Việt Hà, phóng viên RFA2012-03-02Ngày 21/2 vừa qua, đối thoại chiến lược ngoại giao quốc phòng lần đầu tiên giữa VN và Úc đã diễn ra tại Canberra, Úc, cho thấy mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Những tiềm năngNhững điểm gì mới trong quan hệ hợp tác hai nước? Và đâu là những tiềm năng cũng như trở ngại trong quan hệ hai nước? Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà của đài chúng tôi có bài phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc. Trước hết nói về những lợi ích mà Việt Nam và Úc đạt được trong quan hệ chiến lược với Úc, giáo sư Carl Thayer phát biểu: GS Carl Thayer: Mối quan hệ hợp tác này giúp cho quyền lợi của cả hai nước. Úc ủng hộ việc Việt Nam tham gia vào WTO, là thành viên không thường trực của hội đồng bảo an, đổi lại, Việt Nam ủng hộ Úc mạnh mẽ trong ASEAN, đặc biệt là thời kỳ Mahathir Mohamad đang nắm quyền ở Malaysia, khi có nhiều khó khăn, rồi khi thượng đỉnh đông á thành hình và các thành viên ASEAN muốn mở rộng thượng đỉnh này bao gồm cả Úc và Newzealand thì Việt Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ. Cho nên Việt Nam nhìn thấy ở Úc một đối tác luôn sẵn sàng hợp tác trong khu vực và giúp đỡ lẫn nhau và do đó giúp gạt bỏ những khó khăn vì Việt Nam ủng hộ vai trò của Úc trong khu vực. Việt Hà: Liên quan đến hợp tác quốc phòng hai nước, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ này kể từ năm 1999 đến nay?
GS Carl Thayer: Năm 1999 là năm hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ quốc phòng, cho đến nay Úc là nước có thể coi là đứng đầu hoặc đứng thứ hai trong việc đào tạo sĩ quan cho Việt Nam ở nhiều cấp từ cấp sĩ quan thấp theo học ở các trường đại học cho đến cấp tham mưu tức là trung cao cấp. Sĩ quan Việt Nam được cấp học bổng theo học tại Úc. Úc cũng tài trợ cho các khóa học về quân sự khác như tình báo, hậu cần, các hội thảo về vũ khí hóa học, chống sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt… Đồng thời Úc cũng tham gia vào các diễn đàn đa biên trong khu vực ASEAN. Úc cung cấp tài chính cho việc đào tạo những giảng viên cho Việt Nam, dạy tiếng Anh cho các sĩ quan Việt Nam để họ có thể tự tin và giao tiếp được với các đối tác trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các hợp tác quốc phòng sau này. Việt Hà: Vậy Úc được lợi gì từ hợp tác quốc phòng với Việt Nam? GS Carl Thayer: Không có vấn đề quốc phòng nào có thể được giải quyết bởi chỉ một nước, các nước cần hợp tác, có rất nhiều hợp tác về quân sự cho các nước ví dụ như cứu trợ thảm họa, hay trong việc chống sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng điều quan trọng hơn cả là xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng vì quốc phòng cũng đóng vai trò chính trị ở Việt Nam, cho nên hợp tác này có thể là cơ sở để Úc có thể tạo ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam, hay ảnh hưởng đến Việt Nam trong một số vấn đề. Việt Hà: Vậy vấn đề tranh chấp trên biển Đông đóng vai trò thế nào trong quan hệ quốc phòng hai nước? GS Carl Thayer: Trước hết, tất cả các nước sử dụng biển Đông bao gồm Việt Nam và Úc đều có chung quyền lợi tức là đảm bảo thông thương trong khu vực này, và Úc không muốn đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Mặc dù vậy, Úc cũng như nhiều nước khác luôn khẳng định phải đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu bè đi lại, và máy bay bay qua khu vực này. Úc phối hợp với các nước chia sẻ cùng quan điểm này, và đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải. Úc muốn hướng tới các hợp tác thực tế, tức là đảm bảo các tàu thuyền hoặc hoạt động quân sự của các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế. Có rất nhiều các sự kiện xảy ra trong khu vực này thời gian gần đây được bắt đầu bởi Trung Quốc. Úc làm việc với Việt Nam và các nước ASEAN khác và muốn thấy có cách nào đó hạn chế những hành động gây hấn này của Trung Quốc. Cần tăng hợp tác quân sựViệt Hà: Úc đã có những hoạt động tập trận chung với một số nước ASEAN, theo ông, Việt Nam có thể sớm tham gia các hoạt động chung này với Úc và các nước khác?
GS Carl Thayer: Việt Nam đang rất thận trọng trong việc tham gia các hoạt động quân sự chung với các nước. Cho đến giờ Việt Nam chỉ có hoạt động phối hợp tuần tra chung với Trung Quốc trên vịnh bắc bộ, và cũng chỉ là các hoạt động cứu nạn mà thôi. Tàu Úc có ghé thăm Việt Nam hàng năm nhưng chưa có các hoạt động chung với Việt Nam, theo tôi được biết thì là như vậy. Nhưng trong khu vực ASEAN rộng lớn hơn thì khác, vì ASEAN đang mở rộng và Australia cũng tham gia vào khu vực. Chúng ta nghe nói đến tập trận hổ mang vàng giữa Úc và các nước trong khu vực, Việt Nam có cử người đến quan sát nhưng không tham gia. Với các hoạt động chung về cứu nạn trên biển do thảm họa thì ngay cả Miến Điện cũng tham gia với Úc. Cho nên nếu có các hoạt động quân sự chung xảy ra thì chủ yếu cũng chỉ là cứu trợ, cứu nạn trong thảm họa, vì nói ít gây tranh cãi hơn. Việt Hà: Ông nói đến các hoạt động ít gây tranh cãi hơn, tức là không phải các cuộc tập trận thực sự, vậy có phải là do yếu tố Trung Quốc hay còn một lý do nào khác? GS Carl Thayer: Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây Việt Nam mới bắt đầu gửi tàu đến thăm Thái Lan hay Malaysia, Trung Quốc, đó là những hoạt động mà Việt Nam có thể làm, Việt Nam cũng cần phải tăng cường khả năng của mình và họ không muốn cảm thấy phải xấu hổ khi tham gia các cuộc tập trận. Việt Nam phải rất cẩn thận khi chơi với lửa, những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đã nhiều lần đưa ra các bình luận trên tờ Hoàn cầu thời báo như là một cách để tạo sức ép lên Việt Nam. Bản thân Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo các nước, trong đó có Việt Nam cẩn thận không nên sử dụng các nước khác chống lại Trung Quốc. Do đó Úc và Việt Nam phải cân nhắc Trung quốc, không để Trung Quốc nổi giận. Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này. |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog