Tường An, thông tín viên RFA
|
Công nhân công ty dệt Penang chụp hình lưu niệm nhân chuyến đi chơi ngày "Family day". |
Bên cạnh những mảng xám, may mắn thay cũng có những công ty làm việc đúng đắn đem lại cho công nhân một cuộc sống bình ổn. Trong đó, hình thức sinh hoạt 'công đoàn' đóng 1 vai trò không thể thiếu.
Nhân ngày Familyday do Công đoàn Mã Lai và Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động kết hợp tổ chức cho công nhân Việt Nam ở thành phố Penang (Mã Lai) thông tín viên Tường An tham dự và gửi về những hình ảnh vui tươi hiếm hoi của đời công nhân xuất khẩu lao động qua bài tường trình sau đây. Xin mời quý vị theo dõi.
Chỗ dựa của công nhân
Xuất khẩu lao động hay còn được gọi là hợp tác lao động là một chiến lược quan trọng để góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo của nhà nước việt nam. Tuy nhiên vấn đề hợp tác như thế nào để có sự hài hòa giữa chủ và công nhân, công y môi giới phải tư vấn tốt trước khi đi, là những vấn đề cần phải được chính quyền của cả hai bên lưu tâm.
Hơn nữa, để quyền lợi của công nhân được đảm bảo, công đoàn là một tổ chức không thể thiếu để tranh đấu quyền lợi cho công nhân. Hãng dệt Pen Fabrik ở Penang, một đảo nằm phía Bắc của Mã lai, là công ty duy nhất có người Việt là thành viên của công đoàn Mã Lai. Trong số gần 70 ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại Mã Lai ít ai được biết rõ "công đoàn" là gì ?
Chị Hậu làm việc tại hãng Pen Fabrik được hơn 1 năm nói chị tham gia công đoàn ngày từ ngày đầu, mỗi tháng chị đóng 5 RM (Ringgit: đơn vị tiền tệ của Mã Lai, 1 USD = 3,025 RM ) tiền công đoàn mặc dù chị không biết "công đoàn" là gì cả:
"Hàng tháng chúng cháu chỉ biết là chúng cháu đóng 5 RM đấy là tiền của công đoàn, nhưng chúng cháu không hiểu công đoàn nó là cái gì, không ai nói. Tại vì công ty chưa phiên dịch ra, tức là phải nói ra các bạn đóng cái khoản này là nó chi phí vào cái gì cho các bạn thì chúng cháu mới biết. Nhưng cái này không nói thì chỉ biết là lương trừ tiền đi hàng tháng là 5 RM đấy. Tại vì chúng cháu không biết tiếng, thế cho nên bất đồng ngôn ngữ. Chúng cháu mong muốn là thí dụ công ty mình có người quản lý của người Việt Nam. Ví dụ như chúng cháu mà sai sót cái gì thì mình có người quản lý bảo mình bằng tiếng Việt của mình thì nó tốt hơn."
Chị Lê Nhung quê ở Quảng Bình thì cho biết có được một ít khái niệm về công đoàn. Chị cũng cho biết đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ công đoàn trong những ngày đầu mới qua:
"Từ lúc bọn con vào con không biết tiếng gì đâu, chẳng biết gì, người ta bảo vào ký thì ký thế thôi. Người ta cũng chẳng nói được gì, bởi vì nói thì mình cũng không hiểu. Người ta bảo vào ký thế là ký thế thôi. Thì con có biết tổ chức công đoàn là như thế nào ấy: Bảo vệ quyền lợi của người công nhân đấy! con cũng có biết.
Về nhà ở thì đầy đủ hết! Khi mình vào thì người ta cho bếp ga này, chén đĩa muỗng, ngay cái nhỏ nhặt nhất người ta cũng cho. Cái điều kiện ở đây rất là tốt.
Mới sang thì người ta cho 120 RM để mình ăn trong thời gian mình đợi để mình lãnh lương lần đầu. Và người ta ứng trước 50 RM nữa và sau đây người ta sẽ trừ dần vào lương. Lúc mới sang, người ta còn dẫn mình vào siêu thị sắm đủ mọi thứ. Người ta rất là tận tình giúp đỡ.
|
Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBV) đã kết hợp với Công đoàn Mã Lai tại công ty dệt Penang để tổ chức ngày "Family day". RFA PHOTO / Tường An. |
Lúc con mới sang, bỡ ngỡ lắm. Nhưng sự quan tâm của người ta như thế làm mình cảm thấy, mình đã sang đây, mình cố gắng mình làm tốt cho người ta. Mình không biết cái gì mình hỏi, bắt đầu người ta sẽ tận tình chỉ cho mình. Gặp cái gì khó khăn thì mình báo, báo cho thì người ta có cái tổ chức của người ta. Công ty nó lại giúp cho mình. Như bọn con ở trong nhà ở bị hư cái gì thì nói, thế thì trong 1 tuần người ta sẽ đáp ứng đủ mọi cái cho mình."
Thật vậy, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một công nhân nữ bị đau đầu sau buổi đi dã ngoại do công đoàn tổ chức, lúc đó đã gần 9 giờ tối mà người chủ tịch công đoàn vẫn tự lái xe chở cô công nhân đến bệnh viện và chờ khám xong để chở về.
Chị Lê Nhung cũng nhận rõ được vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của công nhân:
"Nhiều chỗ không có công đoàn, mặc kệ, muốn làm gì thì làm. Còn đây, gặp cái gì khó khăn thì mình có thể đề xuất lên công đoàn người ta sẽ giải quyết. Chứ còn không vào công đoàn thì người ta cũng chẳng biết đâu và đâu ấy. Còn không có công đoàn thì người này mặc kệ người kia, sống chết như thế nào thì mặc kệ.
Có một số người ở xưởng khác nói biết vậy em không vào công đoàn, việc gì một tháng trừ 5 RM đi mà chẳng được cái gì. Thế, đợt này chuẩn bị có cái tiền, tiền công đoàn ấy. Bọn con nhiều khi vẫn tự hào: Có gì thì được công đoàn bảo vệ đấy!!!"
Mặc dù trong một số hợp đồng của công nhân ký với công ty môi giới có phần ghi là không được gia nhập công đoàn, ông Mani, chủ tịch công đoàn công ty dệt Pen Fabrik chi nhánh Mil 1 tại Penang cho biết là chi nhánh của ông là chi nhánh duy nhất có 100% công nhân Việt Nam tại đây đã gia nhập công đoàn:
"Trong công ty của chúng tôi có 360 công nhân. Công ty chúng tôi có cả thảy 4 chi nhánh tổng cộng 2.400 công nhân. Trong chi nhánh của tôi có 60 công nhân Việt Nam và tất cả đều là thành viên của công đoàn."
Do có sự can thiệp của công đoàn nên đời sống của công nhân tại đây rất thoải mái, họ có những ưu đãi mà các nơi khác không có như an toàn lao động rất cao, giờ ăn trưa 45 phút thay vì 15 phút hay nửa tiếng như các nơi khác, mỗi tháng họ được thêm 40 RM để ăn trưa và các tiện nghi khác như lời kể của ông Mani:
"Đầu tiên chúng tôi có văn phòng công đoàn, thứ nhì chúng tôi có phòng karaoké cho công nhân trong giờ nghĩ chúng tôi cũng có phòng TV để coi phim. Và chúng tôi có phòng tập thể dục cho để công nhân. Chúng tôi có phòng khám bệnh để công nhân có thể lấy thuốc trong giờ làm việc. Mỗi thứ ba vào 1 giờ 30 trưa có bác sĩ từ bên ngoài vào chẩn bệnh cho công nhân."
Với chị Sơn, quê ở Bắc Giang thì quả là con đường xuất khẩu lao động đã tạo giấc mơ đổi đời của chị thành hiện thực. Chị đã làm việc tại Mã lai được 4 năm, nhờ cần cù dành dụm chị đã xây được một ngôi nhà khang trang cho gia đinh:
"Thật ra cái công ty này làm ăn rất là được. Cháu cũng muốn ở lại đây nhưng vì hoàn cảnh gia đình cháu. Chồng cháu ở nhà cũng vất vả lắm, nhớ vợ cũng kêu về. Cháu không muốn về đâu nhưng vì hoàn cảnh gia đình cháu phải về thôi.
Trước cháu ở 2 năm trên Kualar Lumpur, kinh tế khủng hoảng, công ty đóng cửa, công ty cho bọn cháu về nước, xong cháu lại tiếp tục sang đây cháu vào công ty này cháu làm được 2 năm rồi cháu lại về. Thế là cháu cũng 4 năm ở bên này rồi đó. Cháu sang đây làm được tiền, cháu lại xây nhà, mua đất để đấy, sau này con cái lớn lên lại bằng bạn, bằng bè ấy. Kinh tế gia đình nhà cửa cũng đàng hoàng hơn trước nhiều."
Niềm vui hiếm hoi
|
Công nhân công ty dệt Penang vui chơi ngày "Family day". RFA PHOTO / Tường An. |
Vừa qua, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBV) đã kết hợp với Công đoàn Mã Lai tại công ty dệt Penang để tổ chức ngày "Family day" dưới hình thức vui chơi ngoài bãi biển cho các công nhân của công ty này. Ông Nguyễn Văn Tánh, năm nay 81 tuổi, đã từng là đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam tại Á Châu và là cựu phó tổng thư ký Tổng Liên Đoàn lao công Thế giới trước năm 1975. Bây giờ tuy đã về hưu nhưng ông vẫn quan tâm đến công nhân lao động việt nam, hiện ông là thành viên của Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam trụ sở tại Ba Lan. Ông cho biết mục đích của công tác này như sau:
"Nhân chuyến công tác vừa qua tại Malaysia, chúng tôi, Ủy ban Bảo Vệ người lao động Việt Nam có đề nghị với ban lãnh đạo nghiệp đoàn Penang tổ chức 1 ngày du ngoạn gọi là Family Day tại bãi biển Penang cho anh chị em công nhân xuất khẩu lao động hiện đang làm việc tại Penang..
Đây là lần đầu tiên từ ngày đặt chân đến đất Malaysia, anh chị em có một ngày vui vẻ, thân tình với nhau ngoài hiện trường làm việc.
Mục đích của ngày du ngoạn này là để cho anh chị em công nhân có những giờ phút vui chơi với nhau, có thì giờ tìm hiểu nhau, kết đoàn với nhau.
Tổ chức du ngoạn ngày Family Day chỉ là một phần trong chương trình dài hạn của UBBV để cho công nhân có một ý niệm đúng nghĩa về công đoàn, để anh chị em có thể tham gia hơn nữa vào công đoàn Malaysia và sau này họ có thể thành lập một công đoàn độc lập cho chính họ."
Chị Đảm không dấu được nỗi vui mừng khi được tham dự một ngày vui hiếm hoi. Chị mong muốn công ty sẽ tổ chức thêm những buổi đi chơi như thế này nữa:
"Ô! em thấy một buổi đi chơi thật là thoải mái mà lại vui vẻ, em thích lắm. Công ty không biết có làm ăn được hay không mà tổ chức đi như thế này chúng em thấy rất là mừng rồi. Thích lắm! Bọn em nghe cái tin này cách nay khoảng nửa tháng, bọn em mừng lắm, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ngày đi, hồi hộp lắm…(cười).
Em thích mà, mọi người ai cũng đều thích, vui thật đấy ! Nếu có dịp công ty cứ tổ chức đi như thế này, em vẫn thích đi, mọi người ai cũng đều thích chị ạ, ai cũng nắc nỏm chờ đến ngày để đi đấy."
Lẫn trong tiếng nói cười vui vẻ của bạn bè trong buổi dã ngoại, chị Tư tâm sự chị cảm thấy rất hạnh phúc:
"Đây là lần đầu tiên con sang đây, đi làm xa nhà, con cũng rất nhớ nhà. Khi nào công ty tổ chức như thế này thì con cũng thấy rất vui và rất cảm ơn công ty tổ chức cho những người Việt Nam sang đây, xa nhà, xa Bố Mẹ, xa quê hương. Tổ chức cho những người ở khác quê tụm lại nhau để nói chuyện với nhau. Con thấy rất vui và rất hạnh phúc."
Niềm hạnh phúc của chị Tư cũng là của mọi chị em công nhân của công ty dệt này. Khi được hỏi có muốn tổ chức thêm những chuyến dã ngoại như thế này nữa không, thì tất cả chỉ có cùng một câu trả lời.
Và trên đường về, người ta đã nghe lại tiếng hát hồn nhiên (hiếm hoi) của đời công nhân lao động trên xứ người.