THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 February 2012

Vấn đề nóng


Tiểu Khê (Danlambao) - Sự kiện Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin Nghệ An đột ngột "mất tích" với cáo buộc trốn nợ chìm nghỉm trong cái nóng sôi sùng sục của sự kiện Tiên Lãng. Vụ việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có thông tin từ những đơn kiện về việc ông Bùi Xuân Lâm nhận tiền chạy việc cho rất nhiều người. 

Ở chế độ ta, lâu nay việc chạy chọt, xin xỏ là một vấn đề gần như đã mặc định khi đi xin vào một cơ quan, chạy trường, chạy lớp hay xin một dự án nào đó. Tiền có thể giúp cho người có trình độ thấp kém có vị trí làm việc với bổng lộc dồi dào hơn người có năng lực thực sự. Tiền có thể giúp cho những học sinh ngồi nhầm lớp có thể thi đỗ vào những trường đại học danh tiếng. Tiền có thể giúp cho ham muốn quyền lực của con người được thỏa mãn. Không ai nói ra nhưng gần như tất cả đều ngầm ưng thuận. Có người có năng lực tốt, có đủ điều kiện thể hiện năng lực của mình để phục vụ xã hội, vẫn phải có tiền lo lót thì mới có được công việc đúng với khả năng, bởi dòng thác chạy chọt nó đã lan rộng toàn xã hội. Có thể hiểu được vì sao ở môi trường giáo dục, một số trường thiếu giáo viên nhưng không bổ sung, bởi những vị trí đó đã có những người được sắp đặt, chỉ chờ ra trường là về đó. Hoặc cũng có thể nhiều người không biết chạy chọt, lo lót, hoặc điều kiện kinh tế khó khăn không thể chạy được.

Ngay cả khi đến cơ quan điều tra tự thú, Bùi Xuân Lâm vẫn cho rằng mình đang bị người khác chơi xấu vì ghen tức (Ảnh : Báo Dân Trí)

Trở lại vấn đề của PGD Trung tâm văn hóa - thông tin Nghệ An, theo thông tin từ báo Dân Trí, người nộp nhiều nhất 200 triệu đồng, người ít nhất là 70 triệu đồng để ông Lâm lo lót chạy việc cho họ. Phải chăng câu chuyện này đã đến lúc không thể che giấu những tiêu cực trong vấn đề chạy việc, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án v.v...? Với chức vụ cỡ ông Lâm đã như thế, còn những người khác thì sao? Việc này liệu có phải mình ông Lâm hay còn ai khác nữa? Điều kỳ lạ ở chỗ, tất cả mọi người đều biết đến hiện tượng tiêu cực này nhưng ít ai dám công khai lên tiếng. Phải chăng tất cả đều có chung một suy nghĩ rồi cũng đến lượt mình phải chạy vạy nên mọi người đều phòng xa?

Vụ việc PGĐ Trung tâm văn hóa - thông tin Nghệ An đã nói lên phần nào những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Một đất nước có quá nhiều GS, TS trong khi đó lại không cống hiến được gì nhiều cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Thậm chí còn gây nên những bước tụt lùi thê thảm. Cũng dễ hiểu khi con người luôn có nhu cầu sống, học tập và làm việc theo năng lực bản thân lại bị hoặc được xắp xếp không đúng chỗ. Đó cũng là nguyên nhân gây nên ức chế, bức xúc dẫn đến sự thờ ơ, vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hôm nay.

Có thể chúng ta đang cố gắng che giấu những hiện tượng tiêu cực như vậy để tự dối nhau rằng chế độ ta vẫn rất tốt đẹp, công bằng xã hội được đảm bảo bởi chế độ ta là chế độ ưu việt hơn trăm ngàn lần những chế độ khác. Sự bảo thủ đó trong thời đại thông tin toàn cầu không còn tác dụng nữa. Những lớp son phấn cũng không thể che được khuôn mặt rỗ trong 24h bởi chúng ta không thể không rửa mặt. Áo quần đẹp cũng không thể giấu được cơ thể đang chứa những mầm bệnh đang bắt đầu phát tác.

Chúng ta đều biết điều đó, vậy đến bao giờ vấn đề này mới được xử lý? Hãy thành thật với nhau trong cuộc đời này - Có như vậy mới giúp cho cuộc sống đẹp như những gì vốn có. Hãy để cho lớp trẻ có cơ hội hiểu và tôn trọng chúng ta - đó cũng là gửi vào cuộc sống những bông hoa đẹp, những mầm ươm khỏe khoắn cho Tổ Quốc ngày mai.