THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 February 2012

Mua vật chất = Bán văn minh?


01/02/2012 07:26:23

- Người Trung Hoa phát minh ra la bàn, thuốc nổ, giấy và nghề in. Nhưng đến một ngày họ than rằng: Chúng ta dùng la bàn để xem mồ mả, người Tây dùng để đi biển. Chúng ta dùng thuốc nổ để làm pháo bông, người Tây dùng để khai thác mỏ. Chúng ta dùng giấy để in Kinh sách Khổng Tử, tử vi tướng số, người Tây in sách khoa học. Cho nên phát minh và ứng dụng là hai việc khác nhau.

TIN LIÊN QUAN

Bán văn minh

Hạm đội của Trịnh Hòa ra đại dương khá sớm, nhưng họ chẳng học điều gì ở các nước khác dân tộc khác, họ đem về nhiều sản vật biếu và tặng để mọi người thấm nhuần được cái đức cao dầy của hoàng đế Trung Hoa, rồi nhận quà biếu chứ không thương mại để cho ngài được vạn thọ vô cương. Còn tầu của người Hà Lan, Anh và Tây Ban Nha buôn bán và cướp bóc, chiếm đất thuộc địa. Đoàn thuyền của Trịnh Hòa ngày càng lỗ chỏng vó và dẹp tiệm, Trung Quốc thế kỉ 19 vẫn tối cổ và thánh minh như ngàn năm trước.

Sau thời Đông Sơn, người Việt mất khả năng vượt biển lớn, chỉ đánh cá ven bờ, và lấn theo đất liền. Họ không thể cùng một lúc chống hai đối thủ .phía trước và phía sau, nên Nam tiến và dứt điểm một địch thủ là tất yếu. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, người Việt không từng nhường cho ai một tấc đất nào, ngoài lấy thêm về, bởi vì họ không có một kỹ năng nào ngoài canh tác lúa trên ruộng, không có đất tức là chết. Họ không chạy theo vua khi thua trận, mà giữ đất trong tất cả các trường hợp chiến tranh.

 

 

Nền văn minh vật chất của người Việt là nền văn minh sinh ra từ đất, tất cả từ dất, mọi đồ vật sản vật đều có quan hệ với đất nước của mình. Đồ vật có ý nghĩa văn minh bởi những quan hệ đó, và chỉ có ý nghĩa công năng khi không có quan hệ đó. Khi chúng ta mua đồ của người nước ngoài dùng, thì tất nhiên có thể tiện lợi hơn, nhưng chúng ta lại không có cái văn minh của chính mình. Đây chính là đặc điểm mà mọi dân tộc sẽ điều chỉnh khi du nhập và xuất khẩu hàng hóa. Ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa văn hóa của một sản phẩm đôi khi không đi cùng nhau, bớt tiện lợi đi một chút để giữ lấy văn hóa là xu hướng lâu dài, mà ngay cả quốc gia Tây Âu cũng thực hiện.

Khi có ô tô, người Nhật đưa ra khẩu hiệu mọi con đường nước Nhật do xe của Nhật chạy. Hiện tại xe Nhật đã chạy trên mọi nẻo dường thế giới. Người Ấn Độ đa phần vẫn giữ thói quen ăn bốc và mặc theo lối Ấn Độ. Các tài xế người Ấn Độ ở New York vẫn chụp miếng khăn mũ cao trên dầu. Một thợ điện người Đức ra nước ngoài làm việc mang theo cả kìm búa do Đức sản xuất. Bãi rác vật chất công nghiệp có thể xuất hiện ở bất cứ đâu nếu nơi đó thiếu ý thức dân tộc, thậm chí nó còn làm suy thoái nền sản xuất nội địa nếu nhập siêu quá lớn, do vậy ý thức văn hóa cũng chính là ý thức tự cường kinh tế, chứ không đơn giản là sỹ diện suông. Nếu tất cả chúng ta đều thích dùng điện thoại di động Hàn Quốc và nhật Bản, thì ngành công nghiệp điện tử của ta chỉ là một dây chuyền lắp đặt của nước đó.

Và tạo văn minh

Quá trình sống với đất, thổ mộc là hai nghề đầu tiên, rồi sinh ra các nghề khác. Làm nhà đất, chết chôn mồ đất, nhà gỗ lợp lá, làm thuyền bè gỗ đi trên sông nước, rồi xe cộ cũng bằng gỗ cả, đến tượng Phật, phù điêu và tranh dân gian cũng đều trên gỗ. Đồ đất và đồ gỗ chiếm đến 2/3 sản xuất vật chất tiền công nghiệp. Phụ trợ tiếp theo là nghề chăn tằm dệt vải, đúc rèn kim loại, thế là tạm đủ cho một cuộc sống nhà nông tự cung tự cấp. Ngoài rèn đúc kim loại, các việc còn lại bất cứ nhà nông nào cũng có thể làm được phục vụ cho cuộc sống của gia đình mình. Tự đan rổ rá, chổi, nong nia, dần sàng, đẽo cầy, đẽo bừa, đan gầu, làm quang sọt, đòn gánh, đan mũ nón, đẽo guốc, làm bàn ghế giường tủ và làm nhà. Dệt lấy vải khổ nhỏ để may quần áo, quần áo cũng cắt lấy may lấy. Đồ đất có chum vại, nồi niêu, bình lọ, chậu ang, gạch ngói… Cũng có thể làm lấy không khó khăn gì.

Dần dà một số làng nghề ra đời, thoạt tiên vừa cấy trồng, vừa làm thủ công, sau đó bán tất ruộng, chỉ chuyên sản xuất thủ công. Các làng gốm sứ, gốm sành, đóng giường tủ bàn ghế, làng dệt vải, dệt lụa, dệt chiếu, làng làm đồ mỹ nghệ hình thành, rồi đến những phường thợ đi rong làm kiến trúc, tượng Phật, đồ sơn thếp, làm cối giã, đóng cối xay… người nông dân thực tập trong môi trường làng xã, nếu không muốn mất tiền thì phải tự cung tự ứng, mà tiền luôn không sẵn, nên đại bộ phận đều khéo tay hay làm cả. Vụng nhất cũng làm ra được đồ dùng được, người khéo làm hộ và đổi công cho người khác.

Chế độ đổi công ra đời và rất phổ biến, dẫn đến vài cá nhân chuyên nghiệp về thủ công cho một làng. Tự làm đồ tất nhiên có quá trình gia công mài rũa cho khéo léo và tính thích thú cá nhân. Kiểu thức đồ thì chung nhau bởi ít ai có sáng kiến mới, vả lại đồ dùng đã được kiểm nghiệm trên thực tế, nhưng vót nặn cho riêng mình thì thêm bớt dài ngắn to nhỏ, có chút hình tượng không ai cấm, và như một thứ đánh dấu kiêu hãnh riêng. Cái đó làm cho các đồ thủ công tiền công nghiệp đều có hồn và có tính kỉ niệm, có vẻ đẹp mộc mạc của tâm hồn nông dân trong sáng, có sự cọ xát với tự nhiên do lao động nông nghiệp với thiên nhiên.

Mọi người nông dân đều cầy cuốc như nhau, nhưng không thể nào tìm ra hai cái cầy, cái cuốc giống hệt nhau (trừ đồ hàng loạt của hợp tác xã), tất nhiên rổ rá cũng tùy theo bàn tay của người trong gia đình, dù chúng có khuôn khổ con người Việt quy định mức độ to nhỏ để sử dụng. Trong một thời đại cá nhân không có ý nghĩa gì, nhưng người ta lại thấy rất nhiều cá tính thú vị trong đời sống vật chất. Đối với ông vua, nếu anh nông dân có tư tưởng riêng không phải do đức Thánh Khổng dậy thì thật nguy hiểm, nhưng nếu anh ta đẽo cầy để cầy voi thì mặc kệ nhà ngươi cứ việc.

(*) Tít chính và tít phụ do Bee.net.vn tự đặt

Phan Cẩm Thượng (Theo Sách Văn minh vật chất của người Việt, NXb Tri thức tháng 6/2011)