH "rởm" trong thời gian qua lại là tình trạng bày bán mũ nhan nhản ở vỉa hè. Với giá siêu rẻ và siêu... đẹp, các loại MBH này đã thống lĩnh thị trường một thời gian dài.
|
Mũ bảo hiểm giả vẫn được gọi bằng cái tên mũ thể thao. Ảnh: Thu Hiền |
Lúc đầu treo biển bán mũ bảo hiểm, bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhiều lần, người bán lập tức bớt ngay chữ "bảo hiểm" chỉ còn chữ "mũ". Họ lí sự: "bọn tôi chỉ bán mũ thể thao, mũ thời trang cho người đi bộ, đi xe đạp chứ có bán mũ bảo hiểm đâu".
Mánh khóe này tuy đơn giản nhưng đến nay vẫn rất hiệu quả, ai cũng biết nhưng bao lâu nay các cơ quan chức năng vẫn "bó tay".
Mang... thước đi mua mũ bảo hiểm
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì cho rằng vấn đề nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền sở tại.
"Vấn đề này cũng đã được phân cấp rõ ràng, chính quyền địa phương là quản lý sở tại về mặt vỉa hè, lòng đường, quản lý con người.
Việc bày bán la liệt trên vỉa hè là thấy rõ, cán bộ phường không thể không thấy, chúng tôi cũng đã nói quá nhiều về việc chính quyền sở tại không vào cuộc thì không thể giải quyết nổi vấn đề. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp, cho quân để cùng làm".
|
Mũ bảo hiểm rởm bán trên vỉa hè |
Trong khi đó ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận có thể có một số đơn vị đã sản xuất mũ kém chất lượng và gắn tem CR hoặc nhiều người bán đã làm giả chứng nhận hợp quy.
Có thể, đến cả cái tem CR cũng bị làm giả, vậy thì người dân biết làm sao đây? Có lẽ, người đi mua MBH sẽ phải mang theo cả thước để đo lại cẩn thận độ dài của lưỡi trai không được lớn hơn 70mm theo quy định trước khi mua, còn cảnh sát giao thông cũng phải mang theo thước như một công cụ hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm, khi mắt thường cũng khó phân biệt được cái tem CR là thật hay giả.
Không quản lý nổi, "đá" trách nhiệm sang người dân
Các nhà quản lý có công cụ trong tay mà không quản lý nổi, lại lăm le đẩy trách nhiệm cho người dân tự chịu, dùng người dân làm thuốc thử chính sách. TS Nguyễn Xuân Thủy (Nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải - chuyên gia về lĩnh vực giao thông) nêu quan điểm:
Trước hết các cơ quan chức năng phải tự mình dẹp hết các loại MBH kém chất lượng, những loại mũ không hợp quy chuẩn, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh rồi mới nói đến chuyện xử phạt người dân.
Không thể ngoài đường bán đầy mũ không đảm bảo chất lượng mà khi người ta đội lại phạt được.
Trách nhiệm của anh là quản lý, phải làm sao không cho các loại mũ này được xuất hiện trên thị trường, giờ anh lại bảo phạt người đội mũ không đúng quy chuẩn là hoàn toàn vô lý. Khi mà anh chưa làm tròn trách nhiệm của mình anh đừng đem người tiêu dùng ra để thử.
Ngọc Tú