Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-05-13
Vấn đề linh mục công giáo có được Giáo hội cho phép ra ứng cử vào một vị trí nào đó của chính quyền hay không vẫn đang âm ỉ trong dư luận giáo dân.Trong kỳ bầu cử Quốc hội tới đây Việt Nam có 4 linh mục ra tranh cử, trong đó có linh mục Phan Khắc Từ, sẽ tái tranh cử vào chức vụ đại biểu quốc hội. Mặc Lâm phỏng vấn linh mục Phan Khắc Từ để biết thêm động cơ, nguyện vọng của ông khi tham gia vào hoạt động chính trị này.
Bổn phận một chủ chăn
Mặc Lâm: Thưa linh mục xin ông cho biết trong vai trò của một linh mục thì quan niệm của ông trước các vấn đề xã hội ông quan tâm đến vấn đề gì nhất?LM Phan Khắc Từ: Trước hết tôi rất quan tâm tới người nghèo, người khuyết tật cơ nhỡ, người bị thiệt thòi trong xã hội. Đây là một lĩnh vực có thể nói từ trước tới giờ tôi vẫn quan tâm. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy cho quyền lợi, hay thúc đẩy để có những bộ luật để những người khuyết tật, những người thiệt thòi trong xã hội có được chỗ đứng mà có được cái quyền lợi.
Mới ra vậy thôi chứ chưa chắc đã trúng! Thực sự nó là tranh cử chứ không phải đơn giản đâu.Thí dụ như những người nghèo ở vùng nông thôn. Bây giờ người ta không có bảo hiểm y tế, làm sao để bảo vệ cho người ta có được những quyền lợi đó để khi đau yếu người ta có quyền khám chữa bệnh. Hay những người neo đơn, những người già, những người tật nguyền hay trẻ em gia đình nghèo có điều kiện để học hành.
LM Phan Khắc Từ
Mặc Lâm: Theo ông thì người Công giáo Việt Nam đối với vấn đề chung của đất nước đã thể hiện hết vai trò của từng người hay chưa nhất là thành phần trí thức và tu sĩ?
LM Phan Khắc Từ: Người công giáo càng ngày càng gắn bó và tham gia một cách tích cực vào công việc xã hội. Những lĩnh vực nào có khả năng chuyên môn của phía công giáo thì đều thúc đẩy chuyện đó. Hai là giới tu sĩ là giới có nhiều khả năng vừa do cuộc sống hiến dâng của mình vừa do có khả năng chuyên môn, học hành được đào tạo trên các lĩnh vực này. Làm sao tận dụng đựơc những năng lực này, làm sao cho chuyện đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, của xã hội của người nghèo. Nói chung tôi rất tha thiết đến những chuyện này.
Những thành phần này rất đông đảo ở trong Giáo hội nên giúp tạo điều kiện để cho người có tôn giáo tham gia vào trong mọi lĩnh vực của xã hội nhất là trên lĩnh vực từ thiện. Đấy là cái quan tâm của tôi.
Mặc Lâm: Người dân vẫn cho rằng khi được hiệp thương rồi thì tỷ lệ trúng cử rất cao gần như tuyệt đối. Ông có thể chia sẻ cho độc giả biết về việc này sự thật như thế nào?
LM Phan Khắc Từ: Mới ra vậy thôi chứ chưa chắc đã trúng! Thực sự nó là tranh cử chứ không phải đơn giản đâu. Đi vào thực tế tại vì mình là linh mục, nói như tôi quan hệ rất là nhiều nhưng sánh với người ta thì không có năng lực bằng người ta đâu. Trí thức cũng chưa chắc, năng lực cũng chưa chắc quan hệ xã hội cũng chưa chắc.
Lá phiếu là do người dân, mà dân của tôi, dân đơn vị của tôi sợ không được 10% công giáo. Dân đa số là Phật giáo hay không tôn giáo, công giáo rất là ít, thật ra tình hình là như vậy. Nếu người ta tin tưởng, tín nhiệm thì mình đựơc còn không thì thôi. Cũng vui vẻ thôi không phàn nàn, không trách móc gì ai.
Nếu mình co lại mình không chịu tham gia thì phía nhà nước lại trách móc là mấy ông Công giáo không tham gia gì cả. Các tôn giáo khác người ta rất là hân hạnh được tham gia. Mình có những cái vướng mắc mà mình không làm thì theo tôi nó cũng có cái gì đó… Có thể cũng có một cái gì đó tương lai nhưng xác định nhất định "là" thì không có.
Mặc Lâm: Thưa linh mục là một chủ chăn, bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất là chăn giữ đàn chiên của mình trong ngôi nhà Giáo hội Việt Nam, ông đã nhiều lần giữ chức đại biểu Quốc hội và lần này tiếp tục ra tranh cử một lần nữa xin ông cho biết nguyên do nào dẫn ông đi đến quyết định này. Và khi đắc cử thì ông còn đủ thời giờ để phục vụ cho đàn chiên của mình hay không?
LM Phan Khắc Từ: Sở dĩ tôi có tham gia mấy lần ở Quốc hội hay tham gia với chính quyền để cho người có tôn giáo có niềm tin, đem niềm tin của mình vào phục vụ xã hội đó là điều tôi rất quan tâm, rất tâm đắc. Mặc dù có nhiều ý kiến, có nhiều người kết án đối với những linh mục tham gia. Nhưng mà đất nước này là của chung, mọi người đều có trách nhiệm. Riêng giáo hội nói gì thì nói, phải góp phần với đất nước chứ không nên đứng ngoài.
Bộ Giáo Luật 1983
Mặc Lâm: Gần đây trong cộng đồng giáo dân đã nổi lên nhiều dư luận chống lại việc nhiều linh mục ra ứng cử vào Quốc hội. Có nơi còn chứng minh bằng Bộ Giáo Luật 1983 từ Vatican do HĐGMVN phát hành năm 2007, trang 108, Điều 285 đã viết: "Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành xử quyền bính dân sự". Linh mục nghĩ sao về những chống đối từ chính những con chiên trong Giáo hội thưa ông?Dĩ nhiên là có tụi bên ngoài nó quá khích nhưng mà tôi nghĩ Giáo Hội nói gì thì nói vẫn phải ở đây, ở với dân tộc này, nó có ma quỷ gì thì cũng phải ở với nó thôi chứ!
LM Phan Khắc Từ
LM Phan Khắc Từ: Theo tôi thì điều dĩ nhiên mỗi một đất nước, mỗi một hoàn cảnh xã hội nó có những tình tiết của nó, nó có những vấn đề của nó. Nếu mình cứng ngắt thì giáo hội sẽ trở nên cô lập. Ở Việt Nam các Giám mục cũng đã có nhiều suy nghĩ về lĩnh vực này khi những điều đó được nhắc nhở cho đức cha Nhật. Ngài cũng thấy rằng ở trong hoàn cảnh đất nước này mình cần phải đi vào trong thực tế của xã hội.
Mặc Lâm: Việc ứng cử của linh mục nếu không tự ý mình như ông nói thì ông có thể cho biết tổ chức hay đơn vị nào đề cử ông ra ứng cử lần này hay không?
LM Phan Khắc Từ: Tôi đã đựơc cả cái Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phần lớn là anh em linh mục ở cả nước họp lại và đề cử thì điều đầu tiên tôi về là tôi gặp đức Hồng Y (Phạm Minh Mẫn) trình bày với ngài về điều đó.
Mặc Lâm: Như ông nói là có trình bày với Hồng Y Phạm Minh Mẫn về việc ra tranh cử Quốc Hội, thế ý kiến của Ngài như thế nào?
LM Phan Khắc Từ: Nó có những vấn đề mà không thể nào cứ cứng ngắt như vậy được. Tôi nghĩ rằng làm cách nào đó cho người ta đừng tấn công vào Hồng Y, tôi phải bảo vệ ngài. Cái nội dung đó không phải ngài cấm, mà ngài cũng không cho phép nhưng theo lương tâm của mình. Ngài nói liệu vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thì có làm được cái gì không? Nếu cảm thấy rằng làm được, làm được cho đất nước, làm được cho Giáo hội, dù là bị búa rìu từ phía Giáo hội.
Mặc Lâm: Mới đây dư luận cho rằng việc ông thôi giữ chức chánh xứ Vườn Xoài là một trao đổi để linh mục được tiếp tục có một ghế trong Quốc hội Việt Nam, ông nghĩ sao về những đồn đoán này?
LM Phan Khắc Từ: Dư luận nó cho rằng tôi không thể, không thể nào đưa ra khỏi giáo xứ Vườn Xoài được thì cái chuyện đó tôi không muốn để cho dư luận hiểu lầm như vậy. Mình là con cái của Giáo hội thì phải vâng lời Giáo hội chứ! Thứ hai tôi ở như thế này cũng đã lâu lắm rồi nên cái chuyện đi là chuyện bình thường.
Có cái là đi trước bầu cử thì nó gây cho người thấy hình như có một cái áp lực nào đó. Tôi thấy tôi rất là thanh thản. Tôi vẫn ở đây, vẫn làm việc, vẫn làm lễ như thường. Chỉ có điều một số chuyện như là không điều hành giáo xứ nữa thế thôi. Tôi vẫn quan hệ với các ngài như thường. Dĩ nhiên là có tụi bên ngoài nó quá khích nhưng mà tôi nghĩ Giáo Hội nói gì thì nói vẫn phải ở đây, ở với dân tộc này, nó có ma quỷ gì thì cũng phải ở với nó thôi chứ!
Mặc Lâm: Và trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn này linh mục còn điều gì muốn chia sẻ thêm với thính giả của đài Á Châu Tự Do nữa hay không?
LM Phan Khắc Từ: Tôi có sao nói vậy với tất cả tấm lòng mình kể cả cuộc đời mình đã dấn thân cho người nghèo thế thôi. Nếu tôi ở trong vị trí đó thì dĩ nhiên tất cả những vấn đề gì đụng chạm đến người nghèo thì tôi sẽ có tiếng nói của tôi tôi bênh vực.
Dĩ nhiên không phải mình muốn cái gì thì được cái đó nhưng mà mình thể hiện được tấm lòng của mình hay nói rõ hơn là con của Chúa với những người trong hoàn cảnh bất hạnh.
Mặc Lâm: Xin cám ơn linh mục Phan Khắc Từ đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Tổ chức bầu cử ở Hoàng Sa và Trường Sa là chuyện nội bộ của Việt Nam
- 700 tỷ đồng để tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND
- Thư thính giả về bầu cử quốc hội sắp tới
- Việt Nam chuẩn bị sửa đổi hiến pháp
- Vì sao Dự luật Thủ đô bị bác
- Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam: có cần thiết?
- Mô hình tập trung quyền lực
- Đã đến lúc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam?
- "Người dân bị chính quyền đánh cắp nhiều thứ"
- Chuyện nước thời nay