Là khách quen hay "người nhà" của ngân hàng, người gửi tiết kiệm VND không khó để nhận lãi suất vượt mức trần 14%. |
Lãi suất tiết kiệm VND công khai vẫn chỉ 14% một năm. Ảnh: Tuệ Minh |
Điều kiện để được hưởng lãi suất "đi đêm", theo rỉ tai của một nhân viên, phải là khách thường xuyên gửi tiền hoặc người quen của các sếp. Chị Hồng (người gửi tiền nói trên) kể, trước khi mang tiền đi gửi, chị cũng gọi điện hỏi trước thì được giao dịch viên chi nhánh nhà băng hỏi có phải là khách quen không. Nếu không là khách quen và khách đặc biệt thì chỉ được hưởng 14%, nhưng khi nhận là "người nhà" thì con số này tăng thêm 2-3%.
Dù vậy, không phải phòng giao dịch nhà băng nào cũng sẵn sàng áp dụng lãi suất "đi đêm" vượt trần 14%. Trong trường hợp khách đòi hỏi lãi cao hơn quy định, phản ứng phổ biến của một số giao dịch viên này vẫn là sự dè dặt.
Sáng 28/4, giao dịch viên một nhà băng ở phố Liễu Giai tỏ ra thờ ơ khi có khách đến gửi tiết kiệm và nhận là người quen của chủ tịch hội đồng quản trị. Khăng khăng mức lãi suất được nhận chỉ là 14% một năm, chị này nói thẳng, người quen thì người quen, vẫn phải làm theo quy định. Tuy nhiên, khi vị khách tức giận chuẩn bị bỏ đi, thì chị này dịu giọng khuyên khách hàng này chờ, nếu có chỉ đạo từ trên xuống đúng là "người nhà" thì sẽ xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Toại- Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu bày tỏ quan điểm, việc phòng giao dịch một số nhà băng tự động nâng lãi suất tiết kiệm là một kiểu thu hút vốn tiền gửi. Tuy nhiên, đây là hành vi đi trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Toại, tình trạng này nếu có, thường xảy ra tại các ngân hàng cỡ nhỏ. Nguyên nhân là những nhà băng nhỏ thường lấy ngắn hạn để cho vay dài hạn. Do đó bằng cách áp dụng lãi suất cao đối với khách hàng cá nhân, có thể thu hút tiền gửi nhiều hơn và giữ chân khách. Riêng chuyện lãi suất cao chỉ áp dụng với khách hàng quen hoặc nhận là người quen của nhà băng, ông Toại không bình luận.
Một đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý những ngân hàng "lách luật" này không đơn giản. Nguyên nhân là không phải lúc nào cũng bắt được tận tay sự thỏa thuận lãi suất chui của ngân hàng với người gửi tiền. Mà những người có tiền gửi cũng chẳng có ai dại đến mức đi tố cáo nhà băng cho mình hưởng lãi suất cao, ông nói.
Quan chức này thông tin, thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện lãi suất tại các ngân hàng. "Nếu phát hiện trường hợp nào áp dụng lãi suất vượt mức quy định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc", đại diện này khẳng định.
Tuệ Minh